Ranh giới mong manh giữa việc yêu bản thân và đề cao cái tôi quá mức: Bạn có đang tự xem mình là “cái rốn vũ trụ”?

Không phải ai cũng biết, cũng hiểu như thế nào là tự yêu bản thân đúng cách. Đó là lý do khiến những người ái kỷ xuất hiện ngày càng nhiều.

Dạo một vòng quanh những group chữa lành hay các topic của người trẻ, đặc biệt là Gen Z, dễ thấy từ khóa “tự yêu bản thân” đang được nhắc tới ngày càng nhiều.

Bạn điên cuồng lao vào công việc, quên ăn quên uống: Phải yêu lấy bản thân, chăm sóc cho mình mới có sức làm việc chứ. Bạn u mê trong mối tình với chàng trai hư thích chơi trò đuổi bắt tình yêu: Không thương lấy cái thân mình trước thì chẳng yêu được ai đâu,… Đó chính xác là những gì mọi người thường nói về việc yêu lấy bản thân mình trước nhất khiến từ khóa này dần trở thành câu thần chú, được nhiều người tin tưởng có sức mạnh để giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn trong cuộc đời.

Ủa, thì đúng vậy mà, tự yêu bản thân có gì là sai đâu?

Ranh giới mong manh giữa việc yêu bản thân và đề cao cái tôi quá mức: Bạn có đang tự xem mình là “cái rốn vũ trụ”?

Tự yêu bản thân là khi bạn nhận thức được những điều tiềm ẩn ở bên trong bạn. Nó còn có nghĩa là bạn thỏa hiệp, chấp nhận với chính mình, đồng tình cho bản thân phát triển theo đúng bản chất của mình. Tự yêu bản thân không có nghĩa là bạn chỉ yêu lấy mình và bỏ mặc những người khác.

Ngược lại, “narcissism” hay còn gọi là ái kỷ là từ ngữ dùng để chỉ những người yêu thương bản thân quá đà, đến một mức độ vô cùng tiêu cực.

Từ khi còn là một đứa trẻ, chúng ta đã luôn nhận được những lời quan tâm, hỏi han lẫn ngợi khen từ người lớn. Ăn hết bát cơm được khen ngoan, làm hết bài tập được khen giỏi, điệu đà múa hát được khen xinh dù thật sự chúng ta không đến mức siêu phàm đến vậy.

Khi lớn lên, thế giới của chúng ta dần mở rộng ra với sự xuất hiện của nhiều và nhiều người, vị trí tâm điểm cũng dần mất đi. Có những người không thể chấp nhận được sự thật đó, thế nên họ ở mãi trong trạng thái một đứa trẻ, đòi hỏi sự quan tâm, chú ý và yêu chiều. Những người ái kỷ vì thế mà dần được hình thành nên.

Thế giới của những người ái kỷ vô cùng đơn giản: họ là nhất, họ là tất cả, không ai hoàn hảo hơn. Hay tóm lược để dễ hiểu hơn, đây chính là từ dành cho những ai luôn xem mình chính là “cái rốn của vũ trụ” nhưng không hề biết đồng cảm, hay có ý định thấu hiểu những người xung quanh.

Ranh giới mong manh giữa việc yêu bản thân và đề cao cái tôi quá mức: Bạn có đang tự xem mình là “cái rốn vũ trụ”?

Những điều ấy có thể nhận biết rõ ràng qua những dấu hiệu sau:

– Kiêu ngạo: Nếu những người yêu bản thân đều có thể nhận thức được rõ ràng về những nỗ lực và đánh giá chính xác cho những thành quả của mình, người ái kỷ lại tự kiêu, cho rằng những điều mình đạt được là đương nhiên. Không cần có bất cứ ai hỗ trợ, họ cũng dễ dàng làm được những điều này vì họ tài giỏi, vượt trội hơn hẳn.

– Không bao giờ thừa nhận bản thân mình có khiếm khuyết: Không ai trên đời hoàn hảo 100%, chúng ta có ưu điểm thì sẽ có khuyết điểm. Thế nhưng, người ái kỷ lại không bao giờ chịu nhìn nhận những sai lầm của bản thân. Họ cho rằng nếu có tình huống xấu xảy ra, chắc hẳn là do người khác làm sai hoặc đơn giản là nổi đóa với tất cả những lời phê bình của người khác.

– Nói dối, phóng đại về chính mình: Thay vì chấp nhận con người mình, người ái kỷ lại chọn cách nói dối, thêu dệt những điều không đúng để nâng bản thân lên một đỉnh cao mới so với những người khác để che đi những tự ti sâu bên trong họ.

– Ích kỷ và đố kỵ: Người ái kỷ không hề có ý định quan tâm bất cứ ai trong đời, mọi quyền lợi của họ luôn phải được đảm bảo trước tiên. Ngoài ra, nếu ai đó đạt được những thành tích ổn áp hơn, ngay lập tức họ sẽ sinh ra lòng đố kỵ, ghen ghét.

Ranh giới mong manh giữa việc yêu bản thân và đề cao cái tôi quá mức: Bạn có đang tự xem mình là “cái rốn vũ trụ”?

Ái kỷ là một hành vi cực kỳ độc hại. Bên dưới vỏ bọc “yêu bản thân”, chúng ta cho phép mình được bóp méo những sự thật, chối bỏ chính bản thân. Bởi, họ đơn thuần chỉ là những người dễ tự ái, tự ti về mình và dễ mắc sai lầm nhưng không dám chấp nhận hay nỗ lực thay đổi nên phải huyễn hoặc ra một con người “giả trân” như vậy.

Những người yêu thương bản thân quá đà này sẽ làm mọi cách để thấy mình vượt trội, bảo vệ cái tôi hoàn hảo kể cả có phải dẫm đạp lên cảm xúc của những người xung quanh. Sự độc đoán, kiêu ngạo và ích kỷ ấy khiến mọi người dần dần xa lánh, cắt đứt sợi dây kết nối với họ. Sau cùng, người ái kỷ chỉ còn lại có một mình, chẳng ai bầu bạn hay quan tâm, hỏi han.

Ranh giới mong manh giữa việc yêu bản thân và đề cao cái tôi quá mức: Bạn có đang tự xem mình là “cái rốn vũ trụ”?

Cuộc sống là một chuyến hành trình dài để khám phá và hoàn thiện bản thân thông qua việc đi tìm về những giá trị bên trong để hiểu hơn mình là ai. Những điều đó có thể dễ dàng thực hiện khi chúng ta được chữa lành, thay đổi tích cực bằng việc quan tâm, và thương mến, trân trọng chính mình.

Tự yêu bản thân không có gì là xấu, chỉ khi chúng ta yêu thương bản thân mình đúng cách, chúng ta mới hiểu, mới biết được làm sao để trao đi tình yêu. Miễn là tình yêu đó không đi kèm sự ích kỷ, hay che mờ đi lòng trắc ẩn, sự đồng cảm với những người xung quanh.

Bạn có thể lựa chọn cách mình yêu và chấp nhận bản thân. Bạn có thể chọn lựa sống đúng với những cảm xúc, những khiếm khuyết và thất bại, hoặc có thể sống mãi trong những lời khen ngợi, trong những mộng tưởng do mình tạo ra. Tất nhiên, tình yêu và các mối quan hệ luôn cần được xây dựng trên sự chân thành mới có thể lâu dài, bền chặt. Ngược lại, sự giả dối chính là cái móng mỏng manh, khiến mối quan hệ ấy dễ dàng đổ vỡ, rạn nứt.

Vậy sau cùng, bạn chọn yêu bản thân theo cách nào đây?

Nguồn: guu