Ren, chất liệu mang nguồn gốc quý tộc

Bạn có biết ren đã được ưa chuộng từ đầu thế kỷ XVI và là chất liệu biểu tượng cho sự giàu có và tinh tế? Hãy cùng Bazaar lật lại lịch sử lâu đời của một trong những chất liệu quan trọng nhất ngành thời trang nhé!

Tranh chân dung Nữ hoàng Elizabeth I (1533 – 1603) với trang phục viền ren tinh xảo. Nguồn: luminarium.org

Ren là một loại chất liệu có hoa văn được tạo thành từ nhiều lỗ trống và được thực hiện thủ công hoặc bằng máy. Người ta tạo ra những lỗ trống này bằng cách bỏ đi những mũi chỉ hoặc đục lỗ trên chất liệu dệt có sẵn, thông thường những lỗ trống chính là một phần của ren. Nghệ thuật làm ren là một nghề thủ công cổ xưa, xuất phát từ cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI.

Ren trước đây được làm từ chất liệu linen, lụa, chỉ vàng hay chỉ bạc. Ngày nay, người ta dùng chủ yếu chỉ cotton để làm ra ren, tuy nhiên vẫn có những loại làm từ chỉ linen và lụa. Ren công nghiệp có thể làm từ sợi tổng hợp.

Nguồn gốc của ren
barbarauttmann

Ảnh minh họa người thợ đang làm ren cuộn

Do ren liên quan đến những kỹ thuật khác, thật khó để nói nó bắt nguồn từ một nơi nào nhất định, mặc dù thành phố đầu tiên có liên quan với ren là Venice. Venice là trung tâm thương mại trọng điểm, là nơi quyển sách đầu tiên mô tả những hoa văn trên ren được in ra (Le Pompe vào những năm 1550). Từ những năm đầu tiên Venice đã được xem là cái nôi phổ biến những kiến thức về ren.

Đến thập niên 1600, những loại ren cao cấp được sản xuất ở các nước lớn của châu Âu bao gồm Bỉ, Tây Ban Nha, Pháp, Anh. Trong đó, Bỉ là quốc gia nổi tiếng nhất về nghề làm ren, được mệnh danh là cái nôi của ren. Ngày nay, hai kỹ thuật ren chính vẫn còn được sử dụng ở các tỉnh thành Flemish của Bỉ.

Thứ nhất là ren kim, loại ren này vẫn được sản xuất ở khu vực Aalst. Nó được gọi là ren Phục hưng hay ren Brussels vì nó chủ yếu được bán tại Brussels. Loại thứ hai là ren cuộn, đặc biệt là ren cuộn Bruges, một thành phố tuyệt vời nằm phía tây nước Bỉ. Đây là những loại ren rất mắc tiền vì thế chúng không còn được sản xuất vì mục đích thương mại nữa.

Ren kim (needle lace) là loại ren được dệt bằng một mũi kim và chỉ đơn, trong khi ren cuộn (bobbin lace) là loại ren được làm từ nhiều sợi chỉ. Ren kim thường cứng và thô hơn ren cuộn. Ren cuộn nhìn chung dễ thực hiện hơn ren kim, những người thợ lành nghề có thể nhanh chóng sao chép các thiết kế của ren cuộn. Chi tiết của loại ren này có thể được tìm thấy trên những bức tranh chân dung giai đoạn thế kỷ XVI và XVII.

needle-lace-making

Ren kim

Bobbin_lace_5054

Ren cuộn. Nguồn: wiki

Nhu cầu về ren ngày càng tăng ở châu Âu. Dần dần các trường dạy làm ren được thành lập ở khắp mọi nơi, mỗi khu vực lại phái triển một kiểu ren khác nhau về thiết kế và kỹ thuật. Phụ nữ ở các xưởng gia công hàng may mặc đã nhanh chóng nắm bắt các kỹ thuật làm ren một cách dễ dàng.

Ren và thời trang

Trong suốt thời kỳ Phục hưng và Khai sáng, ren được sản xuất chủ yếu cho lĩnh vực thời trang. Nói chính xác, nó được làm ra nhằm thay thế cho các sản phẩm thêu vì có thể thích nghi với nhiều kiểu thời trang khác nhau. Lợi thế của ren so với vải thêu là có thể dễ dàng chuyển đổi bằng cách cắt miếng ren này ra, đắp lên một miếng khác là có ngay một kiểu áo mới.

Ngược lại, chính thời trang đã thúc đẩy ngành sản xuất ren phát triển. Nửa đầu thế kỷ XVI là giai đoạn phát triển nhanh nhất của ren. Giới quý tộc thường xuyên đi du lịch và những cuộc hôn phối giữa các gia đình hoàng tộc đã giúp phổ biến rộng rãi xu hướng thời trang mới này. Ren được mua bán xuyên quốc gia. Do chính biến, những người thợ làm ren đã di cư đến những vùng đã có truyền thống làm ren, từ đó càng nâng cao tay nghề của bản thân. Các nhà sản xuất thời trang dám nghĩ dám làm luôn tìm kiếm những kỹ thuật cải tiến mới để đảm bảo vị trí và tầm ảnh hưởng trên thị trường.

fashion-circa-1650

Tranh minh họa trang phục của phụ nữ và đàn ông khoảng năm 1650 với cổ áo và tay áo trang trí ren

Các kiểu ren biến đổi theo nhu cầu của thời trang. Cuối thế kỷ XVI, trang phục với cổ áo xếp nếp đứng đòi hỏi những kiểu ren kim có có hoa văn hình học nổi bật. Đến những năm đầu thập niên 1600, kiểu cổ áo này được thay thế bằng những chiếc cổ áo mềm mại hơn sử dụng ren cuộn linen. Cùng lúc đó, nhu cầu sử dụng các loại ren chỉ vàng và bạc ngày càng cao. Chúng được dùng trang trí trên găng tay, đính trên giày, áo khoác và khăn choàng và những trang phục khác. Vào giữa thế kỷ thứ XVII, ren linen rất được yêu chuộng và những người thợ làm ren kim và ren cuộn đã có tay nghề cao nên có thể sản xuất ra những tác phẩm cực kỳ tinh tế. Loại ren kim được nâng cấp lên thành ren Gros Point và ren cuộn của người Milan được xem là những thành tựu tuyệt vời nhất trong khoảng thời gian này.

Biểu tượng của sự giàu có và tinh tế

Vào thế kỷ XVII và XVIII, việc sản xuất ren đạt tới đỉnh cao. Người ta dùng ren để trang trí quần áo, may đồ lót, làm phụ kiện và thậm chí ren còn được dùng cho trang phục của tôn giáo và quân đội. Ren ngày càng trở nên tinh tế và vì thế, giá của chất liệu này ngày càng tăng. Dần dần, ren trở thành một phụ kiện xa xỉ. Các loại ren kim của Pháp như ren Argentan và Alençon hay các loại ren cuộn của Bỉ như Binche, Valenciennes, Mechlin đã bắt đầu chiếm lĩnh thị trường. Chúng thường được dùng trên cà-vạt của nam giới và mũ trùm đầu của nữ giới để thể hiện sự giàu có và khiếu thẩm mỹ của người mặc.

Có thể thấy ren được dùng để trang trí rất nhiều trên trang phục của hoàng hậu Marie Antoinette, tranh chân dung năm 1767. Nguồn: wiki

Có thể thấy ren được dùng để trang trí rất nhiều trên trang phục của hoàng hậu Marie Antoinette, tranh chân dung vẽ khoảng năm 1767 – 1768. Nguồn: wiki

Theo thời gian, đặc biệt là vào thế kỷ XVIII, tầng lớp trung lưu cũng dần dần khá giả lên và họ bắt đầu sử dụng ren. Chất liệu này được ưa chuộng đến nỗi thậm chí những gia đình không có điều kiện mua ren cũng cố gắng dùng ren thô hoặc móc các kiểu móc nhái ren. Ngay cả những đồ dùng trong nhà như khăn trải bàn, thảm và những loại vải trang trí khác cũng thường được điểm xuyết thêm những viền ren đủ kiểu.

Các tỉnh thành của Bỉ xuất khẩu ren đi khắp châu Âu. Giá ren trở nên đắt đỏ hơn vì phải tính thêm tiền vận chuyển và phí hải quan. Nhiều nước như Pháp và Anh còn đánh thuế và tính phí hải quan rất nặng trên mặt hàng ren để thúc đẩy phát triển sản xuất ren trong nước và hạn chế nhập khẩu ren từ  Bỉ. Thậm chí các nước này còn ban hành các quy định hạn chế sử dụng ren trên quần áo chỉ đơn thuần nhằm hạn chế nhập khẩu ren. Tuy nhiên những rào cản này không làm vơi đi niềm đam mê và nhu cầu ren Bỉ. Các thương gia cũng trở nên khôn khéo hơn để lách các quy định này. Ngày nay, các nước vẫn tiếp tục nhập khẩu ren từ Bỉ. Các loại ren như ren “Phục hưng” và ren “Công chúa” vẫn tiếp tục được làm thủ công theo phương thức truyền thống.

Nguồn : bazaarvietnam