Từ chiến dịch quảng bá đến cuộc “cách mạng” logo, Gucci đã “thống trị” MXH như thế nào?

Không chỉ với Gucci mà mạng xã hội cũng là một kênh quảng bá hữu hiệu với tất cả mọi người, chỉ là Gucci vận dụng nó một cách triệt để hơn cả.

Trong thời buổi mạng xã hội chi phối hầu như tất cả mọi thứ, nếu ai biết sử dụng nó sẽ là công cụ quảng bá cũng như kinh doanh hiệu quả. Từ quy mô nhỏ lẻ cá nhân cho đến tầm cỡ công ty hay tập đoàn, mạng xã hội đã và đang là kênh tiếp thị hiệu quả nhất. Gucci là một trong số đó khi chỉ không lâu sau khi Alessandro Michele nhậm chức giám đốc sáng tạo cùng sứ mệnh vực lại thương hiệu, tên tuổi của Gucci lại trở lại top dẫn đầu của các bảng xếp hạng thời trang danh giá. Thương hiệu Ý đã làm được điều đó như thế nào?

gucci hình ảnh từ chiến dịch xuân hè 2020

Hướng đến đối tượng khách hàng trẻ tuổi thuộc thế hệ Millennials, hãng đã ngay lập tức đánh vào thứ mà nhóm độ tuổi này phát cuồng nhất: Mạng xã hội (MXH). Lý do MXH thu hút giới trẻ ngày nay chính là nhu cầu thể hiện cái tôi mạnh mẽ. Những thông điệp về độc bản, phong cách được đề cao cũng như muốn trở nên khác biệt đã tác động mạnh mẽ lên thế hệ trẻ. Vì lẽ đó, các bộ sưu tập của Gucci luôn tôn vinh sự đa sắc màu và nổi bật dẫu luôn gây ra những tranh cãi về tính thẩm mỹ.

gucci hình ảnh từ chiến dịch xuân hè 2016

Tiếp theo, Gucci tập trung khai thác văn hóa đại chúng của thế hệ Millennials. Khái niệm Meme không còn quá xa lạ với chúng ta ngày nay thực ra đã được giới trẻ ưa chuộng cách đây nhiều năm. Nắm bắt sở thích này, Gucci mở ra một cuộc thi “chế” ảnh Meme với tên gọi #TFWGucci nhằm kêu gọi người trẻ tạo ra những chiếc ảnh chế hóm hỉnh sử dụng hình ảnh cũng như sản phẩm của Gucci làm nguyên liệu. Không nằm ngoài dự đoán, những bức ảnh chế thuộc chiến dịch này lan tỏa mức độ rộng khắp internet mà không hề tốn quá nhiều chi phí marketing.

gucci và vũ khí social media mạnh mẽ

Nghệ thuật đương đại cũng là điều Gucci quan tâm. Hãng đã mở ra những chiến dịch cộng tác cùng nhiều nghệ sĩ trẻ để cho ra những tác phẩm dựa trên đôi sneaker Ace nổi tiếng của mình với tên gọi #24HourAce. Điểm đáng nói là những nghệ sĩ được Gucci mời cộng tác không chỉ có họa sĩ như chúng ta thường nghĩ mà có cả nghệ sĩ trượt ván, dựng video, đồ họa… mang đến tinh thần trẻ trung và tươi mới. Hiển nhiên, chiến dịch này cũng mang lại kết quả mĩ mãn không kém gì #TFWGucci về mặt quảng bá hình ảnh lẫn doanh số khi những đôi Ace được nhiều khách hàng trẻ tuổi săn đón.

gucci chiến dịch số 24 hour ace

Những chiến dịch của Gucci liên quan đến MXH đều được gắn kí hiệu hashtag vừa thể hiện cách làm truyền thông thời mạng xã hội, vừa dễ kiểm tra mức độ thành công của phương thức tiếp thị trực tuyến này.

Khái niệm “Break the Internet” không còn xa lạ với chúng ta trong thời đại này, và đó cũng là một cách để Gucci “gây bão” mỗi độ ra mắt BST mới. Mặc cho nhiều lời phê bình rằng Gucci đang quá sa đà vào những “chiêu trò” tiếp thị, thương hiệu này vẫn tiếp tục “gây bão” mạng xã hội bằng những chi tiết “sốc” trong BST. Điển hình là BST Resort 2020 với thông điệp tự do thân thể và quyền nạo phá thai, hình tượng bệnh nhân tâm thần trong buổi trình diễn Xuân – Hè 2020 hay mới đây là hình tượng những chàng trai mặc đầm trong BST Thu – Đông 2020 dành cho nam. Như con dao hai lưỡi, nước cờ này có thể làm Gucci chiếm sóng mạng xã hội nhưng đồng thời có thể mang lại tiếng xấu cho hãng.

gucci ảnh cover bst nam thu đông 2020

Chỉ cần thay đổi logo từ font chữ thanh lịch sang những đường nét nguệch ngoạc của trẻ con, Gucci đã tạo nên một xu hướng mạnh mẽ và lan rộng trên mạng xã hội trong thời gian rất ngắn.

gucci một số trang phục từ bst thu đông nam 2020

Tạm kết: Có lẽ trong thời đại mạng xã hội như ngày nay, để đạt được thành công thì một thương hiệu không chỉ có những sản phẩm chất lượng và đẹp mắt mà còn cần phải biết tận dụng MXH. Có thể nói Gucci là người dẫn đầu trong phong trào sử dụng MXH một cách sáng tạo và hiệu quả, trở thành “case study” đáng giá cho marketing trong ngành thời trang.

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Hình ảnh: Gucci