Người ‘kể chuyện’ trên móng tay

Những ngày giãn cách xã hội, Lê Đại Phát tập trung vẽ tranh trên móng nhân tạo và bức tranh “Chiến thắng Covid-19” bằng 56 chiếc khẩu trang đã qua sử dụng.

Chàng trai 28 tuổi sống tại huyện Củ Chi, đã có 4 năm theo đuổi nghệ thuật vẽ tranh trên móng nhân tạo. Hai tháng trước, dịch Covid-19 bùng phát tại TP HCM, trung tâm dạy nghề làm móng (nail) của anh ở quận Tân Phú phải đóng cửa. Ở nhà trong thời dịch bệnh, Phát có thời gian tập trung cho những tác phẩm tâm huyết và anh tự nhận mình là “người kể chuyện”.

Tác phẩm lấy ý tưởng từ câu chuyên  Cô bé bán diêm  của nhà văn Andersen. Hình ảnh trong gương thể hiện cuộc sống hiện tại và hình ảnh bên ngoài thể hiện những giấc mơ mà cô bé thấy sau khi quẹt những que diêm.

Tác phẩm được Đại Phát lấy ý tưởng từ câu chuyên “Cô bé bán diêm” của nhà văn Andersen. Hình ảnh trong gương thể hiện cuộc sống hiện tại và hình ảnh bên ngoài thể hiện những giấc mơ mà cô bé thấy sau khi quẹt những que diêm.

Vẽ móng không đơn thuần tạo ra bức tranh đẹp. Với tôi, mỗi bức tranh trên móng là một tác phẩm nghệ thuật gửi gắm tình cảm con người và níu chân được người xem“, Phát nói.

Từ những chiếc móng có kích thước 1,5 x 5cm, Phát tạo nên những bức tranh lấy ý tưởng từ cuộc sống hay những câu chuyện nổi tiếng thế giới. Mỗi câu chuyện được lồng ghép từ 5-10 chiếc móng, mang thông điệp “nghệ thuật luôn tồn tại ở khắp mọi nơi, dù trên những bề mặt bé nhỏ”.

Ví như, tác phẩm lấy chủ đề về đất nước Thái Lan trên 5 chiếc móng tay giả, chàng thanh niên 28 tuổi lồng ghép hình ảnh về tôn giáo, con người từ trẻ đến già hay văn hóa đặc trưng là xe Tuktuk. Để thể hiện tác phẩm “Cô bé bán diêm” vẽ trên 10 chiếc móng, Phát làm nổi bật được sự cô đơn, về những ước mơ và hy vọng của một cô gái bé nhỏ khi đối mặt với cái chết trong đêm giao thừa lạnh lẽo. Ngoài ra, còn vô số ý tưởng khác được chàng trai này mang vào tác phẩm tranh trên móng tay như: Cướp biển vùng Caribe, Sáu anh em siêu nhân, Muôn loài…

Hình ảnh cô bé mùa đông được Đại Phát vẽ trên 3 móng tay nhân tạo.

Hình ảnh cô bé mùa đông được Đại Phát vẽ trên 3 móng tay nhân tạo.

Để hoàn thành những tác phẩm mang tính nghệ thuật này, Phát phải thực hiện ba bước chính: Vệ sinh và xử lý nền móng; phác thảo mẫu cần vẽ rồi lên mầu; bước cuối là sơn phủ bóng cho sản phẩm. Lý thuyết đơn giản là vậy nhưng theo chàng trai, vì tiết diện của móng rất nhỏ nên đòi hỏi kỹ thuật cao và thời gian luyện tập nhiều. Vẽ trên giấy có thể đo đạc được kích thước nhưng trên móng phải vẽ theo cảm nhận, canh đo tỷ lệ bằng mắt.

Nguyên liệu để tạo ra tác phẩm trên móng là bột đắp móng, cọ và màu vẽ chuyên dụng như màu acrylic hay sơn móng tay. Thông thường Phát mất 1-2 tuần để hoàn thành một tác phẩm, lâu nhất là hai tháng cho tác phẩm kỳ công hơn. Những tác phẩm sau khi hoàn thành phục vụ mục đích giảng dạy cũng như gửi dự thi các cuộc thi về nail trong và ngoài nước.

Hiện tại Phát đang thực hiện tác phẩm mang tên “Muôn loài” lấy ý tưởng từ những loài động vật như: rắn, chim… được lồng ghép với hình ảnh những cô gái pha chút ma mị thể hiện sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên. Với chàng trai này, bất kỳ hiện tượng hay câu chuyện nào cũng có thể biến thành ý tưởng hội họa. “Quan trọng là tôi cảm nhận được sự đồng điệu và rung cảm trong tâm hồn“, anh nói.

Sáng tạo là vậy, nhưng những kiến thức về cách vẽ, phác thảo hoàn toàn do Phát tự học và tìm hiểu trên mạng. Chàng thanh niên này từng có ước mơ thi vào trường Đại học Mỹ thuật TP HCM nhưng trượt hai năm liên tiếp. Vì gia cảnh khó khăn nên Phát đi làm công nhân và dùng số tiền kiếm được nuôi đam mê vẽ của mình. Sau một năm tự học, anh mở lớp dạy vẽ cho các bạn trẻ cùng đam mê. Tại đây có học trò khuyên thầy nên học nghề vẽ nail để tăng thêm thu nhập.

Vì là nam giới lại tiếp xúc trong môi trường quá nhiều chị em, thời gian đầu Phát gặp nhiều định kiến. Bạn bè ngăn cản bảo đừng viển vông trong khi người ngoài nhìn vào nghĩ Phát là giới tính thứ ba…

Dù áp lực nhưng chàng trai này bỏ ngoài tai, dốc hết tâm sức cho đam mê mới. “Sau tất cả, nghề nail đang dần trở thành sân chơi nghệ thuật lớn với những bạn yêu nghệ thuật trang trí móng tay“, Phát khẳng định.

Lê Đại Phát bên bức tranh vẽ tinh thần chiến đấu dịch bệnh Covid-19 trên 56 chiếc khẩu trang đã qua sử dụng.

Lê Đại Phát bên bức tranh vẽ tinh thần chiến đấu dịch bệnh Covid-19 trên 56 chiếc khẩu trang đã qua sử dụng.

Những ngày chống dịch ở nhà, chàng trai 28 tuổi vẫn duy trì dạy lớp online cho những học viên yêu thích nghề nail trong và ngoài nước. Anh cũng ấp ủ thực hiện tác phẩm mang chủ đề Covid-19 để gửi tặng các y bác sĩ đang ngày đêm chống dịch tại thành phố. Trước đó, Phát đã vẽ bức tranh thể hiện quyết tâm của người Việt Nam chiến thắng Covdid-19 bằng 56 chiếc khẩu trang đã qua sử dụng.

Mong tất cả chúng ta luôn vững tin, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này“, Phát gửi gắm thông điệp trong tác phẩm.

Nguồn: VNEXPRESS