Khác biệt của mùa du lịch Tết Tân Sửu

Khách đeo khẩu trang mọi nơi; nhiều đền, chùa hủy khai hội; lượng khách du lịch trên toàn quốc giảm mạnh là những khác biệt của kỳ nghỉ Tết 2021.

Kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán 2021 kéo dài 7 ngày (10-16/2), song trước sự bùng phát trở lại của Covid-19, nhiều du khách hủy chuyến du xuân đầu năm và các địa phương áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch.

Khách xếp hàng lễ chùa, đeo khẩu trang mọi nơi

Thực hiện công văn số 112/TCDL-LH của Tổng cục Du lịch ngày 28/1/2021, để đảm bảo đón khách an toàn, chu đáo, các địa phương thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch. Trong đó các điểm tham quan, khu du lịch thực hiện tổ chức phun khử khuẩn tại khu vực công cộng, đo nhân thiệt cho khách du lịch và yêu cầu người lao động, khách tham quan đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và giữ khoảng cách an toàn, theo khẩu hiệu 5K của Bộ Y Tế.

Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, bên cạnh việc thực hiện 5K, các cơ sở lưu trú du lịch trên toàn tỉnh phải thực hiện khai báo y tế tại phần mềm “Vietnam Health Declaration” và đảm bảo khai báo khách lưu trú hàng ngày với cơ quan chức năng. Qua kiểm tra trong 6 ngày nghỉ Tết Nguyên Đán, công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các điểm du lịch toàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc, vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch vừa đảm bảo phát triển du lịch.

Qua đó, du khách có thể thấy những hình ảnh chưa từng có trong những dịp du lịch Tết trước đây như bảng hiệu 5K xuất hiện ở mọi điểm tham quan; du khách xin chữ ông đồ qua tấm chắn ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội); đăng ký thông tin cá nhân khi tham quan Tràng An, người dân xếp hàng đợi đo thân nhiệt và khai báo y tế khi vào các đền, chùa…

Chị Nguyễn Hằng (Cẩm Phả, Quảng Ninh) cho biết vào đêm 30 Tết Tân Sửu cùng gia đình đi lễ chùa Long Tiên (TP Hạ Long, Quảng Ninh). Chị Hằng ngạc nhiên khi thấy hàng trăm người đeo khẩu trang xếp hàng, chờ đợi đo thân nhiệt trước khi vào chùa, dù không có yêu cầu bắt buộc. Sau khi hành hương, khách rời khỏi chùa sớm, không vãn cảnh, chụp ảnh hay ngồi ở ghế đá như trước đây.

Hàng loạt đền, chùa huỷ khai hội xuân

Từ 0h ngày 16/2, Hà Nội tạm cửa đóng tất cả điểm du lịch, di tích để phòng chống Covid-19. Lễ hội Gò Đống Đa, lễ khai hội chùa Hương, lễ hội đền Gióng và lễ hội Cổ Loa (Hà Nội) dừng tổ chức hoặc không tổ chức khai hội.

Tương tự là hàng loạt lễ hội lớn như khai hội chùa Bái Đính (Ninh Bình); lễ hội Tịch Điền, lễ hội phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương, lễ hội khai xuân chùa Tam Chúc (Hà Nam); hội lim, hội đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh; lễ khai hội xuân Yên Tử (Quảng Ninh); lễ hội cướp phết Hiền Quan, lễ hội đúc Bụt tại Phú Thọ; lễ hội Khai ấn Đền Trần (Nam Định)…

TP Hưng Yên tạm đóng cửa Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến và tất cả các di tích trên địa bàn để phòng chống dịch Covid-19. Và từ 15/2, TP Hải Phòng tạm dừng hoạt động tất cả cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, công viên, vườn hoa trên địa bàn.

Khách trên cả nước giảm, duy nhất Hà Nội đạt 50% khách so với Tết 2020

Ước tính trong 7 ngày từ 10/2 đến 16/2, Hà Nội đón khoảng 122.000 lượt khách, đạt 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo báo cáo nhanh trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đón khoảng 18.500 lượt khách; Vườn thú Hà Nội đạt khoảng 12.300 lượt; Hoàng thành Thăng Long đón khoảng 15.000 lượt; Vườn quốc gia Ba Vì đón khoảng 1.200 lượt; Thiên đường Bảo Sơn đón khoảng 1.700 lượt.

Lượng du khách đến chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam giảm mạnh.

Kỳ nghỉ tết nguyên đán Tân Sửu 2021 kéo dài 7 ngày, lượng khách đến Lào Cai đạt khoảng 45.000 lượt khách, đạt khoảng 46% so với cùng kỳ 2020, 100% khách du lịch nội địa. Cụ thể lượng khách tại thị xã Sa Pa là 32.500 lượt khách, khách đến khu du lịch cáp treo Fansipan đạt 11.766 lượt, đạt 41% so với cùng kỳ 2020 và thành phố Lào Cai là 17.700 lượt khách.

Theo báo cáo sơ bộ, du lịch tỉnh Hà Giang trong dịp Tết Nguyên đán khá sôi động, lượng khách du lịch đến Hà Giang ước đạt 12.000 lượt người, đạt 30% so với cùng kỳ năm 2020. Khách du lịch chủ yếu đi về trong ngày, khách lưu trú chiếm 30%. Trong dịp Tết Nguyên đán năm 2021, có 380 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch mở cửa phục vụ khách.

Từ 10/2 đến 15/2, Ninh Bình đón khoảng 62.300 lượt khách đạt 13,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khách quốc tế là 1.740 lượt đạt 0,53% và khách nội địa là 60.560, đạt 14,6% so với cùng kỳ.

Trung bình mỗi ngày, Thừa Thiên – Huế thu hút khoảng 1.000 lượt khách lưu trú. Khách đến tham quan các điểm chủ yếu là người địa phương; các khách ngoại tỉnh chủ yếu về thăm thân, đi theo nhóm gia đình và bạn bè; khách du lịch thuần túy hầu như không có.

Cổng vào Đại nội Huế vắng bóng du khách ngày 14/2 (mùng 3 Tết Tân Sửu). Ảnh: Bảo Ngân

Dịp Tết, tổng khách tham quan, du lịch tại Đà Nẵng ước đạt 30.800 lượt, chủ yếu là khách nội địa có xu hướng đi lẻ, đi theo nhóm gia đình và tự đặt dịch vụ. Một số khu, điểm du lịch lớn như danh thắng Ngũ Hành Sơn đón hơn 5.100 lượt khách, Sun World Bà Nà Hills đón hơn 6.500 lượt khách, bán đảo Sơn Trà đón hơn 8.000 lượt khách, Công viên nước Mikazuki Water Park 365 đón hơn 1.100 lượt trong kỳ nghỉ lễ.

Tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên từ ngày 11/2 đến 16/2 đạt 21.900 lượt khách, đạt 26,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó lượt khách tại các cơ sở lưu trú đạt 12.880 lượt khách, bằng khoảng 40% so với cùng kỳ.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số cá nhân, tổ chức đã hủy phòng, tour đến Lâm Đồng. Tổng thiệt hại trong lĩnh vực du lịch khoảng 65,6 tỷ đồng. Tổng lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết giảm mạnh; ước đạt khoảng 45.000 lượt, bằng 17% so với cùng kỳ năm 2020.

Từ ngày 10/2 đến ngày 15/2, tổng lượt khách đến tham quan tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đạt 130.535 lượt khách, đạt 42,6% so với cùng kỳ. Riêng TP Phú Quốc đón 44.580 lượt khách đến tham quan du lịch, đạt 42,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: VN EXPRESS