Thành phố ở Nga như truyện cổ tích

Thành phố Vyborg nằm gần St. Petersburg, đẹp như một trang truyện cổ tích giữa cuộc sống hiện đại.

Vyborg là một thành phố nhỏ tại Nga, nằm cách cố đô St. Petersburg 130 km về phía tây bắc. Theo truyền thuyết, vào thế kỷ 9, trưởng lão Gostomysl, người Novgorod đã thành lập một “thành phố bên biển” và tặng cho nơi ấy cái tên người con trai lớn nhất của mình – Vyborg.

Chỉ đến năm 1293, lịch sử của thành phố mới thật sự chính thức bắt đầu và được ghi nhận, khi những hiệp sĩ Thụy Điển trong một chuyến thập tự chinh đã yêu cầu nhiếp chính vương Torgils Knutsson dựng nên lâu đài Vyborg – thành trì của vương quốc Thụy Điển lúc bấy giờ ở vùng Karelia. Thành phố đã đổi chủ nhiều lần trong suốt chiều dài lịch sử, từ Thụy Điển đến thuộc Đế quốc Nga, sau đó trở thành một phần của Phần Lan trước khi Liên Xô giành chủ quyền vào năm 1940, để rồi lại rơi vào tay Phần Lan và Đức. Cuối cùng, thành phố vẫn trở về với Liên Xô và ngày nay thuộc Nga.

Đài tưởng niệm Torgils Knutsson được dựng ở quảng trường Staraya Ratusha, trước lối vào tòa thị chính Vyborg. Đây được coi là một trong những tòa nhà đẹp nhất của thành phố, bởi nó mang hơi thở của kiến trúc châu Âu với thiết kế tân phục hưng trang nhã, vốn là thành quả sau nhiều lần trùng tu từ hậu quả mà chiến tranh để lại.

Cũng chính nhờ thế mà Vyborg kế thừa được văn hóa và lịch sử của những quốc gia từng một thời thống trị. Những di tích kiến trúc của các thời đại và những dân tộc khác nhau phủ đầy trên những dải đường lát đá xinh đẹp hoài cổ, khác hẳn với những con phố bê tông tấp nập thường gặp ở những thành phố khác.

Đến với Vyborg là đến với những trang truyện cổ tích, nơi tòa lâu đài kiên cố vẫn sừng sững từ thế kỷ 13, quán bar và cà phê mang phong cách những quán rượu thời xưa cũ, những tòa nhà thời trung cổ rải rác khắp con đường lát đá…

Đặc sản của thành phố là món bánh vòng Krendel, xuất hiện từ nửa cuối thế kỷ 14, gắn liền với những trận chiến nảy lửa giữa các gia tộc để chứng minh công thức của mình mới là đích thực. Sau khi Đế quốc Nga chiếm được Vyborg vào năm 1710, bánh Krendel đã trở thành món ăn của giới quý tộc, chuyên được sử dụng để thiết đãi quan khách trong các hội nghị hoàng gia.

Trải qua nhiều cuộc chiến, đặc biệt là sau Thế chiến 2, nhiều phần của thành phố đã bị phá hủy. Điển hình là nhà thờ cổ Vyborg – một trong những công trình được xây dựng bằng đá đầu thế kỷ 15. Tuy không ít lần kiên cường phục sinh từ đống đổ nát sau những trận hỏa hoạn của thành phố, nhưng cuối cùng nhà thờ vẫn bị thiêu rụi trong khói lửa của chiến tranh, giờ đây chỉ còn lại tàn tích.

Hiện tại, tàn tích còn sót lại của nhà thờ là nơi nhiều du khách ghé thăm và chụp ảnh. Từ đây có thể nhìn thấy tháp đồng hồ cổ kính của thành phố. Ảnh: Dương Trần

Tại Vyborg, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng những chiếc thuyền rồng dài 24 m của người Viking được gọi là drakkars. Những con tàu như vậy có mũi thuyền rất cong và nếu chủ sở hữu thuyền là người có địa vị, mũi thuyền sẽ được trang trí bằng hình ảnh một con rồng. Hai chiếc thuyền Viking ở Vyborg là bản sao của những chiếc thuyền được làm vào năm 1984, là đạo cụ cho một bộ phim của Nga.

Tháp Tròn là một pháo đài bằng đá, một trong hai tháp thời trung cổ của Vyborg còn tồn tại đến ngày nay. Xung quanh chân tháp là khu chợ mô phỏng thời trung cổ và bài trí các vật dụng thời xưa cho khách đến chụp hình.

Thời trung cổ, phạm nhân thường bị khóa vào chiếc gông gỗ đặt tại các địa điểm đông người qua lại, nhất là giữa các khu chợ. Hình thức trừng phạt này được gọi là làm nhục nơi công cộng. Phạm nhân sẽ bị ném thực phẩm thiu thối vào người kèm theo hành hạ thể xác. Giờ đây, chiếc gông gỗ lại là một trong những vật dụng khơi gợi hứng thú chụp ảnh của du khách. Với mức giá “tuỳ tâm”, mọi du khách đều có thể tự sắm cho mình một bức ảnh du hành thời gian như thế này.

“Lễ hội Hiệp sĩ” diễn ra vào mỗi mùa hè tại thành phố. Cánh cửa trở về thời trung cổ dang tay rộng mở đón chào mọi du khách: những hiệp sĩ và kỵ mã tranh tài trong những giải đấu đầy tính nhân văn, những tửu quán phục vụ đồ ăn và thức uống với nhạc sống cổ đại, những hội chợ nơi người dân mặc cổ phục nô nức bán buôn trang sức, tổ vật, bùa may mắn, khiên, mũ giáp hiệp sĩ… trong những căn lều vải sặc sỡ xung quanh Tháp Tròn.

Du khách từ St. Petersburg có thể đến Vyborg bằng ôtô, xe bus, tàu hỏa hoặc tàu điện tùy theo ý thích. Để tiết kiệm thời gian, sức khỏe cũng như kinh tế, du khách nên sử dụng tàu điện vì có tuyến đường riêng, tránh tình trạng kẹt xe như đi bằng ôtô hoặc xe bus và cũng không tốn nhiều thời gian như khi di chuyển bằng tàu hỏa.

Nguồn: VNEXPRESS