Quần tây – dấu ấn nữ quyền

Hình ảnh của phái đẹp thường gắn liền với những chiếc váy thướt tha, dịu dàng, còn hình ảnh của phái mạnh lại đi cùng những chiếc quần xỏ ống với đường cắt dứt khoát, mạnh mẽ. Tuy nhiên, cuộc sống không có vách ngăn và thời trang không hề có biên giới.

Những thứ tương tự như quần tây đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử, thậm chí trước Công Nguyên. Tuy nhiên, quần tây hiện đại với chiều dài từ eo đến ngang mắt cá chân và không bó sát chỉ chính thức có mặt từ sau cuộc cách mạng Pháp năm 1789, lấy cảm hứng từ loại quần ống thụng – dài đến ngang đầu gối và bó sát bởi tất từ đầu gối đến mắt cá chân – rất được ưa chuộng trong giới quý tộc từ khoảng thế kỷ 15.

Cho đến thời điểm này, quần tây chỉ được sử dụng bởi cánh mày râu, còn phụ nữ vẫn trung thành với những chiếc váy đầm xòe đậm chất nữ tính của mình.

Dù có một số bằng chứng cho thấy phụ nữ đã từng mặc những thứ tương tự như quần tây từ vài trăm năm trước Công nguyên, váy vẫn là loại trang phục chủ yếu của nữ giới trong lịch sử cho đến tận thế kỷ 19.

Quần tây - dấu ấn nữ quyền - Ảnh 1

Xưa nay, người ta vẫn quan niệm, phụ nữ thì phải mặc váy.

Vào thời nữ hoàng Victoria trị vì Anh quốc, nhà cách mạng nữ quyền Amelia Jenks Bloomer là người khởi xướng trào lưu quần dài thụng, bó lại ở mắt cá chân, được mặc phía dưới lớp váy ngắn ngang đầu gối. Tuy kiểu quần “bloomers” này giúp ống thụng rất rộng và bó lại ở ngay phía dưới đầu gối để tiện cho việc đạp xe nhưng nó không được ưa chuộng vì nó bị cho là không hề nữ tính chút nào.

Có thể nói cuộc chinh phục phái đẹp của quần tây là một trong những cuộc chinh phục vất vả bậc nhất so với các thể loại quần áo khác. Ban đầu, phụ nữ phải mua hay mặc quần tây nam do cánh đàn ông trong gia đình để lại, hoặc phải tự may lấy quần tây cho mình, chỉ với một mục đích chính là để thuận tiện cho công việc ở các xưởng máy. Ngay cả khi xe đạp và tennis trở nên phổ biến vào đầu những năm 1900, phụ nữ vẫn bị hạn chế mặc quần.

Năm 1939, khi Vogue lần đầu tiên đưa ảnh người phụ nữ mặc quần trên trang báo của mình, thế giới mới thực sự bị sốc và cảm giác “muốn được giải phóng” dâng lên mạnh mẽ. Trang báo viết: Nếu có ai đó buộc tội bạn bắt chước đàn ông, không cần để tâm. Bộ cánh mới mà chúng tôi giới thiệu xuất phát từ trang phục nam giới, nhưng phụ nữ hoàn toàn có thể làm chủ bằng màu sắc và phụ kiện thêm vào.

Quần tây - dấu ấn nữ quyền - Ảnh 2

Người mẫu Helen Bennett mặc quần da cá nhám trên tạp chí Vogue 1939. Ảnh Getty Images

Mãi đến đầu thập niên 1960, nhà tạo mẫu người Pháp An­dré Courrèges mới cho ra đời những mẫu quần tây đầu tiên thiết kế dành riêng cho phụ nữ, đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên “pantsuit” (vest nữ kết hợp với quần tây) và sự thoái trào dần dần những định kiến khắt khe và sự cấm đoán của xã hội chống lại việc nữ giới mặc quần tây ở những nơi công cộng.

Năm 1961, bộ phim cổ điển nổi tiếng Breakfast at Tiffany’s (Bữa sáng ở tiệm Tiffany) với sự góp mặt của Audrey Hepburn trong kiểu quần tây ba phân tư (capris) ra đời. Kế đó, Marilyn Monroe, Annette Funicello, và Sandra Dee nối tiếp Hepburn trong việc góp phân làm dấy lên cơn sốt thời trang với kiểu quân này.

Tiếp theo kiểu quần tây capris là những biến thể của quần tây cổ điển, bắt đầu với kiểu quân tây ba phân tư ống thụng (gauchos), sau đó đến quần tây dài ống suôn ôm, quần tây dài ống rộng (wide-leg pants), và quần tây dài với ống suôn ôm ở trên nhưng xòe rộng ở gót (flared pants).

Năm 1966, nhà tạo mẫu Yves Saint- Laurent cho ra đời bộ cánh mang tên Le Smok­ing (Người hút thuốc) là một dạng pantsuit đầu tiên dành cho phái đẹp, phỏng theo thiết kế tuxedo của nam giới. Như thế, quân tây cuối cùng cũng đã tìm được chỗ đứng vững chắc của mình trong thời trang nữ giới sau bao thăng trầm của lịch sử.

Nguồn : Elle/Công lý