Phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu

Hiện nay, trên các phương tiện thông tin và đời sống thường nhật, chúng ta dễ dàng bắt gặp các thuật ngữ như “nhãn hiệu” hay “thương hiệu”. Rất nhiều người có thể bị lẫn lộn giữa hai khái niệm này, tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng bản chất hai thuật ngữ này là khác nhau.

Bên cạnh đó, vì đã được luật hóa nên việc đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu được quy định cụ thể trong Luật sở hữu trí tuệ; còn việc bảo hộ thương hiệu thường phức tạp hơn và đòi hỏi các biện pháp tổng hợp.

Nhãn hiệu là thuật ngữ pháp lý được quy định trong pháp luật Việt Nam và quốc tế, để chỉ các dấu hiệu (chữ, chữ số, hình vẽ, hình ảnh, màu sắc hoặc sự kết hợp giữa chúng) nhằm phân biệt sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Do vậy, một doanh nghiệp có thể sử dụng và đăng ký bảo hộ cho một hoặc nhiều nhãn hiệu khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu kinh doanh từng chủng loại hàng hóa và từng khu vực cụ thể, miễn là chúng đáp ứng các tiêu chuẩn theo luật định. Thực tế, có những công ty xuyên quốc gia sở hữu đến hàng trăm các nhãn hiệu độc quyền. Ví dụ, Công ty Honda có rất nhiều các nhãn hiệu khác nhau dành cho các dòng xe khác nhau như: SH, PCX, Air Blade…

Khác với nhãn hiệu, thương hiệu là thuật ngữ không được luật hóa nhưng lại được sử dụng khá phổ biến, có khi còn bị lạm dụng. Thương hiệu thường dùng để chỉ nhóm dấu hiệu đặc trưng thể hiện uy tín và sức cạnh tranh của một doanh nghiệp hoặc một sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Trong nhiều trường hợp, một thương hiệu có thể chính là một nhãn hiệu/chỉ dẫn địa lý/tên thương mại của một công ty. Tuy nhiên, các đối tượng đó thường phải được biết đến rộng rãi hoặc phải đạt được một uy tín nhất định trên thị trường. Thương hiệu của một công ty thường bao gồm cả các đối tượng sở hữu trí tuệ khác như nhãn hiệu, quyền tác giả và cả những đối tượng khác không phải là quyền sở hữu trí tuệ như uy tín, chất lượng, phương thức phục vụ, chăm sóc khách hàng của công ty đó.

Theo: truongluat