‘The Scream’ – tranh trăm triệu USD gợi cảm hứng cho phim kinh dị

Sát nhân Ghostface trong phim kinh dị “Scream” giống nhân vật trong bức tranh 120 triệu USD của Edvard Munch.

Scream hiện thống trị phòng vé với doanh thu mở màn lên tới 30,6 triệu USD. Tác phẩm là bản remake của thương hiệu kinh dị cùng tên, ra mắt lần đầu năm 1996. Phim tiếp tục xoay quanh tên sát nhân Ghostface mặc áo choàng đen với chiếc mặt nạ màu trắng.

Theo Theringer, khi phim lần đầu ra rạp lập tức biến Ghostface trở thành biểu tượng kinh dị hiện đại. Nhà sản xuất Cathy Konrad cho biết trước khi khởi quay, êkíp gặp nhiều áp lực tạo hình cho nhân vật. Khi đến xem ngôi nhà hai tầng – địa điểm dự định quay phim – họ phát hiện chiếc mặt nạ trên ghế trong phòng ngủ ở tầng hai, kèm một tấm vải liệm màu trắng. Đạo diễn Wes Craven nhận thấy nó giống nhân vật trong bức tranh The Scream của Munch và thốt lên: “Ôi Chúa ơi, chiếc mặt nạ này, chính là nó”.

Mặt nạ là sản phẩm cho mùa Halloween của Fun World – một công ty may mặc – lấy cảm hứng từ bức tranh. Hãng phim sau đó yêu cầu bộ phận tạo hình sáng tạo thiết kế mới dựa trên bản cũ nhưng đủ khác biệt để sở hữu bản quyền. Êkíp cho ra đời 20 mẫu khác nhau nhưng đều bị gạt bỏ. Cuối cùng, họ xin phép sử dụng mặt nạ gốc, tạo nên Ghostface đầy ấn tượng trên màn ảnh.

Nhân vật Ghostface trong phim Scream. Ảnh: Screenrant

Nhân vật Ghostface trong phim “Scream”. Ảnh: Screenrant

Ngoài Scream, nhiều tác phẩm ra đời dựa trên nhân vật trong tranh của Munch như: phim hoạt hình The Simpsons, tạo hình nhân vật ngoài hành tinh trong The Silence hay biểu tượng cảm xúc hét lên trên mạng xã hội, biểu cảm Kevin McCallister (Macaulay Culkin) trong poster phim Ở nhà một mình. Hình ảnh còn được in trên áo phông, tất, khăn ăn…

The Scream là một trong những bức tranh mang tính biểu tượng nhất thế giới, với đầy rẫy bí ẩn, theo Artnet. Munch vẽ tác phẩm từ năm 1893 đến 1910 gồm bốn bản, mô tả hình ảnh người đàn ông đi qua cầu hai tay ôm mắt, miệng mở rộng như đang hét hoặc sợ hãi. Phiên bản ra đời năm 1895 được bán với giá 120 triệu USD trong phiên đấu của Sotheby’s ở New York hồi tháng 5/2012 – đắt nhất bấy giờ. Tác phẩm được trưng bày tại Museum of Modern Art ở New York với sự cho phép của chủ sở hữu. Ba bức còn lại đang trưng bày tại các bảo tàng ở Na Uy.

Trên Art News, nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Robert Rosenblum cho biết nhân vật trong tranh được họa sĩ lấy cảm hứng từ xác ướp một cựu chiến binh Chachapoyas. Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhận định đó chính là họa sĩ. Từ những nội dung trong nhật ký của Munch cho thấy ông hình dung về tác phẩm khi đi dạo vào lúc hoàng hôn ở Kristiania, Oslo. Ông nhìn thấy những đám mây đỏ như máu và cảm nhận được “tiếng hét vô hạn truyền qua thiên nhiên”.

The Scream của Edvard Munch bản được trưng bày tại Bảo tàng quốc gia Na Uy. Ảnh: Bảo tàng quốc gia Na Uy

“The Scream” của Edvard Munch bản được trưng bày tại Bảo tàng quốc gia Na Uy. Ảnh: Bảo tàng quốc gia Na Uy

Góc trái trên cùng bức tranh hiện trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Na Uy có dòng chữ mờ nhạt với nội dung “Chỉ có thể được vẽ bởi một kẻ điên” bằng tiếng Na Uy. Theo Artnet, chữ viết bằng bút chì được thêm vào sau nhiều năm Munch hoàn thiện tác phẩm. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng nó được người khác ghi vào và gọi đây là hành động phá hoại.

Bảo tàng sử dụng công nghệ hồng ngoại và phân tích chữ viết tay để so sánh chữ trên tranh với các ghi chép của Munch. Tất cả bằng chứng cho thấy họa sĩ là người viết lên tranh.

Người phụ trách bảo tàng Mai Britt Guleng nói trên Artnet: “Thập niên 1890 – 1900, nhà phê bình nghệ thuật sẽ không tưởng tượng được một nghệ sĩ lại viết ra dòng chữ như vậy trên bề mặt tranh của mình. Nó không giống với môtíp thường thấy. Nó là một nhận xét về sức khỏe tinh thần của họa sĩ – điều mà nhà phê bình nghệ thuật không bao giờ nghĩ rằng họa sĩ làm vậy”.

Chữ viết trên tranh khi được chụp ảnh hồng ngoại. Ảnh: Bảo tàng quốc gia Na Uy

Chữ viết trên tranh khi được chụp ảnh hồng ngoại. Ảnh: Bảo tàng quốc gia Na Uy

Trên New York Times, một số nhà phê bình cho rằng tác phẩm phản ánh những đau thương, ám ảnh về bệnh tật của họa sĩ. Cả gia đình Munch gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Cha và chị gái ông bị trầm cảm. Họa sĩ cũng phải nhập viện năm 1908 sau khi bị suy nhược thần kinh. Cây cầu trong tranh là địa điểm nổi tiếng ở Oslo – nơi có nhiều người tự tử và nằm gần trại tâm thần mà chị gái Munch điều trị.

Trong nhật ký từng công bố, Munch viết khi sáng tác bức tranh vào năm 1893, ông được truyền cảm hứng bởi “một cơn u sầu”. Theo New York Times, những tổn thương trong đời sống cá nhân khiến bức tranh mang cảm giác xa lạ, bất bình thường. “Tác phẩm đã trở thành một biểu tượng của nỗi đau hiện sinh và được gọi là Mona Lisa của nghệ thuật hiện đại”, tờ báo viết.

Theo Usaartnews, nhiều tin đồn cho rằng các phiên bản The Scream đều vướng lời nguyền. Hàng chục người tiếp xúc với những bức tranh đã mắc bệnh, cãi vã với người thân, thậm chí trầm cảm hoặc đột ngột qua đời. Một nhân viên của bảo tàng ở Oslo vô tình làm rơi bức tranh. Sau một thời gian, anh bị đau đầu, động kinh và cuối cùng tự tử. “Khách tham quan bảo tàng vẫn đang nhìn vào bức tranh với vẻ e ngại”, trang này viết.

Edvard Munch (1863 - 1944) được coi là họa sĩ tiên phong của trường phái biểu hiện. Ảnh: Nasjonalbiblioteket ca 1889

Edvard Munch (1863 – 1944) được coi là họa sĩ tiên phong của trường phái biểu hiện. Ảnh: Nasjonalbiblioteket

Hai trong bốn tác phẩm từng bị trộm. Tháng 2/1994, hai người đàn ông trèo thang, phá cửa sổ và lấy đi bức tranh từ Phòng trưng bày Quốc gia ở Oslo. Những tên trộm còn để lại giấy nhắn: “Cảm ơn vì an ninh lỏng lẻo”. Ba tháng sau, các nhà điều tra tìm ra kiệt tác.

Lần thứ hai tác phẩm biến mất trong tiếng la hét kinh hoàng của khách tham quan bảo tàng Munch ở Oslo, nơi tranh được trưng bày, vào tháng 8/2004. Hai tay súng đeo mặt nạ tương tự nhân vật xông vào bảo tàng giữa ban ngày, đe dọa một bảo vệ, lấy đi bức tranh rồi đào tẩu trên một chiếc xe sang. Tranh được tìm thấy hai năm sau đó.

Nguồn: VNEXPRESS