25 nhà văn nữ làm thay đổi lịch sử

Trên thế giới, rất nhiều nhà văn nữ đã thành công và nổi tiếng với những cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn, những tập thơ và những bài luận xuất sắc. Nhưng do các định kiến xã hội, hầu hết họ không được độc giả dễ dàng đón nhận.

Trong nhiều thế kỷ qua, bằng việc sử dụng các bút danh nam, các tên viết tắt hay thậm chí là ẩn danh, những tác phẩm của các nữ văn sĩ được người đọc đánh giá rất cao. Nhờ các tác phẩm của các nhà văn nữ có tư tưởng tiến bộ, phụ nữ cuối cùng cũng giành được các quyền lợi cơ bản như nam giới, và độc giả cũng nhận ra tài năng của họ trước khi giới tính thực sự được công bố. Dưới đây là danh sách 25 nhà văn nữ đã làm thay đổi lịch sử.

1. Charlotte Brontë

Charlotte Brontë là nhà thơ, tiểu thuyết gia người Anh, người chị cả trong ba chị em nổi tiếng nhà Brontë. Bà là tác giả của những cuốn tiểu thuyết được xếp vào hàng kinh điển của Văn học Anh, trong đó có Jane Eyre, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất mọi thời đại, được viết dưới bút danh Currer Bell. Mặc dù các tác phẩm của bà được xuất bản với số lượng ít ỏi, nhưng có tác động đáng kể tới giới văn chương và xã hội thời bấy giờ.

Charlotte Brontë là một phụ nữ có tư tưởng tiến bộ, các tác phẩm của bà đã châm ngòi và mở đường cho phong trào đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ trong văn học và xã hội. Tiêu biểu là tác phẩm Jane Eyre – câu chuyện về cuộc đời của Jane Eyre, một người con gái nghèo tỉnh lẻ vật lộn với số mệnh phũ phàng để bảo vệ phẩm giá và tự khẳng định địa vị của mình bằng chính cuộc sống lao động lương thiện.

2. Virginia Woolf

Virginia Woolf, tiểu thuyết gia thiên tài người Anh và là một trong những người sáng lập nên trào lưu Chủ nghĩa Hiện đại ở thế kỷ 20. Quan điểm hiện đại về thuyết nam nữ bình quyền xuất hiện trong các tiểu thuyết và các bài luận. Các sáng tác của bà đã có tác động tới độc giả, những nhà văn, nhà sử học, các học giả và những nhà nghiên cứu các tác phẩm theo chủ nghĩa hiện đại của bà. Virginia Woolf là một nhân vật có tầm ảnh hưởng của xã hội văn học London và là một thành viên của Bloomsbury Group, một nhóm các bạn bè thân hữu, thường xuyên có những buổi họp mặt thảo luận về đủ mọi đề tài. Những tác phẩm nổi tiếng nhất của bà bao gồm: Night and Day (Ngày và đêm), Jacob’s Room ( Căn phòng của Jacob) , To the Lighthouse (Đến ngọn Hải đăng), The Waves (Những đợt sóng) và nhiều tác phẩm khác. Nhắc tới Virginia Woolf, độc giả thường nhớ tới câu châm ngôn rất nổi tiếng :”a woman must have money and a room of her own if she is to write fiction” (một người phụ nữ phải có tiền và một căn phòng riêng nếu cô ta phải viết tiểu thuyết) trong tác phẩm luận văn A Room of One’s Own (Một căn phòng riêng)

3. Harriet Beecher Stowe

Harriet Beecher Stowe là nhà văn người Mỹ gốc Âu, một người tích cực ủng hộ chủ nghĩa bãi nô. Với tác phẩm Uncle Tom’s Cabin (Túp lều của Bác Tom), bà công kích mạnh mẽ sự tàn bạo của chế độ nô lệ. Uncle Tom’s Cabin (Túp lều của Bác Tom) không chỉ là cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất thế kỷ 19, mà nó còn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của cuộc Nội Chiến, làm sáng tỏ các yếu tố chính trị trong thập niên 1850 về vấn đề nô lệ đối với hàng triệu người, cũng như củng cố phong trào bãi nô ở miền Bắc, nhưng lại khiến miền Nam phẫn nộ.

Harriet Beecher Stowe là một nhà tư tưởng tiến bộ và quyết liệt chống chủ nghĩa nô lệ. Bà viết về những vấn đề hiện thực như sự bất bình đẳng đối với những người nô lệ. Qua tác phẩm Uncle Tom’s Cabin (Túp lều của Bác Tom), nhà văn đã đóng góp một phần vào công cuộc giải phóng nô lệ ở nước Mỹ, tố cáo mạnh mẽ chế độ vô nhân đạo, khích lệ những người Mỹ có lương tâm đấu tranh để tiêu diệt nó. Cuốn tiểu thuyết có sức ảnh hưởng đến mức, khi Tổng thống Abraham Lincoln gặp nhà văn Stowe vào năm 1862 đã chào mừng bà bằng câu nói nổi tiếng: “Hóa ra bà chính là người phụ nữ nhỏ bé đã viết cuốn sách làm bùng lên cuộc chiến tranh vĩ đại”.

4. Jane Austen

Nữ văn sĩ người Anh Jane Austen là tác giả của những tác phẩm nổi tiếng như: Sense and Sensibility (Lý trí và tình cảm), Pride and Prejudice (Kiêu hãnh và định kiến), Mansfield Park (Công viên Mansfield) , EmmaNorthanger Abbey và Persuasion (Thuyết phục). Những bình phẩm về các vấn đề xã hội cùng văn phong tuyệt kỹ trong nghệ thuật dẫn chuyện và xây dựng những tình huống oái ăm đã đưa tên tuổi Jane Austen trở thành nhà văn có ảnh hưởng lớn tới nền văn học Anh. Các tác phẩm: Sense and Sensibility (Lý trí và tình cảm), Pride and Prejudice (Kiêu hãnh và định kiến), Mansfield Park (Công viên Mansfield), Emma được xuất bản khi bà còn sống đều đề tên tác giả vô danh. Năm 2005, trong một cuộc bình chọn của đài BBC, Jane Austen được chọn là nhà văn nữ người Anh được ưa thích nhất mọi thời đại, cuốn tiểu thuyết Pride and Prejudice (Kiêu hãnh và định kiến) cũng được bình chọn là tác phẩm của người Anh được ưa thích thứ nhì mọi thời đại.

5. Maya Angelou

Maya Angelou là nhà thơ, người viết hồi ký, diễn viên người Mỹ gốc Phi và là nhân vật quan trong trong phong trào đầu tranh chống phân biệt chủng tộc và công bằng xã hội. Nhà văn Maya Angelou đã chia sẻ với độc giả những câu chuyện về cuộc đời mình bằng sự thẳng thắn và phong cách viết văn độc đáo không theo cấu trúc truyền thống thông thường.

Năm 1970, cuốn tự truyện đầu tiên I Know Why the Caged Bird Sings(Chim hót trong lồng) được xuất bản và trở thành cuốn sách bán chạy nhất. Cuốn tự truyện thứ hai Gather Together in My Name (Thu lượm) kể về quãng thời gian đau đớn trong qua khứ của tác giả và gửi tới người đọc thông điệp: “Tôi muốn nói với giới trẻ rằng các bạn có thể gặp nhiều thất bại nhưng các bạn không thể bị đánh bại”. Năm 1976, tạp chí Ladies’ Home Journal chọn Maya Angelou làm “Người Phụ Nữ của Năm 76” (Woman of the Year) về Truyền Thông.

Ngoài ra, bà còn được nhận các giải thưởng như: Giải Thưởng Matrix của Hội Women in Communications, Inc., Giải Thưởng Văn Chương Bắc Carolina, Giải Thưởng Candace 1990 của Cơ Quan The National Coalition of Black Women. Bà cũng là người phụ nữ da đen đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ có vinh dự sáng tác một bài thơ để đọc vào Buổi Lễ Nhậm Chức Tổng Thống.

6. Emily Dickinson

Emily Dickinson là nhà thơ người Mỹ thế kỷ 19 với phong cách đặc sắc, không giống bất kì ai. Bà là người đầu tiên trong lịch sử thơ Mỹ sử dụng lối thơ hai câu liền vần, thu hút được sự chú ý của độc giả cũng như các nhà phê bình. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, các nhà phê bình lên án phong cách cá nhân và thể loại thơ mà bà sử dụng, nhưng sau đó lại ca ngợi tài năng và sự độc đáo đó. Emily Dickinson để lại cho đời gần 2000 bài thơ. Những bài thơ nho nhỏ nhưng được đánh giá là đầy ắp những ý tưởng mới lạ và độc đáo. Thơ của Emily Dickison được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, trong đó có tiếng Việt.

7. Louisa May Alcott

Nữ tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mỹ, được biết đến qua tác phẩm Little Woman (Những cô gái nhỏ). Tác phẩm là một trong những cuốn sách điển hình của văn học Mỹ thế kỷ 19 và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Little Woman (Những cô gái nhỏ) là cuốn truyện dành cho thiếu nhi được yêu thích nhất, dựa trên những trải nghiệm của tác giả thời thơ ấu, tác phẩm đề cao tình người, tình cảm gia đình ấm áp, thân thương. Sau đó, bà tiếp tục thành công với các tác phẩm như: Good Wives (Những người vợ tốt), Little Men ( Những chàng trai nhỏ), Jo’s boys (Các cậu bé của Jo), An Old Fashion Girl (Cô gái lỗi mốt), Aunt Jo’s Scrap-Bag (Chiếc túi đầu mẩu của dì Jo)… Nhà văn Louisa May Alcott nhận được nhiều sự khen ngợi cho các tác phẩm văn học của mình và hoạt động tích cực trong nhiều phong trào cải cách đòi quyền đi bầu cử của phụ nữ và kết thúc chế độ nô lệ.

8. Mary Shelley

Nữ nhà văn người Anh Mary Shelley là tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Frankenstein. Tác phẩm Frankenstein là sự tổng hợp của tính chất tiểu thuyết Gothic và lãng mạn. Đây được coi là câu chuyện đầu tiên phản ánh thật sự về tiểu thuyết khoa học giả tưởng, tập trung về vấn đề như Chúa có thể tạo sự sống từ vật chất. Nhà văn Mary Shelley được coi là nhà văn có sức ảnh hưởng lớn và không e ngại nói lên niềm tin chính trị của bà. Sau đó, bà viết tiếp 5 cuốn tiểu thuyết nữa và nổi tiếng nhất là tác phẩm The Last Men ( Người đàn ông cuối cùng) viết về sự diệt vong của loài người trong thế kỷ 21 vì một trận dịch bí ẩn. Ngoài tiểu thuyết, bà còn viết truyện, nhật ký và tiểu sử tự thuật.

9. Harper Lee

Nhà văn người Mỹ giành Giải thưởng Pulitzer năm 1961 với tác phẩm To Kill a Mockingbird (Giết con chim nhại). Đây là tác phẩm duy nhất được xuất bản của bà, nhưng lại có những tác động to lớn, ảnh hưởng sâu sắc và mạnh mẽ tới những người dân Mỹ ở mọi lứa tuổi, giới chủng tộc, nguồn gốc. To Kill a Mockingbird (Giết con chim nhại) nhanh chóng trở thành tác phẩm ăn khách nhất và được giới phê bình đánh giá cao.

Cuốn tiểu thuyết này đã được dịch ra 50 thứ tiếng, cuốn hút hơn 40 triệu độc giả và được dựng thành bộ phim đoạt giải Oscar năm 1962. Phần lớn nội dung trong cuốn sách là tự truyện của chính tác giả, đó là những gì mà nhà văn Harper Lee được chứng kiến trong quãng thời gian bà sống và trưởng thành ở miền Nam.

Cuốn tiểu thuyết tập trung vào chủ đề bất công chủng tộc và giai cấp. Con chim nhại được dùng lặp đi lặp lại như một hình tượng của nạn nhân, là biểu tượng của sự trong trắng và cái đẹp chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và lòng hận thù. Năm 2007, Harper Lee đã được tổng thống George W. Bush trao Huân chương Tự do Tổng thống Hoa Kỳ , huân chương cao quý nhất dành cho công dân Hoa Kỳ, vì những đóng góp của bà cho văn học Mỹ.

10. Ayn Rand

Ayn Rand là tiểu thuyết gia, nhà lý luận, nhà viết kịch người Mỹ gốc Nga nổi tiếng với hai cuốn tiểu thuyết: The Fountainhead(Suối nguồn) và Atlas Shrugged (Người khổng lồ nghiêng vai). Ngay sau khi được xuất bản, Atlas Shrugged (Người khổng lồ nghiêng vai) đứng thứ sáu trong danh sách các cuốn sách bán chạy nhất của Tạp chí New York Times và được xem là một trong những cuốn tiểu thuyết có ảnh hưởng nhất, nhất là trong giới kinh doanh.

Atlas Shrugged (Người khổng lồ nghiêng vai) miêu tả một nước Hoa Kỳ trong một thời kỳ đen tối, khi các nhà công nghiệp và doanh nhân hàng đầu tổ chức một cuộc tổng đình công – không cho nhà nước bóc lột lao động của họ cho “lợi ích chung”. Các tác phẩm chủ yếu dựa trên các chính kiến của bà và nhấn mạnh vào quyền lợi cá nhân. Bà là người phát triển học thuyết Chủ nghĩa Khách quan và có ảnh hưởng lớn tới nước Mỹ hậu Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Các tác phẩm của bà nhận được nhiều sự khen ngợi cũng như những lời phê bình nghiêm khắc. Trong các tiểu thuyết của bà, nhân vật thường được lý tưởng hóa ,một người có những khả năng và sự độc lập mâu thuân với xã hội, nhưng luôn bền gan quyết chí đạt được mục đích của mình.

11. J.K. Rowling

J.K. Rowling là nhà văn người Anh, tác giả của của loạt truyện nổi tiếng về cậu bé phù thủy Harry Potter. Bộ sách được hàng triệu độc giả yêu thích, nhận được nhiều giải thưởng liên tiếp và được dịch ra 60 thứ tiếng trên thế giới. 7 cuốn truyện về phù thủy nhỏ Harry Potter của bà đã bán được hơn 400 triệu bản trên toàn cầu, biến bà từ một bà mẹ độc thân phải sống dựa vào tiền trợ cấp ở Anh trở thành một trong những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, với tài sản ước tính trên 1 tỉ đô la.

Năm 2007, sau thành công vang dội của truyện Harry Potter 7 và phim Harry Potter 5, bà được tạp chí US Entertainment Weekly bình chọn là 1 trong 25 nghệ sĩ của năm 2007. Bà đã được trao huân chương Bắc đẩu bội tinh vì tài năng xuất chúng về văn học thiếu nhi vào năm 2009.

12. Sylvia Plath

Sylvia Plath là nhà thơ và tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mỹ. Bà được biết đến qua các tập thơ “thơ xưng tội”như: The Colossus and Other Poems và Ariel. Ngoài các sáng tác thơ, bà còn cho ra đời cuốn tiểu thuyết duy nhất The Bell Jar (tạm dịch: Lọ chuông) và đó cũng là tác phẩm thành công nhất của bà dưới bút danh Victoria Lucas.The Bell Jar (tạm dịch: Lọ chuông) được xem là cuốn “bán tự truyện” của tác giả Sylvia Plath, bởi những cơn trầm cảm của nhân vật chính giống hệt những cơn trầm cảm của bà khi đối diện với bi kịch gia đình. Sau khi mất, bà nhận được Giải thưởng Pulitzer ,một điều hiếm thấy vì giải thưởng vốn chỉ trao cho những người còn sống. Các tác phẩm của bà có ảnh hưởng lớn tới phong trào đòi quyền bình đẳng cho nữ giới.

13. S.E. Hinton

S.E. Hinton là tiểu thuyết gia người Mỹ, là tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng The Outsiders (Kẻ ngoài cuộc) dành cho những người trẻ tuổi. Bà bắt đầu viết The Outsiders (Kẻ ngoài cuộc) năm 15 tuổi và 3 năm sau cuốn tiểu thuyết được xuất bản. Tác phẩm trở nên nổi tiếng với hơn 500 nghìn cuốn được bán ra mỗi năm. Năm 1979, bà là người đầu tiên nhận được Giải thưởng Margaret Edwards của Young Adult Library Services Association cho tác giả có tác phẩm miêu tả những trải nghiệm, cảm xúc của thanh thiếu niên và được đông đảo thanh thiếu niên mến mộ.

14. Margaret Mitchell

Tiểu thuyết gia người Mỹ Margaret Mitchell là tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Gone With the Wind (Cuốn theo chiều gió). Cuốn tiểu thuyết là một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất mọi thời đại và bán được hơn 1 triệu bản trong sáu tháng đầu tiên. Tính cách của bà cộng thêm khả năng khắc họa sâu sắc tính cách nhân vật đã làm cho quyển Gone With the Wind (Cuốn theo chiều gió) trở thành một trong những quyển tiểu thuyết được dịch ra nhiều thứ ngôn ngữ nhất trong lịch sử.

Mặc dù bà biến mình thành một người kể chuyện trung lập nhưng người đọc vẫn có thể thấy tính cách của bà xuất hiện khá rõ trong truyện. Năm 1937, bà nhận được giải thưởng Pulitzer giành cho cuốn tiểu thuyết lãng mạn nhất mọi thời đại. Bộ phim Cuốn Theo Chiều Gió, khởi chiếu năm 1939, đã trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử Hollywood và đạt kỷ lục về số giải thưởng Oscar nhận được.

15. Judy Blume

Nhà văn người Mỹ Judy Blume được biết đến qua các tiểu thuyết dành cho trẻ em và thanh thiếu niên. Các tác phẩm của bà thường đề cập tới nhiều vấn đề gây tranh cãi như : chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giới tính…và giải quyết các vấn đề với những câu hỏi trong cuộc sống liên quan tới trẻ em và thanh thiếu niên. Các tiểu thuyết của bà được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ khác nhau, tuy nhiên lại gây ra sự tranh cãi khi được đưa vào thư viện trường học vì nội dung không phù hợp. It’s Not the End of the World (tạm dịch: Không phải nơi tận cùng thế giới), Deenie, Maybe I Won’t (tạm dịch: Có lẽ tôi sẽ không), Forever (tạm dịch: Mãi mãi)…. là những tác phẩm tiêu biểu làm nên tên tuổi nhà văn Judy Blume. Hai cuốn tiểu thuyết Wifey và Smart Women (Những người phụ nữ thông minh) nằm trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất do tạp chí New York Times bình chọn.

16. Flannery O’Connor

Flannery O’Connor là nhà tiểu thuyết người Mỹ, nổi tiếng với phong cách Gothic miền Nam. Bà là một trong những người biện hộ mạnh mẽ nhất cho Công giáo La Mã, các tác phẩm của bà thường viết về chủ đề đạo đức và các vấn đề đương đại. Nhà văn Flannery O’Connor có vai trò quan trọng trong nền văn học Mỹ, mặc dù ở thời điểm đó chủ nghĩa thế tục đang rất phát triển, bà vẫn tiếp tục theo đuổi chủ đề của mình. Các tác phẩm của bà thường mang tính châm biếm, hài hước. Wise Blood(Dòng máu khôn ngoan), A Good Man is Hard to Find (Người tử tế thật khó tìm), Everything That Rises Must Converge (Mọi thứ rốt cuộc đều giống nhau), The Violent Bear It Away (Bọn hung bạo mang nó đi)… là những tác phẩm tạo nên tên tuổi của nhà văn Flannery O’Connor.

17. Pearl S. Buck

Pearl S. Buck là nữ nhà văn người Mỹ đoạt giải thưởng Pulitzer văn học vào năm 1932 với tiểu thuyết The Good Earth (Đất lành) . Bà cũng là người phụ nữ Mỹ đầu tiên nhận giải thưởng Nobel Văn học vào năm 1938 với các tác phẩm The Good Earth (Đất lành), The Exile (Người tha hương) và Fighting Angel (Thiên thần đấu tranh).

Phần lớn thời gian bà sống ở Trung Quốc, nên các tác phẩm của bà thường mô tả đời sống nông thôn Trung Hoa một cách phong phú và xác thực, và cố gắng nối các nhịp cầu hiểu biết và tình cảm giữa phương Đông và phương Tây.

Ngoài văn xuôi, bà còn viết kịch, kịch bản phim, tiểu luận và sách cho thiếu nhi. Bà cũng là người đã dịch Thủy Hử (All men are brothers) và một số tác phẩm văn học Trung Quốc sang tiếng Anh. Bộ truyện ba cuốn gồm hai cuốn : Sons (Các Người Con Trai) và A House Divided (Một Gia Đình Chia Rẽ) cộng với cuốn tiểu thuyết The Good Earth (Đất Lành) đã đoạt Huy Chương William Dean Howells của Hàn Lâm Viện Nghệ Thuật và Mỹ Tự Hoa Kỳ. Ngoài ra, bà tích cực tham gia các hoạt động từ thiện sáng lập ra tổ chức không vụ lợi Hiệp hội Đông Tây nhằm truyền bá những hiểu biết giữa các dân tộc trên thế giới, lập nên tổ chức Căn nhà tình nghĩa giúp trẻ mồ côi…

18. George Eliot

George Eliot là tiểu thuyết gia, nhà văn tiên phong của thời đại Victoria và nổi tiếng với các tác phẩm The Mill on the Floss, Silas Marner, Romola, Felix Holt, the Radical, Middlemarch, Daniel Deronda. Những tiểu thuyết của bà thường phản ánh một cách trung thực đời sống trung lưu tại miền nông thôn nước Anh. Nhà văn George Eliot đã phá vỡ mọi khuôn mẫu bằng những tác phẩm viết về các vấn đề chính trị và xã hội thời bấy giờ. Bà sử dụng bút danh nam George Eliot để đảm bảo các tác phẩm của mình được chú trọng và không muốn bị coi là một nhà văn lãng mạn đơn thuần.

19. Laura Ingalls Wilder

Nhà văn người Mỹ Laura Ingalls Wilder là tác giả của loạt truyện nổi tiếng Little House (Ngôi nhà nhỏ) và đặc biệt là Little House on the Prairie (Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên). Loạt truyện Little House (Ngôi nhà nhỏ) được đông đảo người đọc yêu thích và được dịch ra 40 thứ tiếng trên thế giới. Laura Ingalls Wilder đã ghi lại theo trình tự thời gian những diễn biến trong cuộc sống bình thường của người nông dân Mỹ ở nửa cuối thế kỷ trước. Little House on the Prairie (Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên) được dựng thành phim truyền hình dài tập từ năm 1974- 1984, gây được tiếng vang lớn và đoạt được nhiều giải thưởng trong đó có 4 giải Emmy.

20. Mary Wollstonecraft

Mary Wollstonecraft là nhà văn, nhà triết học, nhà bảo vệ quyền phụ nữ người Anh và là mẹ của nhà văn Mary Shelley (tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Frankenstein). Mary Wollstonecraft nổi tiếng với tác phẩm A Vindication of the Rights of Woman(tạm dịch: Bào chữa cho các quyền lợi của Phụ nữ), bà cho rằng phụ nữ không phải tự nhiên thấp kém so với đàn ông, mà do họ thiếu sự giáo dục. Bà nhận định rằng cả đàn ông và phụ nữ đều phải được đối xử bình đẳng và mường tượng về một trật tự xã hội dựa trên nguyên lý đó. Ngày nay, Mary Wollstonecraft được coi là một trong những người sáng lập triết học bình quyền phụ nữ.

21. Alice Walker

Nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội người Mỹ Alice Walker là tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng The Color Purple (Màu đỏ tía) đoạt giải Pulitzer 1983. Bà là người phụ nữ người Mỹ gốc Phi đầu tiên nhận giải thưởng cao quý này. Ngoài Giải thưởng Pulitzer, bà cònđược trao tặng nhiều giải thưởng khắc như: Giải thưởng Sách Quốc gia, giải thưởng O.Henry, giải thưởng Lillian Smith…

Các tác phẩm của bà thường tập trung vào những phụ nữ da đen, nổi bật nhất là The Color Purple (Màu đỏ tía) mô tả cuộc đấu tranh của một người phụ nữ da đen đòi bình đẳng chủng tộc và giới tính. Bà tham gia tích cực vào các phong trào đòi dân quyền và nữ quyền. Cùng với các tác phẩm của mình, bà được đông đảo những người dân Mỹ gốc Phi và các độc giả nữ trên thế giới yêu mến.

22. Agatha Christie

Nhà văn trinh thám người Anh Agatha Christie nổi tiếng với các tác phẩm tiểu thuyết, kịch và truyện ngắn. Bà là nhà văn nữ có tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại ở thể loại trinh thám và đứng thứ hai sau William Shakespeare. Với hai nhân vật thám tử nổi tiếng Hercule Poirot và Bà Marple, Agatha Christie được coi là “Nữ hoàng trinh thám”, bà là người đầu tiên được nhận giải thưởng Grand Master của Hội Nhà văn Trinh thám Mỹ. Hầu hết các tác phẩm của bà được chuyển thể thành phim, một số tác phẩm được chuyển thể nhiều lần như: Murder on the Orient Express (Án mạng trên tàu tốc hành Phương Đông), Death on the Nile (Án mạng trên sông Nin), 4.50 From Paddington (Chuyến tàu 16 giờ 50).

23. Helen Keller

Helen Keller là nhà văn, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng người Mỹ, mặc dù bà không có khả năng nghe và nhìn. 12 cuốn sách và cuốn tự truyện The Story of My Life (Câu chuyện đời tôi) của bà được xuất bản. Vượt qua mọi khó khăn, bà thi đỗ vào trường Cao đẳng Radcliffe, học tài liệu chữ nổi dành cho người mù và trở thành người mù -điếc đầu tiên tốt nghiệp một trường cao đẳng. Helen Keller trở thành biểu tượng của tinh thần tự lực phi thường khi suốt đời sống trong thế giới không ánh sáng, không âm thanh nhưng vẫn cống hiến hết sức lực nhằm đem niềm vui đến với người tàn tật, có cùng hoàn cảnh như mình.

24. Sue Monk Kidd

Nhà văn Sue Monk Kidd là tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng The Secret Life of Bees (tạm dịch: Bí mật cuộc đời của những con ong). Tác phẩm nằm trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất do tạp chí New York Times bình chọn, được chuyển thể thành phim và kịch, xuất bản ở 35 quốc gia và được đưa vào giảng dạy ở các trường cấp ba và đại học. Bà thường viết về những cuộc đấu tranh và chiến thắng của những người phụ nữ sống ở miền Nam. Các tác phẩm của bà có tác động mạnh mẽ tới độc giả cũng như các nhà văn miền Nam.

25. Edith Wharton

Edith Wharton là tiểu thuyết gia người Mỹ và là người phụ nữ đầu tiên được nhận giải thưởng Pulitzer về văn học với tác phẩm The Age of Innocence (Thời thơ ngây). The Age of Innocence (Thời thơ ngây) được nhà xuất bản Penguin bình chọn là một trong số 100 tác phẩm xuất sắc nhất mọi thời đại cùng với các kiệt tác: LolitaWar and Peace (Chiến tranh và Hòa bình), Wuthering Heights (Đồi gió hú)…và đã được chuyển thể thành phim. Bà thông thạo tiếng Pháp và một vài ngôn ngữ khác, các tác phẩm của bà thường được in bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp.