Trào lưu thuê bạn trai một ngày

Nhiều cô gái độc thân tại Trung Quốc tìm đến dịch vụ thuê bạn trai một ngày để được trò chuyện và chia sẻ những áp lực trong cuộc sống.

Giá thuê phụ thuộc vào kinh nghiệm của “bạn trai”, thấp nhất là 20 tệ, cao nhất là 160 tệ mỗi giờ.

Một số hình ảnh quảng cáo về dịch vụ Thuê bạn trai một ngày trên mạng xã hội Trung Quốc. Ảnh: China Youth Daily

Trên mạng xã hội Xiaohongshu, Zhou Fugui kể, cô thuê một bạn trai người Thái gốc Hoa trong cửa hàng tại Thượng Hải, giá 600 tệ trong hai giờ, uống trà sữa, ăn vặt và chụp ảnh nhưng không nắm tay. Nhiều người đánh giá “bạn trai một ngày” ở cửa hàng này rất chuyên nghiệp, làm đúng cam kết.

Cách đây không lâu, Senna, đến từ Thượng Hải nhận được món quà sinh nhật là phiếu giảm giá dịch vụ “bạn trai một ngày”. Vào ngày hẹn hò, trong quán cà phê đã hẹn trước, chàng trai mặc áo khoác đen, sơ mi xanh nhạt, đeo kính vuông to bản xuất hiện trước mặt cô. Khi Senna muốn nắm tay thân mật, phía bên kia mỉm cười nói: “Nắm tay thì tính thêm phí, 100 tệ một lần.”

Trên nền tảng chia sẻ video Bilibili, một clip nói về trải nghiệm thuê và dùng thử dịch vụ này đã thu hút hơn hai triệu lượt xem. Một cửa hàng ở Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc mỗi tháng có 800 giao dịch trên Taobao, nhận được 2.500 lượt đánh giá cao của khách hàng. Điều này cho thấy nhu cầu thuê bạn trai một ngày ở Trung Quốc rất lớn.

A Đường, 22 tuổi, đến từ Giang Tô làm nghề “bạn trai” đã nhiều năm. Anh có thể phục vụ khách theo giờ, ngày, thậm chí cả tháng. Tiền thu được chia 50/50 giữa anh và cửa hàng. Nếu khách gia hạn hợp đồng, anh được hưởng mức 60%. Ngoài ra, nếu khách muốn xem ảnh và nghe giọng để lựa chọn trước khi “đặt hàng” sẽ trả thêm phí 3 tệ một lần. Cửa hàng còn phục vụ ban đêm từ 24 giờ đến 7 giờ hôm sau, giá gấp rưỡi buổi sáng. Khi nói về nguyên nhân theo đuổi nghề này trong nhiều năm, A Đường nói: “Số tiền đó để đóng học phí”.

A Vạn là “bạn trai một ngày” tại cửa hàng khác, mới bắt đầu công việc chưa đầy một tháng. Anh là sinh viên năm hai, 21 tuổi và đến từ Hà Bắc. A Vạn được người bạn giới thiệu tới dịch vụ này bởi có giọng hát xuất sắc. Chàng trai cho hay, nguồn thu nhập chính của anh đến từ những khách “gia hạn hợp đồng”.

Các cửa hàng sẽ đánh giá và xếp hạng “bạn trai” dựa trên số lượng đơn đặt hàng cũng như số đơn gia hạn hàng tháng. “Nếu các thành viên trong nhóm nhận được ít đơn hàng và tỷ lệ gia hạn thấp, họ sẽ bị sa thải”, A Vạn nói.

Một hình ảnh khác được các cửa hàng dùng làm quảng cáo cho dịch vụ thuê bạn trai một ngày. Ảnh: ettoday.

Dù kiếm được tiền, nhưng A Vạn từng gặp phải những tình huống oái oăm. Ví dụ có khách muốn thuê “bạn trai” chỉ để trải nghiệm cảm giác chửi mắng người khác hay khách hàng là một người đồng giới. Lần khác, anh gặp vị khách bị trầm cảm. Trong suốt thời gian thuê “bạn trai một ngày”, người này liên tục kể cho A Vạn nghe về tuổi thơ bi thảm của mình.

Đông Vĩ Nghiêu, giảng viên của Đại học Hàng hải Thượng Hải cho hay, có hai nguyên nhân khiến dịch vụ thuê “bạn trai một ngày” nở rộ thời gian gần đây. Một là người trẻ bị cuốn theo lối sống hào nhoáng bề ngoài, cần có thứ gì đó đẹp đẽ để khoe. Hai là do gia đình thiếu tình cảm, họ tìm đến “bạn trai” để được yêu thương.

Chuyên gia cho rằng, việc thuê “bạn trai một ngày” có khả năng thúc đẩy hành vi phạm pháp, thậm chí phạm tội do mối quan hệ đặc biệt, dù hai bên đã ký hợp đồng cung cấp các dịch vụ thông thường như trò chuyện, đi ăn, mua sắm cùng nhau.

“Người trẻ nên đối mặt với cảm xúc của chính mình và trân trọng các mối quan hệ thực sự hơn. Các mối quan hệ trực tuyến có thể tiềm ẩn nhiều tác hại. Việc lừa tiền, lừa tình phát sinh từ các dịch vụ như thế này không hề hiếm gặp”, ông Đông nói.

Nguồn: VNEXPRESS