Sọc Breton: tình yêu và nguồn cảm hứng chưa bao giờ cạn của thời trang Pháp

Nếu như caro Tartan là mẫu pattern mang đậm bản sắc văn hóa của những quý ông Scotland trong chiếc váy kilts truyền thống thì áo breton mũ beret có thể xem là một công thức ‘timeless’ của phong cách thời trang Pháp điển hình.

Những chiếc áo sọc breton đã lướt trên gợn sóng cùng những người lính hải quân Pháp, đồng thời mang trên mình một câu chuyện dài về lịch sử hàng hải của các vùng biển Brittany và Normanday xinh đẹp của đất nước này. Theo các tài liệu và tranh vẽ khảo cổ, những chiếc áo sọc thủy thủ đã xuất hiện từ cuối thế kỷ XVIII, cho đến khi hợp thức hóa thành một loại quân phục của lính thủy vào giữa thế kỷ XIX. Vẻ đẹp cổ điển của motif kẻ sọc xanh trắng đã gắn bó với lịch sử thời trang Pháp, nuôi dưỡng tâm hồn và nguồn cảm hứng lãng mạn của các nhà thời trang danh tiếng hàng đầu thế giới.

Mang tính biểu tượng

Ngày 27/3/1858, chính phủ Pháp chính thức quy định một loại áo dệt kim sọc xanh – trắng trở thành đồng phục cho hải quân đóng tại vùng biển Brittany. Giới thời trang Pháp về sau xem đó là mốc thời gian đánh dấu sự ra đời của áo breton (hay còn gọi là marinière). Từ một loại thường phục của quân đội và những người ngư dân ở vùng cảng biển, kiểu áo sọc breton với 2 màu sọc xanh – trắng đã đi vào cảm thức thẩm mỹ và trở thành niềm tự hào của người Pháp.

French sailor serving cocktails at an officers’ party, 1951. Photo by Nat farbman.

Mẫu áo breton cổ thuyền truyền thống được sản xuất dành riêng cho hải quân Pháp đòi hỏi những yêu cầu nghiêm ngặt. Thân áo trước sau được quy định phải gồm 21 sọc trắng, 20 hoặc 21 sọc xanh navy, độ dày của sọc trắng gấp đôi so với sọc xanh, cụ thể sọc xanh có độ dày 10 cm (0.4 inch) và như thế, sọc trắng dày 2 cm (0.8 inch); ngoài ra tay áo có chiều dài bằng 3/4 so với chiều dài thân áo, quy định gồm 14 sọc xanh navy. Ngày nay, áo sọc breton vẫn được sử dụng như một loại đồng phục mặc lót của hải quân Pháp, các đặc điểm chi tiết có thể có thay đổi tuy nhiên vẫn tuân theo những quy định cơ bản ban đầu. Ngoài nước Pháp, nhiều quốc gia khác cũng sử dụng đồng phục hải quân tương tự về kiểu dáng, nhưng về màu sắc, chất liệu và quy định độ dày của các đường sọc sẽ có những tiêu chí riêng.

Gabrielle ‘coco’ chanel (1883-1971)

Công ty Saint James, có trụ sở tại Mont Saint-Michel (vùng hạ Normany), ra đời từ năm 1889, là một trong những nhà sản xuất áo breton hàng đầu nước Pháp. Có nguồn gốc cổ xưa từ thế kỷ XII, Saint-James là một ngôi làng chăn cừu lấy sợi được hình thành tại vùng vịnh Mont Saint-Michel. Các sản phẩm quần áo, mũ và những phụ kiện đi biển khác được đan bằng sợi lông cừu, giúp giữ ấm cho thủy thủ và ngư dân địa phương.

Đến giữa thế kỷ XIX, công ty Saint James ra đời như một thương hiệu có truyền thống hàng trăm năm tuổi từ ngôi làng đan dệt này. Đến nay, áo len ngư phủ (fisherman sweater) và áo sọc thủy thủ (breton striped hay striped sailor) là một trong những mặt hàng thời trang mang tính di sản của thương hiệu. Bước sang thế kỷ XX, ngoài Saint James, áo breton cũng tiếp tục là dòng sản phẩm cốt lõi của các nhà sản xuất lâu đời khác tại Pháp, gồm Petit Bateau (1920), Armour Lux (1938) và Orcival (1939).

Breton in love

Người Pháp lần đầu biết đến “thời đại Coco Chanel” tính từ năm 1910 khi cửa hàng mũ của bà mở ra tại số 21 Rue Cambon, Paris. Tuy nhiên, đến khi Coco Chanel ra mắt một cửa hàng thời trang trên phố Gontaut-Biron (Deauville) vào năm 1913, phong cách thời trang Pháp mới dần dần bước sang một trang mới. Tại đây, Coco Chanel đã bộc lộ tài năng và gu thẩm mỹ tinh tế của mình, các món hàng thời trang tại cửa hàng ở Deauville phản ánh sâu sắc một xã hội đang thay đổi, đồng thời thay đổi lịch sử thời trang của phụ nữ Pháp và cả thế giới. Coco Chanel đã sáng tạo ra một loại trang phục mới: phong cách thể thao, tiện dụng, thoải mái và trang nhã; lấy cảm hứng từ những chuyến đi nghỉ mát ở vùng biển bắc. Kiểu áo sọc xanh navy – trắng mà những người thủy thủ và ngư dân bản địa ở vùng hải cảng thường mặc, qua đôi mắt thời trang thiên phú của Coco Chanel, sử dụng vải jersey và được thiết kế lại cho vừa vặn, trở thành một loại trang phục ngày thường rất được phụ nữ Paris yêu thích, được gọi tên là Navy Style hay Sailor Style. NTK Karl Lagerfield – người nắm giữ linh hồn của nhà Chanel, cũng thường xuyên gợi lại nguồn cảm hứng breton của Coco Chanel, đặc biệt được nhớ đến nhiều nhất là BST Cruise 2010.

Trong bộ phim “Coco Before Chanel”, nữ diễn viên Audrey Tautou tái hiện lại hình ảnh Coco Chanel trong chiếc áo sọc Breton mang tính biểu tượng.

Từ biển cả được mang về Paris phồn hoa đô hội. Từ một loại trang phục của nam giới, đặc biệt còn là đồng phục quân đội hay một loại quần áo bình dị của những người ngư dân, thủy thủ. Kiểu áo sọc breton dần phổ biến thành một món hàng thời trang thượng lưu, được những người giàu có và nghệ sỹ ở Pháp ưa mặc như một loại trang phục sang trọng thường nhật. Những năm 1940, loại áo len sọc breton rất thường được mặc bởi những nhân vật có tiếng tăm như danh họa Pablo Picasso, họa sĩ Pháp gốc Nhật Léonard T. Foujita, nhà văn – nhà thiết kế Jean Cocteau, nhà làm phim John Wayne, nam diễn viên Marcel Marceau, nghệ sỹ Andy Warhol và cả các nữ diễn viên nổi tiếng như Marilyn Monroe, Audrey Hepburn, Brigitte Bardot,…

Audrey Hepburn

Kiểu áo sọc thủy thủ giản dị này lần đầu tiên được đưa đến Hollywood trong bộ phim The Wild One (1953). Trong thập niên 50, motif sọc breton tiếp tục góp mặt trong các bộ phim như Rebel Without a Cause (1955), To Catch a Thief (1955), và Funny Face (1956) với sự tham gia của Audrey Hepburn và vũ công Fred Astaire trong chiếc áo breton kiểu truyền thống.

British actress Audrey Hepburn (Audrey kathleen ruston) dancing in the film funny face. Paris, 1956

Đến thập niên 60, sau sự xuất hiện đầy quyến rũ của nữ diễn viên Jean Seberg (1938 – 1979) với chiếc áo sọc breton trong phim Breathless (1960), motif sọc sang trọng này quay trở lại thường xuyên và là nguồn cảm hứng bay bổng không dứt của các NTK thời trang. Sau khi rời quân ngũ và thành lập nhà thời trang riêng của mình vào năm 1962, Yves Saint Laurent đã thiết kế mẫu đầm sequin lấy cảm hứng từ sọc breton cho BST cao cấp của mình, được mặc bởi nữ diễn viên người Pháp Catherine Deneuve tại Cannes Film Festival năm 1966.

Kurt cobain

Brigitte Bardot on a Ferrari, 1960

NTK Jean Paul Gaultier – người mang trong mình một tình yêu lớn đối với motif sọc breton vốn chất chứa phong vị biển cả lãng mạn của nước Pháp. Kể từ những năm 1980, nguồn cảm hứng này có thể nói xuất hiện cùng ông trong mọi hình thức, từ phong cách cá nhân đến runway, từ thời trang đến nội thất. Giới thời trang nhắc đến NTK Gaultier và sọc breton, phải kể đến BST Boy Toy vào năm 1983, BST Haute Couture Xuân Hè năm 2000 và gần đây nhất là các mùa Haute Couture Xuân Hè 2011 và Thu Đông 2015. Không chỉ bày tỏ tình yêu breton trên các mẫu trang phục, Jean-Paul Gaultier còn đưa motif sọc ngang xanh – trắng này lên lọ nước hoa Le Male “men body” đầy gợi cảm của mình.

Thiết kế của Jean Paul Gaultier

Vào những năm 2000, NTK Kenzo Takada đã mang đến một sự kết hợp độc đáo giữa sọc breton với những chấm polka, làm phất lên một làn gió mới cho mẫu pattern đậm tính cổ điển này. Nhiều năm sau, sọc breton vẫn chưa bao giờ trở nên nhàm chán với bộ óc nghệ thuật đáng ngưỡng mộ của NTK gốc Nhật. Ngày nay, đôi bạn NTK người Hồng Kông – Humberto Leon và Carol Lim, trong vai trò giám đốc sáng tạo của thương hiệu Kenzo, đã giới thiệu BST Resort 2015 mang đậm cảm hứng “giao hưởng breton” của nhà sáng lập Kenzo Takada.

Một thiết kế lấy cảm hứng từ kẻ sọc thủy thủ của nhà thiết kế Jean Paul Gaultier

Không chỉ gắn kết trong trái tim và khối óc của những nhà thời trang Pháp, motif kẻ sọc thủy thủ cũng rất được các NTK và tín đồ thời trang trên khắp thế giới yêu mến, từ Milan đến New York, từ Prada, Dolce & Gabbana đến Michael Kors. Năm 2011, Nike được ủy thác thiết kế đồng phục cho đội tuyển bóng đá quốc gia Pháp, lấy cảm hứng từ kiểu áo sọc breton đặc trưng bản sắc của thời trang Pháp. Jenna Lyons – cựu giám đốc sáng tạo kiêm chủ tịch của tập đoàn bán lẻ đa quốc gia J.Crew (2008 – 2010) cũng là một người say mê những đường kẻ sọc xanh trắng. Và vì thế, sọc breton và những biến kiểu kẻ sọc khác được xem là một phần DNA của thời trang J.Crew. Năm 2017 vừa qua, dưới sự lãnh đạo của NTK Somsack Sikhounmuong, kế thừa “tinh thần breton” của Jenna Lyons, J.Crew quy ước 31/3 trở thành National Stripes Day của thương hiệu.

Năm 2018, sọc breton và tình yêu nước Pháp, tinh thần tiên phong vì nữ quyền của các nhà thời trang hàng đầu thế giới đã được gợi nhắc. NTK Maria Grazia Chiuri đã thổi bùng cảm hứng breton tại Dior ready-to-wear Xuân Hè 2018, đồng thời viết xuống một lời tuyên ngôn mạnh mẽ cho thời đại mới của nhà Dior.

Dior 2018

Breton chính là một biểu tượng tiêu biểu của thời trang “timeless”.

Chiêm ngưỡng BST Xuân Hè 2018 của Kenzo, có thể nhận thấy Humberto Leon và Carol Lim đang không ngừng thăng hoa trong nguồn cảm hứng thị giác bất tận của những đường kẻ sọc, cùng với cuộc phiêu lưu màu sắc và hiệu ứng hình học. Trong cả hai show thời trang nam và nữ Xuân Hè 2018 của Balmain, áo breton, sọc thủy thủ cũng như các kiểu kẻ sọc được nhắc đi nhắc lại thật đậm nét, và chiếc áo cổ chữ V sequin sọc đen trắng tạo nên một sự hồi tưởng mạnh mẽ đến chiếc đầm của Yves Saint Laurent năm 1966. Có thể nói, breton đã và đang không quay trở lại như một xu hướng có vai trò mờ nhạt, không còn những quy định nhất mực về số đường sọc xanh sọc trắng, hay chỉ nằm gói gọn trong hải phận nước Pháp. Breton chính là một biểu tượng tiêu biểu của thời trang “timeless”.

Nguồn : style-republik