Show diễn Bé chịu chơi gây ấn tượng với nội dung “nóng” và cách truyền đạt cuốn hút

Được xem là show diễn dành cho thiếu nhi hoành tráng trong năm 2017, vở nhạc kịch  “Bé Chịu Chơi ” đã gây được tiếng vang lớn sau đêm công diễn nhờ vào sự đầu tư công phu về mặt hình thức lẫn nội dung. Lấy đề tài đang được xã hội quan tâm là thực trạng các bé thiếu nhi phải gánh chịu áp lực học tập nặng nề, Bé Chịu Chơi đã nhắc nhở các bậc cha mẹ hãy cho con tuổi thơ trọn vẹn.

Đứng sau dự án nhạc kịch “Bé chịu chơi” là đội ngũ sản xuất giàu kinh nghiệm và tâm huyết với trẻ thơ: Tổng đạo diễn chương trình Tấn Lộc, cố vấn nghệ thuật – NS. Thanh Thủy, Giám đốc âm nhạc Võ Thiện Thanh, Đạo diễn sân khấu Nguyễn Khắc Duy, diễn viên chính Cát Tường, nhóm nhạc kịch Buffalo và hơn 15 diễn viên nhí vô cùng tài năng và đáng yêu.

Chia sẻ về vở nhạc kịch Bé Chịu Chơi, Tổng đạo diễn Tấn Lộc cho biết: “Có thể nói “Bé chịu chơi” là một trong những vở nhạc kịch thuần Việt hiếm hoi dành cho thiếu nhi hiện nay. Thách thức cũng là mong mỏi của chúng tôi là sẽ tạo nên một sắc màu mới lạ cho vở diễn khi kết hợp các loại hình nghệ thuật hàn lâm – vốn còn khá xa lạ với một bộ phận trẻ em Việt. Sau vòng tuyển chọn các tài năng nhí diễn ra, được tận mắt chứng kiến thần thái, tinh thần tập luyện nghiêm túc và say mê của các em, tôi, đội ngũ sản xuất và nhà tài trợ như được tiếp sức mạnh mẽ và càng tin tưởng hơn vào tâm huyết và sự đầu tư của ekip sẽ được công chúng đón nhận. Vở nhạc kịch không chỉ là thông điệp thời sự gửi đến các bậc làm cha mẹ mà tôi tin rằng nó còn là một sản phẩm nghệ thuật đầy ý nghĩa giúp nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ Việt”.

Trong dự án này, bên cạnh việc sáng tạo vở nhạc kịch “Bé chịu chơi” để nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc vui chơi đối với trẻ em, tiNiWorld còn mong muốn tạo ra sân chơi cho những trẻ em kém may mắn hiện nay đang thiếu thốn nhiều điều kiện để vui chơi và phát triển. Cụ thể, toàn bộ lợi nhuận bán vé sẽ được quy đổi thành các suất chơi miễn phí để thực hiện chương trình tiNi Share Play Day – hoạt động xã hội ý nghĩa được tiNiWorld triển khai thường kỳ nhằm mang đến niềm vui cho các em kém may mắn. Theo đó, mỗi tháng, 26 trung tâm tiNiWorld tại 08 tỉnh thành trên cả nước sẽ đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh 1 ngày từ 9h sáng đến 16h chiều để đón các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn đến vui chơi miễn phí.

Lịch diễn vở nhạc kịch “Bé chịu chơi”:

– Tại TP.Hồ Chí Minh – Nhà hát Bến Thành: vào các ngày 14/10, 15/10
– Tại TP.Hà Nội – Nhà hát Âu Cơ: vào các ngày 21/10, 22/10, 28/10, 29/10
– Đặt vé tại: www.ticketbox.vn hoặc các trung tâm tiNiWorld
– Hotline: 1900 1210.

Tổng đạo diễn Tấn Lộc

Thông tin về nhạc kịch “Bé Chịu Chơi”:

Bé Chịu Chơi là dự án nhạc kịch thiếu nhi “100% made in Vietnam” từ ý tưởng, kịch bản, âm nhạc đến dàn dựng sân khấu. Đây không chỉ là vở nhạc kịch thông thường mà còn là sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc trên sân khấu như xiếc, kịch tương tác; được đầu tư dàn dựng với quy mô hoành tráng từ sân khấu, vũ đạo đến âm nhạc cùng với ekip hùng hậu. Sân khấu được thiết kế đầy lung linh, huyền ảo với nhiều yếu tố màu sắc được trẻ em yêu thích.

Vở nhạc kịch mượn bối cảnh viễn tưởng để kể về câu chuyện mang tính thời sự. Đó là một thành phố u buồn màu xám, nơi những trẻ em như bé Tí Nị (nhân vật chính) bị cấm vui chơi và phải dành phần lớn thời gian cho việc học để trở thành những hình mẫu lý tưởng của xã hội mà bố mẹ mong đợi như trở thành nhà khoa học, tiến sĩ…Vở nhạc kịch đưa người xem đến một chuyến hành trình kỳ thú và đầy kịch tính, nơi mà những trẻ em ở thành phố xám lạc vào thế giới trò chơi ngầm, được khám phá những trò chơi thú vị và trở về với đúng tuổi thơ vui tươi, tràn ngập tiếng cười của mình. Từ đây, hành trình chuyển đổi trong nhận thức của mẹ Tí Nị bắt đầu khi chính cô có cơ hội trải nghiệm thế giới trò chơi ngầm. Từ một bà mẹ “hổ” cho rằng việc thúc giục con học chính là sự thể hiện tình yêu thương với con, mong con có một tương lai tươi sáng, mẹ Tí Nị đã nhận ra tầm quan trọng của vui chơi đối với sự phát triển của trẻ và góp phần duy trì sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái.

Theo : PCPĐ