Tết thêm ấm áp với 5 bí kíp giúp bạn thấu hiểu cha mẹ hơn

Tết như chặng dừng chân, cho phép chúng ta trở về nhà và có dịp cùng người thân chia sẻ những buồn vui đã xảy ra trong một năm. Việc tưởng chừng như đơn giản này đôi khi lại trở thành vấn đề nan giải nếu giữa con cái và cha mẹ có những nút thắt chưa gỡ bỏ được.

Sau một năm làm việc thì Tết là dịp để những người thân trong gia đình có cơ hội ngồi lại chia sẻ với nhau về rất nhiều thứ. Thế nhưng, trong khi cha mẹ muốn hiểu rõ hơn về cuộc sống, công việc, dự định của con cái thì không ít người con lại thường “trốn tránh” việc đối thoại với cha mẹ. Tâm lý “ngại phiền” này có thể xuất phát từ khoảng cách thế hệ, từ sự khác biệt trong cách sống, cách nghĩ giữa đôi bên hoặc do ám ảnh từ những cuộc đối thoại không thành công trước đó – những người con hiểu rằng bất đồng quan điểm có thể dẫn đến tranh cãi, mất vui. 

Điều này vô hình trung lại khiến cho khoảng cách giữa con cái và cha mẹ càng xa thêm. Tất nhiên, có người con nào không muốn cha mẹ có thể thấu hiểu và làm chỗ dựa tinh thần cho mình. Tuy nhiên, mỗi gia đình lại có những vấn đề khác nhau khiến cho việc đối thoại luôn trở thành nan giải. Và nếu chưa thể giải quyết được tình trạng này, có cách nào để những cuộc đối thoại bớt căng thẳng và bản thân những người con cũng nhẹ lòng hơn không?

Ngẫm lại thì, có rất nhiều bài viết, sách vở nói về việc cha mẹ nên thấu hiểu, thông cảm và chấp nhận lựa chọn của con cái, nhưng dường như chúng ta lại ít nói về chiều ngược lại. Chúng ta sợ hãi, cảm thấy sự “kỳ vọng” của cha mẹ chính là gánh nặng nhưng có phải chúng ta cũng đang đặt “kỳ vọng” lên vai cha mẹ hay không?

Vậy làm thế nào để Tết này, chúng ta và cha mẹ có thể thấu hiểu nhau hơn, có những cuộc đối thoại đủ sẻ chia, nhẹ nhàng và đầm ấm nhất? Hãy cùng ELLE tìm hiểu xem bản thân có thể làm gì để thấu hiểu và cảm thông cho cha mẹ của mình qua bài viết dưới đây.

CHA MẸ ĐÃ LÀM NHỮNG GÌ TỐT NHẤT CÓ THỂ

Không thể chối bỏ rằng làm cha mẹ là vai trò khó khăn nhất mà mỗi người sẽ đảm nhận trong suốt cuộc đời của họ. Mỗi bậc cha mẹ đều đang cố gắng làm tốt nhất vai trò của mình mỗi ngày. Tuy nhiên, việc nỗ lực hết sức chưa bao giờ đồng nghĩa với việc chắc chắn có một kết quả tốt.

em bé tươi cười trong vòng tay ba mẹ

Ảnh: Unsplash/anna1991anna

Cha mẹ cũng từng là một đứa trẻ giống như bạn với những “bất mãn” về cách giáo dục từ phụ huynh của họ. Dẫu họ luôn muốn mang đến cho con cái những gì tốt nhất, song hầu hết mọi nỗ lực của họ đều bị hạn chế do những thói quen, cách nghĩ đã ăn sâu vào tiềm thức từ khi họ còn là những đứa trẻ. Vòng lặp này cứ tiếp diễn, các hành vi được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cho đến khi có ai đó trong gia đình “phá vỡ” nó. Ví dụ: Bạn có thể nhận ra mình đang dùng ngón trỏ chỉ về phía con cái theo cách mà cha mẹ đã làm với bạn. Đây không phải là một quyết định có ý thức, mà là một điều gì đó sẽ xảy ra như một phản xạ tự nhiên hay một cơ chế được mặc định sẵn.

Do đó, khởi đầu tốt nhất cho việc “chữa lành” những tổn thương thơ ấu trong bạn và cả những thương tổn thời thơ ấu của cha mẹ là tin rằng họ đã nỗ lực hết sức để làm những gì tốt nhất có thể cho bạn và cho gia đình (ít nhất là tốt hơn những thứ họ đã từng trải qua).

HIỂU RẰNG CÁCH GIÁO DỤC CỦA CHA MẸ LÀ SỰ PHẢN ÁNH TÌNH YÊU CỦA HỌ DÀNH CHO BẠN 

Bạn có thể đã không được yêu thương theo cách bạn muốn cha mẹ yêu thương bạn, nhưng chắc chắn mỗi ý định của họ đều chứa tình yêu dành cho bạn. Thực tế cho thấy, tất cả hành vi của chúng ta đều có mục đích tích cực, tuy nhiên kết quả mang lại có thể không tích cực chút nào. Và cha mẹ của chúng ta cũng thế, không một phụ huynh nào muốn nuôi dạy con theo một cách tồi tệ. Cha mẹ của bạn luôn có mục đích tốt khi làm một điều gì đó cho bạn, hiểu được điều này sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái chấp nhận họ hơn, dẫu quyết định của cha mẹ sẽ dẫn đến kết quả nào đi nữa.

chú chó golden vui chơi cùng gia đình

Ảnh: Unsplash/cdc

Bạn có thể bắt đầu đối thoại với cha mẹ bằng cách tìm ra điều làm bạn hạnh phúc nhất khi cha mẹ thể hiện sự yêu thương với bạn. Từ đó, chia sẻ thẳng thắng với họ rằng bạn thích được yêu thương theo cách như vậy. Mở đầu câu chuyện bằng điểm mạnh của cha mẹ, bày tỏ sự biết ơn và đi sâu vào những điều bạn cảm thấy chưa được thoải mái là cách để một cuộc trò chuyện lành mạnh bắt đầu.

CHẤP NHẬN RẰNG CHA MẸ ĐANG CỐ GẮNG ĐỂ TRỞ THÀNH PHIÊN BẢN TỐT NHẤT CỦA CHÍNH MÌNH

Có đôi lúc, bạn sẽ cảm thấy mọi nỗ lực thay đổi cha mẹ của bạn đều thất bại, tư tưởng của cha mẹ giống như một pháo đài bất khả xâm phạm mà bạn hoàn toàn bất lực trước việc tiếp cận và lay chuyển nó. Vậy chúng ta nên làm gì trước vấn đề này? Hãy thử suy ngẫm về các câu hỏi dưới đây:

  • Bạn thật sự mong muốn cha mẹ thay đổi để tốt hơn hay đang kỳ vọng họ thay đổi theo ý mình?
  • Bạn đã đối thoại trực tiếp với họ hay chỉ im lặng và mong muốn họ thay đổi?
  • Bạn đã từng lắng nghe xem cha mẹ thật sự muốn trở thành một người cha, người mẹ như thế nào trong gia đình?

Chúng ta phải chấp nhận rằng, cha mẹ đã là một bản thể hoàn chỉnh với những vốn sống, sự thừa hưởng giáo dục và thói quen được định hình qua nhiều thập kỷ – trước cả khi chúng ta được sinh ra. Chẳng phải dấu vân tay của họ đã ở khắp nơi trên cơ thể bạn và định hình bạn là ai khi vừa chào đời hay sao? Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta hoàn toàn không có bất kỳ dữ liệu nào để thấu hiểu những kế hoạch nuôi dạy con của họ nếu không chịu đào sâu vào lý do đằng sau mỗi hành động đó. 

gia đình hạnh phúc vui đùa cùng nhau

Ảnh: Unsplah/jonathanborba

Hãy trao đổi cởi mở với phụ huynh và chấp nhận cha mẹ như chính con người của họ. Chấp nhận rằng phiên bản tốt nhất mà cha mẹ muốn trở thành và hình mẫu mà bạn kỳ vọng có thể khác nhau quá nửa hay chỉ có vài điểm tương đồng – tương tự như việc bạn mong chờ cha mẹ chấp nhận sự khác biệt của mình. Chấp nhận con người thật của cha mẹ cũng chính là tôn vinh những khả năng mà họ có. Cha mẹ chỉ có thể yêu bạn theo cách mà họ biết. Dù khó khăn, hãy cố gắng hiểu cha mẹ muốn sống ra sao và hạnh phúc thế nào trong chính gia đình của họ.

CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ CUỘC ĐỜI MÌNH

Không thứ gì có ý nghĩa từ đầu nếu bạn không gán cho nó một ý nghĩa nhất định. Thế nên, hãy chịu trách nhiệm về những ý nghĩa mà bạn đã “gán” cho hành động và cách nuôi dạy con của cha mẹ mình. Rất khó để thay đổi cha mẹ hoặc hành vi của họ nhưng bạn có thể thay đổi những ý nghĩa tiêu cực mà bạn đã gán lên cha mẹ mình trong quá khứ.

Những đứa trẻ cảm thấy được yêu thương và an toàn sẽ chấp nhận phá vỡ bất kỳ định kiến nào để hòa nhập với gia đình. Vẻ đẹp của việc trưởng thành là bạn có thể giải phóng những định kiến và đưa ra một lựa chọn mới: Một lựa chọn phù hợp với mong muốn của bạn và chịu trách nhiệm với chính nó.

YÊU THƯƠNG CHA MẸ CŨNG NHƯ CHÍNH BẢN THÂN MÌNH, BẤT CHẤP LỖI LẦM VÀ THIẾU SÓT

Mỗi sinh phần trên hành tinh đều đang nỗ lực hết sức mình, bao gồm bản thân bạn và cha mẹ bạn. Hãy nhớ rằng chúng ta luôn nỗ lực để trở thành phiên bản hạnh phúc nhất của bản thân, chứ không phải để trở thành phiên bản hoàn hảo nhất. Bạn yêu ai đó chính vì những điều không hoàn hảo tạo nên sự khác biệt của họ so với những người khác, và tình cảm gia đình cũng vậy.

Chấp nhận những khuyết điểm của cha mẹ cho phép bạn thoát khỏi những sự kiện trong quá khứ mà họ đã làm bạn thất vọng hoặc thậm chí tổn thương. Tha thứ cho cha mẹ cũng chính là tha thứ cho chính bản thân mình. Do đó, hãy tin tưởng rằng cha mẹ sẽ yêu thương cả những thiếu sót của bạn và bạn cũng nên làm điều tương tự với họ.

từ gia đình được viết bằng bột làm bánh

Ảnh: Unsplash/jcbesser

Xóa bỏ những cảm xúc tiêu cực trong quá khứ, giải phóng những kỳ vọng phi thực tế sẽ giúp bạn cởi mở hơn không chỉ trong việc yêu thương người xung quanh mà còn yêu thương chính bản thân mình.

Cuối cùng, tình yêu mà bạn tìm kiếm đang ở bên trong bạn và phản chiếu lại qua đôi mắt của người bạn yêu thương.

Nguồn : ELLE