Nhân loại tương lai sẽ toàn người gù vì một thói quen ít ai ngờ tới

Thế giới ngày nay có nhiều tiện nghi đến mức như người xưa không chắc có thể tưởng tượng được. Thay vì phải đi lại, làm việc ở ngoài trời, bây giờ chúng ta dành nhiều thời gian để ngồi hơn bao giờ hết, và điều này đang tạo ra một “nhân chủng mới”.

Điều gì cũng có cái giá của nó, khi ngồi quá nhiều, chúng ta bắt đầu còng về phía trước. Theo thời gian, các cơ bắp giữ cho cơ thể thẳng đứng sẽ yếu đi và mất đi những chức năng bẩm sinh ban đầu. Mỗi ngày ngồi hàng giờ trên ô tô, bên bàn làm việc hay ngồi trước TV, bạn sẽ cảm nhận được việc này một cách rõ ràng.

Mới đây, Thời báo Epoch Times đã có buổi trao đổi với Tiến sĩ, bác sĩ Steven Weiniger chuyên gia về hình thể, cố vấn lão khoa ở Nhà Trắng) về tác động của tư thế ngồi đối với sức khỏe, và việc lối sống có thể ảnh hưởng như thế nào đến cấu trúc cơ thể cũng như làm thế nào để sửa chữa tư thế xấu.

“Ngồi không chỉ làm cho chúng ta ít vận động, mà còn làm xấu đi dáng vóc. Cơ thể con người hoạt động tốt nhất khi các phần thân thể chính – đầu, lưng và hông – ở vị trí thẳng hàng, xếp chồng lên nhau một cách chính xác”, Steven Weiniger cho biết.

posture-graphic
Ngồi công lưng thường thấy hiện nay tại các công sở (Ảnh: Macrovector/Shutterstock (Illustrations)

Epoch Times: Tại sao tư thế lại quan trọng đến vậy đối với sức khỏe của chúng ta?

Tiến sĩ Weiniger: Cấu trúc thể hình cũng quan trọng giống như cấu trúc hóa học trong cơ thể vậy, tuy nhiên, thường là chúng ta không nhận ra tác hại của việc ngồi hay vận động sai tư thế này cho đến khi chúng tích lại đủ lớn theo thời gian. Ví dụ, nếu bạn gập người lại với đầu ở trước ngực và thân ở phía trước hông (một trong những tư thế ngồi phổ biến) – bạn sẽ không thể thở tốt, tư thế này sẽ gây nhiều áp lực lên các cơ quan nội tạng và chúng sẽ không hoạt động tốt như cần phải có.

Bạn có thể nhận thấy tác hại của nó bằng một bài tập ngắn. Nào, bây giờ khi đang ngồi với tư thế đó, hãy hít một hơi thật sâu. Sau đó hãy đứng lên, ngẩng đầu, dướn vai, ưỡn ngực và cố gắng hít thật nhiều không khí vào. Bạn cảm thấy sự khác biệt chứ? Rõ ràng là bạn có thể hít vào nhiều không khí hơn với tư thế thẳng lưng.

Như vậy, nếu ngồi ở tư thế gập người về phía trước, các cơ bắp mà bạn dùng khi hít thở sâu sẽ yếu đi, theo thời gian, bạn sẽ thấy mình còng dần và không thở tốt như trước. Và nếu bạn không có những bài tập hiệu quả để vận động những cơ bắp này, gồm cả quả tim, điều này sẽ có một tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch.

Thở là một hoạt động rất tốt cho sức khỏe của bạn. Điều này không chỉ giúp đưa oxy vào, mà còn giúp phổi loại bỏ các độc tố. Đây là những cơ quan sinh tiết lớn nhất của cơ thể.

Epoch Times: Xin Tiến sĩ hãy cho biết, các yếu tố khác ảnh hưởng đến tư thế của chúng ta là gì?

Tiến sĩ Weiniger: Tất cả mọi thứ bạn làm đều ảnh hưởng đến tư thế của bạn. Không chỉ khi ngồi, nếu bạn ngủ trên một chiếc giường không đủ cứng, thì cũng giống như việc bạn ngồi trên một chiếc ghế bị lệch một bên cả ngày. Ngoài ra, nếu bạn ngủ sấp với đầu quay sang phải, tư thế của bạn sẽ dần bị thay đổi theo phía này. Sẽ không có điều gì nghiêm trọng xảy ra cả, chỉ là một vài thứ trên cơ thể bạn sẽ bị biến đổi theo thời gian.

thoi quen 2
(Ảnh:Shutterstock)

Bên cạnh đó, tôi còn phát hiện ra một “căn bệnh” gây hại cho tư thế của chúng ta mà chưa được công nhận, đó là việc trẻ em hiện nay dành quá nhiều thời gian cho điện thoại di động và các thiết bị điện tử của chúng.

Việc cầm điện thoại để chơi sẽ khiến những đứa trẻ quen với tư thế ngồi cong người, và điều tệ hại là chúng sẽ giữ nguyên tư thế đó khi viết bài trên lớp. Cách ngồi này không chỉ gây ảnh hưởng đến mắt mà cả đến tay của trẻ. Để phòng chống việc này, hãy giúp con bạn làm quen, và hình thành thói quen giữ cổ, cột sống thẳng, cổ tay, cẳng tay ở tư thế cao hơn. Và giữ tư thế đó trong suốt cả ngày.

Epoch Times: Bây giờ khi đang nói chuyện, tôi giữ thân thẳng hơn. Nhưng khả năng cao là sau đó tôi sẽ quay trở về tư thế quen thuộc của mình. Chúng ta có thể làm gì để luôn giữ được tư thế đúng?

Tiến sĩ Weiniger: Nhận biết là bước đầu tiên. Chúng tôi đề nghị mọi người nhận biết được tư thế quen thuộc của mình. Tại phòng khám của mình, chúng tôi sẽ chụp hình một bệnh nhân đứng thẳng và nghiêng phải trên khung nền các ô vuông nhằm đo chính xác vị trí của đầu, lưng và hông để xác định độ lệch, và chúng tôi chụp theo cách đó mỗi năm. Theo thời gian, mọi thứ có thể được cải thiện tốt lên hay xấu đi tùy thuộc vào những gì bạn làm hàng ngày. Nếu bạn bắt đầu làm một cái gì đó khác đi để kiểm soát cuộc sống và cơ thể của bạn – tư thế của bạn sẽ được cải thiện.

Điều thứ hai chúng tôi dạy cách kiểm soát tư thế của mình.

Để kiểm soát, chúng tôi dạy mọi người các bài tập riêng cho các tư thế, có rất nhiều loại – như yoga, phương pháp Pilates và tai chi. Đây là những bài tập sử dụng sự tập trung có chủ ý. Chúng không phải các bài tập thể dục, vì thể dục chủ yếu tập trung vào các bộ phận khác nhau của cơ thể.

Các bài tập này nhằm tăng cường sự thăng bằng, thẳng đứng và vận động để mọi người có thể ý thức hơn về tư thế của mình. Nó không phải chỉ là 5 phút ngày hôm nay và thế là xong. Nó hướng đến phát triển một thói quen. Chúng tôi đề nghị mọi người tập các bài tập này hàng ngày.

Điều thứ ba, chúng tôi đề nghị mọi người tạo ra một môi trường vật lý thông minh, thích ứng với cơ thể của chính mình. Nếu bạn ngồi, bạn hãy kiếm một chiếc ghế tốt. Nếu có thể, bạn nên có một chiếc bàn mà có thể điều chỉnh cao lên hay thấp xuống, giúp bạn có thể đứng làm việc, hạn chế tình trạng ngồi suốt cả ngày.

Epoch Times: Xin Tiến sĩ hãy nói cho chúng tôi biết các bài tập mà ông thường tư vấn cho bệnh nhân để có được tư thế tốt.

Tiến sĩ Weiniger: Chúng tôi gọi các bài tập này là BAM 321.

1. Ba lần mỗi ngày

Hãy tập trung vào việc giữ thăng bằng, bằng cách chú ý đến tư thế của bạn. Đầu tiên đứng thẳng, nhấc chân trái lên để đùi song song với mặt đất, giữ tư thế này trong 15 giây, sau đó từ từ hạ chân xuống. Làm tương tự với chân phải.

Bài tập này giúp bạn nhận thức được làm thế nào để giữ thẳng người và bạn phải thay đổi phía nào để giữ thăng bằng. Hầu hết mọi người đều cảm thấy hai bên không như nhau. Một bên thường có một sự cân bằng tốt hơn. Tùy thuộc vào tư thế của bạn lệch như thế nào, bạn sẽ biết những gì bạn cần làm để giữ được thăng bằng.

2. Hai lần một ngày

Hãy kiểm tra độ thẳng lưng của bạn bằng cách dựa người (xương chậu, lưng và đầu của bạn) vào tường để chúng được thẳng. Áp đầu vào tường và không nhìn lên (không nâng cầm lên), nhưng nếu cổ cứng lên khi bạn cố gắng làm điều đó, thì đó là giới hạn của bạn. Đừng cố gắng để vượt qua, từ từ rồi mọi thứ sẽ thay đổi và đây là điều mà bạn cần phải cải thiện.

3. Mỗi ngày một lần

Hãy chú ý xem chuyển động của bạn bằng cách ngồi trên một quả bóng tập rồi di chuyển cơ thể theo ba chiều mà vẫn giữ thăng bằng. Hãy tìm ra những điểm yếu trong chuỗi vận động này khi bạn chuyển động chậm. Cụ thể, để nhận biết được những bất đối xứng của cơ thể dễ hơn, bạn nên sử dụng một bức tường và tập di chuyển trên quả bóng.

thoi quen 3
(Ảnh: Shutterstock)

Epoch Times: Chức năng của quả bóng trong các bài tập về tư thế này là gì và ông nghĩ sao về việc dùng một quả bóng như vậy làm ghế để ngồi khi làm việc?

Tiến sĩ Weiniger:

Quả bóng di chuyển trong không gian ba chiều và ý tưởng của tôi ở đây là làm cơ thể di chuyển theo mọi hướng. Khi bạn ngồi cân đối trên một quả bóng, bạn có thể giữ được thăng bằng. Nếu ngồi trên đó không cân đối, bạn sẽ ngã, và cơ thể của bạn sẽ phản ứng để duy trì tư thế và sự cân bằng của bạn. Điều này buộc bạn phải sử dụng cơ bắp có tính toán và nhận biết được khi cơ thể mất cân bằng để sửa lại.

Vấn đề ở đây đó là đôi khi những quả bóng bạn lựa chọn quá nhỏ. Khi bạn ngồi trên một quả bóng, hãy tìm cách để hông ở phía trên đầu gối. Nếu hông thấp hơn đầu gối, hông bị gập trong một tư thế co ngắn lại.

Mọi người thường cúi khi ngồi, và điều này sẽ rất có hại nếu uốn cong hơn 90 độ. Cách tốt nhất là ngồi ở mép cạnh ở phần trên quả bóng.

Nếu quả bóng của bạn đủ lớn và bạn có một cái bàn cao thì việc dùng quả bóng khi ngồi là rất lý tưởng.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh

Xuân Hà biên dịch