Shinrin-Yoku – Nghệ thuật tắm rừng của người Nhật Bản

Vào lúc 9h00, thứ Bảy ngày 10/08/2019 tại Đường sách Tp.Hồ Chí Minh, Thái Hà Books kết hợp với Doanh nghiệp Xã hội Forest Link sẽ tổ chức buổi giao lưu về chủ đề: Shinrin-Youku – Nghệ thuật tắm rừng của người Nhật, với sự chia sẻ của chị Nguyễn Thị Vân – Co-founder DNXH Forest Link vừa trải qua khóa đào tạo tại Nhật Bản về tắm rừng của thầy Qing Li.

Trồng rừng, phòng chống cháy rừng luôn là khẩu hiệu được tất cả chúng ta nêu cao, nhưng trong tháng 7 vừa qua những đám cháy liên tục xảy ra tại Hà Tĩnh, Đà Nẵng… nó như hồi chuông cảnh báo về môi trường sống đang bị đe dọa.

Từ hàng thiên niên kỷ trước, chúng ta đã biết việc hòa mình với thiên nhiên đem lại cảm giác dễ chịu đến nhường nào. Âm thanh của rừng, mùi thơm của cây, không khí mát lành, ánh nắng lấp ló qua tán lá ‒ tất cả đều mang lại cảm giác khoan khoái, giúp chúng ta giải tỏa lo âu căng thẳng, thư giãn và suy nghĩ thông suốt hơn. Khi hòa mình với thiên nhiên, chúng ta có thể điều hòa tâm trạng, hồi phục năng lượng, trở nên tỉnh táo và dồi dào sinh lực.

Tại Nhật Bản vào năm 1982 khi Bộ Lâm nghiệp nước này cho ra đời cụm từ Shinrin-yoku, một thuật ngữ chỉ việc “đắm mình vào không gian rừng” hay “tắm rừng”. Shinrin-yoku có nghĩa là tắm trong môi trường rừng, hay đắm mình vào không gian rừng bằng mọi giác quan. Đây không phải là bài tập thể dục đi bộ hay chạy bộ đường dài. Chỉ đơn giản là đón nhận và kết nối với thiên nhiên bằng thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác và xúc giác. Ở trong nhà, chúng ta thường chỉ sử dụng hai giác quan, mắt và tai. Ngoài trời là nơi chúng ta có thể hít ngửi mùi hoa, thưởng thức không khí trong lành, ngắm nhìn cây lá thay màu, lắng nghe tiếng chim hót và cảm nhận cái se lạnh mơn trớn trên làn da. Và khi các giác quan được mở ra, chúng ta bắt đầu kết nối với thế giới tự nhiên.

Từ năm 2004 đến năm 2012, Nhật Bản đã chi khoảng 4 triệu USD để nghiên cứu các ảnh hưởng về sinh lý và tâm lý của liệu pháp “tắm rừng” đối với sức khỏe con người. Giáo sư Qing Li, trường Y khoa Nippon ở Tokyo đã đo hoạt động của những tế bào sát thủ tự nhiên NK (Natural killer cells) trong hệ miễn dịch trước và sau khi tiếp xúc với rừng. NK là một loại tế bào Lympho thực hiện công việc quan trong của hệ miễn dịch là phát hiện và phá hủy các tế bào khối u và vi khuẩn, virus trước khi chúng sinh sản và phát tán, qua đó bảo vệ cơ thể không bị các bệnh mãn tính và thoái hóa, cũng như các khối u.

Giáo sư Qing Li đã tổng hợp và viết nên cuốn sách “Shinrin Yoku – Nghệ thuật tắm rừng của người Nhật” để các bạn hiểu rõ hơn về phương pháp “tắm rừng” này. Cuốn sách đã được Thái Hà Books dịch và xuất bản tại Việt Nam trong tháng 6/2019.

Theo: Phongcachphaidep