Thế hệ ‘3 không’ ở Nhật Bản

Không tiền tiết kiệm, nhà ở hay sinh con là lối sống mà nhiều người Nhật trong độ tuổi từ 27 đến 42 lựa chọn.

Ở tuổi 36, Isechi Makoto mới “cảm thấy được sống” bởi vài tháng nữa vợ chồng sẽ trả hết khoản nợ 35.000 USD, sau khi công ty riêng phá sản năm 2019.

Isechi đang theo đuổi công việc thiết kế website tự do. Toàn bộ cách viết mã và chỉnh sửa ảnh anh tự học trên YouTube và tạo được lượng khách hàng riêng.

“Giờ đây chúng tôi mới có thể bắt đầu tương lai”, Isechi nói. Nhưng tương lai đó không có nhiều thay đổi cho cặp đôi. Vợ anh đang nghĩ đến việc chuyển từ căn hộ đang thuê ở Osaka về nông thôn và mở một nhà hàng nhỏ để tăng thu nhập. Và tất nhiên, họ vẫn không có kế hoạch sinh con, mua nhà hay làm giàu.

Isechi trong một kỳ nghỉ ở Hokkaido. Ảnh: Isechi Makoto

Isechi trong một kỳ nghỉ ở Hokkaido. Ảnh: Isechi Makoto

Seijiro Takeshita, trưởng khoa quản lý, tin học và đổi mới tại Đại học Shizuoka, cho biết từ năm 1986 đến 1991, Nhật Bản trải qua bong bóng kinh tế khiến các tài sản và bất động sản bị thổi phồng. Nhất là 10 năm đầu tiên được gọi là “thập kỷ mất mát” khi tỷ lệ thất nghiệp tăng hơn gấp đôi, từ 2,1% năm 1991 lên mức cao nhất lịch sử 5,4% năm 2002. Đáng chú ý, đây cũng là giai đoạn mà Gen Y (sinh năm 1981-1996, chiếm 1/5 tổng dân số) của nước này chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo các chuyên gia quan sát, nhóm người này bắt đầu thận trọng hơn trong chi tiêu cũng không còn tư tưởng “cống hiến hết sức”. Họ dần từ chối văn hóa làm việc ngoài giờ vì lương thấp, không quan tâm đến việc mua nhà, sở hữu tài sản bởi không đủ khả năng và chấp nhận với cuộc sống hiện tại.

Thống kê từ Statista, tỷ lệ sở hữu nhà ở giữ ổn định ở mức khoảng 60% kể từ năm 1970. Nhưng thế hệ trẻ là chủ nhà ngày càng giảm. Theo đó, năm 2018, số chủ nhà trong độ tuổi 30-34 tuổi là 26%, trong khi năm 1983 và 46%. Độ tuổi từ 35 đến 39 cũng giảm từ 60% xuống 44% trong năm 2018 so với cùng thời kỳ.

Năm bắt cơ hội này, Jin Gujin, kỹ sư cơ khí 37 tuổi ở Kyoto, đã vay 430.000 USD vào năm 2022 để mua hai bất động sản và cải tạo thành nhà ở tập thể với nhiều phòng nhỏ cho người có thu nhập thấp.

Hiện ngôi nhà nhận tối đa 12 người thuê, mỗi tháng trả 470 USD. “So với việc mua một bất động sản, việc thuê các căn phòng giá rẻ phù hợp với nhiều người hơn. Không ít người không số đó chọn thuê trọ đến cuối đời”, Jin nói.

Giá nhà tăng cao, lương thấp, không tiền tiết kiệm khiến người trẻ Nhật Bản chấp nhận với cuộc sống không tài sản, không con cái. Ảnh minh họa: Richard A. Brooks/AFP

Giá nhà tăng cao, lương thấp, không tiền tiết kiệm khiến người trẻ Nhật Bản chấp nhận với cuộc sống không tài sản, không con cái. Ảnh minh họa: Richard A. Brooks/AFP

Đáng chú ý, tỷ lệ kết hôn, sinh con của nước này cũng giảm.

Suganuma Natsuki (33 tuổi), ở Tokyo vừa xin nghỉ việc để lập công ty riêng. Một số đồng nghiệp của cô có 1-2 con, nhưng vợ chồng Suganum lại cho rằng rất khó nuôi dạy con cái khi điều hành công ty. “Quan trọng hơn là không đủ tiền để chăm sóc khi chúng tôi còn các khoản nợ. Thật đáng sợ khi nghĩ đến chuyện có con”, cô nói.

Hiện số ca sinh ở Nhật Bản giảm xuống còn 1,26 ca/phụ nữ vào năm 2023, mức thấp nhất trong 17 năm qua, theo Bộ Y tế nước này. Trước thực trạng trên, chính quyền nước này đang làm mọi cách để thay đổi, nhưng chính thế hệ này không muốn vậy.

“Họ cho rằng bản thân không có cơ hội tăng thu nhập trong tương lai và dần chấp nhận với cuộc sống hiện tại. Do vậy, việc kết hôn và sinh con bị trì hoãn”, Takahide Jiuchi của Viện nghiên cứu Nomura nói.

Nguồn: VNEXPRESS