Dạy trẻ về lòng trắc ẩn…

Hàng ngày cha mẹ thường dạy con mình phải ngoan, lễ phép với người lớn, chăm chỉ học hành… Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ sẽ dạy cho con mình về lòng trắc ẩn, thương người?

Lòng trắc ẩn, thương người là sự mở lòng, là sự cảm thông giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn hơn mình, là tự đặt mình vào vị trí của họ để cảm nhận được sự khó khăn, nỗi đau, sự bất hạnh mà họ phải chịu đựng. Đây là một lối sống đẹp mà mỗi chúng ta cần hướng tới, nhất là với cuộc sống hiện đại ngày nay khi mà lối sống vội, sống gấp khiến người ta dễ thờ ơ, vô cảm với mọi thứ.

Để bé yêu của bạn trở thành một người tốt, người có ích thì ngay lúc này bạn phải dạy cho con lòng trắc ẩn, thương người. Đừng nghĩ rằng bé còn quá nhỏ để học điều này, hãy bắt đầu dạy trẻ từ những điều nhỏ nhất.

1. Bạn phải là tấm gương để con noi theo

Gia đình luôn đóng vai trò quan trọng trong việc dạy dỗ và hình thành nhân cách ở trẻ. Vì vậy, khi muốn dạy con lòng trắc ẩn, thương người thì bản thân cha mẹ phải là tấm gương để trẻ noi theo. Khi bé được nhìn thấy việc bạn giúp một đứa trẻ bị lạc trong siêu thị tìm được người thân hay một cử chỉ giúp một bà cụ qua đường… Tất nhiên bạn cũng đừng quên phân tích cho bé hiểu vì sao chúng ta nên làm những việc đó, chúng sẽ cảm phục và cố gắng noi theo.

2. Học từ truyện, phim, chương trình trên tivi

Tấm gương về những người tốt, việc tốt được phản ánh rất nhiều qua những câu chuyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, qua phim ảnh hay những chương trình thực tế trên ti vi.

Mỗi tối trước khi đi ngủ hãy đọc cho bé nghe một cuốn truyện giàu tính nhân văn, hỏi con xem hành động nào tốt đáng được khen ngợi và noi theo, hành động nào xấu đáng bị phê phán và trừng phạt. Điều này giúp bé phân biệt được tốt – xấu, đúng – sai, những nhân vật tốt bụng luôn giúp đỡ những người nghèo khổ, bất hạnh sẽ là thần tượng để bé noi theo.

Ngoài ra hãy cùng con xem những chương trình nhân đạo trên ti vi, với người thực việc thực. Bé sẽ thấy có biết bao người đã và đang làm việc tốt, mang đến cho người nghèo một mái nhà ấm áp, một chút tiền để giúp họ vượt qua khó khăn, những gói mì giúp ai đó đỡ đói lòng… Trẻ cũng sẽ cảm nhận được những nỗi đau, mất mát mà có biết bao người phải chịu đựng và đang rất cần mọi người chung tay giúp đỡ… Điều này sẽ khơi dậy ở trẻ lòng trắc ẩn, thương người.

3. Hướng con chú ý đến những hành động tốt diễn ra hàng ngày

Cha mẹ hãy hướng con chú ý đến những hành động tốt bụng của mọi người đang diễn ra hàng ngày trong cuộc sống, như việc nhường ghế cho người già, trẻ em, người tàn tật khi đi trên xe buýt, nâng người khác dậy khi họ ngã, dắt người già qua đường… và không quên nói với chúng những hành động nhỏ đó có ý nghĩa như thế nào.

Bên cạnh đó cũng sẽ có những hành động thờ ơ, vô cảm mà trẻ sẽ không khỏi băn khoăn. Chẳng hạn bé thấy mẹ nhường ghế cho một người tàn tật khi đi trên xe buýt, bé có thể hỏi “Sao mẹ lại phải nhường ghế cho bác ấy trong khi mấy anh kia đâu có nhường đâu?”. Bạn có thể ân cần nói với trẻ: “Con không nên nghĩ vậy, mẹ rất vui và hạnh phúc khi được giúp đỡ bác ấy, mẹ chắc rằng một ngày nào đó các anh cũng sẽ hành động như mẹ nếu hôm nay thấy được việc tốt của mẹ con mình”.

4. Cổ vũ trẻ hòa đồng với các bạn trong lớp

Lớp học là một xã hội thu nhỏ đầu tiên mà con tiếp cận. Hãy khuyến khích con hòa đồng với các bạn trong lớp, kể cả những bạn đặc biệt khó khăn, dị tật, khiếm khuyết. Điều này giúp trẻ luyện thói quen không phân biệt giàu nghèo, sang hèn và cảm thông, giúp đỡ những người xung quanh.

5. Tán dương lòng tốt ở trẻ

Khi con có những việc làm tốt như: viết thư thăm hỏi, động viên một bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn; quyên góp bút bi, tập vở, để dành tiền mẹ cho tiêu vặt hàng ngày để ủng hộ những vùng thiên tai lũ lụt… Đây là việc làm thiết thực, giàu ý nghĩa, nó chứng tỏ con bạn đang trưởng thành. Để nuôi dưỡng lòng trắc ẩn, thương người ở trẻ, bạn nên khen ngợi và khuyến khích bằng những viên kẹo, nụ cười, những cái ôm hôn, những món quà nhỏ kèm theo những lời nhắn “con thật tuyệt, hãy luôn yêu thương và giúp đỡ mọi người nhé, ba mẹ tự hào về con”.

6. Kịp thời giải thích khi con sai

Một số trẻ có thể không thiện cảm khi bắt gặp hình ảnh những người ăn xin, những người nằm ngủ trên hè phố… Bé có thể hỏi: “Sao bà cụ mặc đồ xấu vậy mẹ?”, “Sao bác ấy nằm ngủ trên hè phố bẩn thế kia?”. Điều này không phải con là đứa trẻ xấu mà con bạn đang trong quá trình phát nhân cách, chúng cần cha mẹ giải thích đâu là đúng, đâu là sai. Bạn nên nhẹ nhàng nói với bé “Họ rất nghèo nên không có quần áo đẹp để mặc, không có nhà để ở, hoàn cảnh của họ đáng thương, rất cần có sự giúp đỡ của những người xung quanh”.

7. Khuyến khích trẻ tham gia hoạt động từ thiện

Để trẻ có cơ hội tham gia những hoạt động từ thiện nho nhỏ ở trường như quyên góp sách báo cũ, quần áo cũ cho trẻ em các vùng gặp khó khăn. Nếu có điều kiện hãy cho trẻ tới thăm trẻ tật nguyền, trẻ em chất độc da cam, trẻ em mồ côi để dạy cho trẻ có lòng trắc ẩn.

Khi tâm hồn trẻ đã rộng mở để rung cảm với những người gặp khó khăn, bất hạnh, kém may mắn hơn mình và bắt đầu có hành động cụ thể giúp đỡ họ thì điều đó cũng có nghĩa rằng rằng lòng trắc ẩn, thương người ở trẻ đang bắt đầu đơm hoa kết trái.

Nguồn: Sống đẹp