Hơn 91.000 F0 TP HCM đang điều trị tại nhà

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM ngày 1/9 ghi nhận hơn 91.000 F0 theo dõi tại nhà, gần 21.000 ca ở các cơ sở cách ly tập trung quận huyện, hơn 40.000 người điều trị tại các bệnh viện.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), trong số F0 đang theo dõi điều trị, hơn 64.700 người cách ly tại nhà ngay từ đầu khi xét nghiệm dương tính; hơn 26.700 trường hợp sau xuất viện về tiếp tục theo dõi tại nhà. Vào cuối tuần trước, số F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu ở TP HCM hơn 22.000 người. Như vậy, trong tuần này, số F0 tại nhà cách ly từ đầu đã tăng gấp 3.

Nguyên nhân F0 tăng nhanh liên tục từng ngày, từ ngày 23/8, là do hơn một tuần qua thành phố “thần tốc xét nghiệm toàn thành phố” để “vét” F0.

Sở Y tế TP HCM đã chuẩn bị 150.000 túi thuốc và đang đề xuất mua thêm 200.000 túi. Kế hoạch mua và chuẩn bị túi thuốc được giao cho Bệnh viện Nhi đồng 1 chịu trách nhiệm. Ngày 1/9, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã bàn giao 200.000 túi thuốc cho 22 quận huyện và thành phố Thủ Đức, vượt so với kế hoạch ban đầu 150.000 túi.

Hiện, thành phố tiếp tục tập trung hai mũi nhọn chiến lược, gồm tăng cường điều trị F0 tại nhà và cộng đồng, đồng thời nâng công suất điều trị tại bệnh viện.

Trong chiến lược điều trị F0 tại nhà, thành phố tiếp tục phát huy vai trò 411 trạm y tế lưu động, 312 đội phản ứng nhanh, tăng tốc phát túi thuốc an sinh, ban hành hướng dẫn chăm sóc F0 tại nhà…

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng đoàn công tác Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP HCM phòng chống Covid-19, những ngày qua đã thị sát nhiều cơ sở y tế phường xã, trạm y tế lưu động.

Tại Củ Chi (nơi có hơn 22.000 ca nhiễm) ngày 31/8, Thứ trưởng Sơn yêu cầu y tế địa phương chú ý bảo đảm tốt đời sống người mắc Covid-19, tăng cường dinh dưỡng, động viên tinh thần để F0 an tâm vượt qua dịch bệnh, hạn chế chuyển biến xấu. “Các lực lượng y tế từ cơ sở, các trạm y tế lưu động phải luôn kết nối chặt chẽ với F0, bất cứ dấu hiệu chuyển biến nào của ca bệnh là nắm bắt được ngay”, ông Sơn đề nghị.

Thứ trưởng Y tế cũng chỉ đạo các Trung tâm y tế quận huyện khi nhận được các túi thuốc cho F0 phân bổ xuống phải phát ngay cho các trạm y tế lưu động để đưa đến các F0 nhanh nhất. Ông nói: “Cần ưu tiên phát túi thuốc ngay cho F0 mà không cần phải chờ tới sau khi cập nhật ca của họ lên phần mềm”.

Nhân viên y tế phường 3, quận 8 đến thăm khám, tặng thuốc cho người mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà, ngày 29/8. Ảnh: Quỳnh Trần.

Tại các bệnh viện, số F0 nặng và nguy kịch vẫn đang tăng mỗi ngày. Hiện, 2.752 bệnh nhân nặng thở máy, 18 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Những trung tâm hồi sức tích cực (ICU) tuyến cuối thuộc tầng 3 đang tiếp tục nâng công suất điều trị. Các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19 thuộc tầng 2 thời gian qua cũng gấp rút tăng số lượng giường oxy, máy móc điều trị bệnh nhân nặng.

Tại Bình Chánh – huyện ngoại thành TP HCM, Bệnh viện dã chiến Bình Chánh số 1, hoạt động ngày 16/8 quy mô 1.000 gường với 20 giường ICU tiếp nhận bệnh nặng. Hiện nơi này đã nâng công suất điều trị gần 70 ca nặng, nhiều trường hợp thở máy cần chế độ chăm sóc cao.

Ngày 31/8, bệnh viện này cho xuất viện 35 trường hợp, trong đó 8 người đặc biệt nặng. Ca bệnh thoát cửa tử ngoạn mục là cụ Đỗ Thị Thanh (72 tuổi, trú xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) mắc Covid-19 nặng, suy hô hấp trên nền bệnh lý suy tim, tiểu đường type 2. Bệnh nhân được điều trị thở máy 12 ngày, chăm sóc nghiêm ngặt từ thuốc men tới chế độ dinh dưỡng, y bác sĩ theo dõi 24/24.

“Tôi rất hạnh phúc khi khỏi bệnh và xuất viện về nhà đoàn tụ với gia đình. Các y bác sĩ đã tận tình cứu chữa, đưa tôi từ cõi chết trở về”, bà Thanh chia sẻ, khi chuẩn bị rời viện.

Bác sĩ Nguyễn Viết Thịnh, Phó Giám đốc Thường trực Bệnh viện dã chiến Bình Chánh số 1 cho biết tỷ lệ tử vong rất cao gần như 90% đối với các ca suy hô hấp nặng nên những ca nặng được xuất viện là động lực rất lớn cho các y bác sĩ, sau những nỗ lực chăm sóc và điều trị không quản ngày đêm với nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Một cơ sở ngoại thành khác, Bệnh viện Dã chiến điều trị bênh nhân Covid-19 Củ Chi số 1, sau một tuần thành lập cũng tiếp nhận khoảng 40 F0. Bệnh viện đang tăng cường đã bố trí phòng ốc thoáng mát, có bồn oxy lớn cùng các thiết bị cần thiết trong chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân.

Trong số F0 đang điều trị tại các bệnh viện hôm nay, thành phố ghi nhận có 2.463 trẻ em dưới 16 tuổi. Theo hướng dẫn mới của Sở Y tế TP HCM, trẻ dưới 16 tuổi mắc Covid-19 nếu không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, đủ điều kiện cách ly tại nhà thì cách ly tại nhà. Trẻ không đủ điều kiện cách ly tại nhà sẽ được chuyển đến 3 bệnh viện dã chiến do 3 bệnh viện nhi đồng phụ trách, diễn tiến nặng sẽ chuyển đến hai viện Nhi đồng Thành phố và Nhi đồng 2.

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, một trong hai nơi tiếp nhận trẻ mắc Covid-19 nặng, luôn điều trị trên 200 ca bệnh mỗi ngày. Không ít trong số này là bệnh nhi béo phì, cân nặng quá khổ có diễn biến rất nhanh, nặng, khi vào viện đã tổn thương phổi hai bên nặng nề cần thở máy không xâm nhập.

Tính từ đầu đợt dịch thứ 4 đến sáng nay, TP HCM ghi nhận hơn 221.000 ca nhiễm cộng đồng. Trong ngày 31/8 có 2.752 người xuất viện, nâng tổng số xuất viện từ đầu năm đến nay lên 110.269. Hôm qua thành phố ghi nhận 335 trường hợp tử vong, nâng số tử vong lên 9.2024.

Nguồn: VNEXPRESS