Những tuyệt tác điện ảnh đáng xem nhất năm 2017

Với nội dung sâu sắc được truyền tải qua những thước ảnh đẹp mang đậm tính nghệ thuật, dưới đây là những bộ phim đáng xem nhất năm 2017.

Force Majeure

Đối với những cuộc hôn nhân đang nằm trên bờ vực rạn nứt, chỉ cần một sự cố đột ngột cũng có thể làm mọi thứ vỡ vụn. Đó là một thực tại phũ phàng được soi rọi dưới ống kính điện ảnh trong bộ phim thứ tư của đạo diễn Thụy Điển Ruben Ostlund, Force Majeure. Bộ phim xen lẫn nhiều yếu tố hài hước và đen tối này đã gói gọn nhiều bi kịch gia đình và định kiến giới tính, cũng như mặt tối trong bản năng con người.

Có thể, tình huống trong phim chỉ là một phép thử. Nhưng phép thử ấy, mang đến hệ quả đau đớn với cái giá quá đắt. Trận lở tuyết – bước ngoặt trong “gia đình mẫu mực” của Tomas đã xảy ra, đe doạ mạng sống của cả gia đình. Và trong tình huống ấy, người chồng, người cha đó đã thất bại rõ ràng. Thay vì cố gắng che chở vợ và con, người ấy đã bỏ chạy, nhưng không quên chiếc điện thoại thông minh anh luôn mang bên mình.

Sau thảm hoạ, một vài nhân vật khác cố gắng biện hộ cho anh. “Trong những tình thế như vậy, chúng ta không phải lúc nào cũng nhận thức được mình đang làm gì”. “Bạn sẽ chỉ cố gắng để sống sót mà thôi.” Nhưng những lời bào chữa ấy không thể làm hài lòng Aristotle. Nếu quay ngược lại vài trăm năm lịch sử, hẳn nhà triết gia vĩ đại ấy sẽ nói rằng ngay trong giây phút đó, Tomas đã bộc lộ nhân cách của chính mình.

Điều khiến Force Majeure vượt khỏi giới hạn của một bộ phim về khủng hoảng trong đời sống gia đình, chính là sự thể hiện sâu sắc về nền văn minh hiện đại, nơi con người ngày càng tin rằng họ có khả năng kiểm soát được tự nhiên. Nhưng còn bản chất tự nhiên của con người thì sao? Dù có am hiểu và kiểm soát tốt công nghệ đến mức nào, trong mỗi chúng ta đều có những bản thể điên rồ vượt quá tầm với của ngôn ngữ để giải thích hay là giải quyết được.

Loveless

Nếu như có từ gì chính xác nhất để mô tả về bộ phim mới của đạo diễn người Nga Andrei Zvyagitsev, thì đó chính là “bi kịch của cuộc sống hiện đại”. Vâng, bi kịch này dù chỉ xảy ra theo một chiều tuyến tính, nhưng bộ phim đã nói lên nhiều hơn về các sự thối nát trong xã hội chúng ta, về sự trống rỗng của một thế giới với không yêu cầu gì hơn ngoài vị thế, bạc tiền, cũng như những đặc quyền của truyền thông xã hội.

Bộ phim không hẳn là sự phê bình tàn nhẫn với nước Nga hiện đại, theo cách mà chuyên gia Mỹ và phương Tây đã vội vã kết luận. Đó chính là một câu chuyện buồn của tất cả chúng ta; một thế giới trống rỗng tình yêu đã mất đi cái nhìn về những gì thật sự quan trọng; nơi không hề có sự hỗ trợ từ những người xung quanh; hay tình yêu bình yên của một đứa trẻ.

Với Loveless, đạo diễn Andrei Zvyagitsev lại một lần nữa thành công (như với Levianthan và Elena) khi đi sâu vào những giá trị tinh thần trong đời sống trung lưu của nước Nga, để khắc hoạ lại khung cảnh gia đình Boris và Zhenya. Cuộc hôn nhân của gia đình ấy đã chạm đến điểm cuối cùng mà không hề có cách nào cứu vãn. Không ai hiểu điều này rõ hơn Alyosha, đứa con trai độc nhất của họ mới lên 12 tuổi, một đứa trẻ đã giấu nhẹm nụ cười đằng sau chiếc máy tính.

Khi Alyosha biến mất không để lại dấu vết; cặp cha mẹ lại tìm đến với nhau trong cuộc kiếm tìm tuyệt vọng. Nhưng không, Loveless không phải là bộ phim giúp Alyosha mang cha mẹ mình xích lại gần nhau hơn. Điều mà bộ phim muốn nói lên, theo cách rất mạnh mẽ đầy thẳng thắn; là một điều còn lớn hơn tàn tro của một cuộc hôn nhân lụi tàn.

L’Atelier

So với tác phẩm Entre les murs từng đoạt giải Cành cọ Vàng năm 2008; L’Atelier của đạo diễn Laurent Cantet phức tạp và đen tối hơn rất nhiều. Kịch bản bộ phim được thực hiện sau cuộc tấn công Charlie Hebdo; khi đạo diễn bị thôi thúc tạo nên một bộ phim về một cách nhìn mới với thế giới; về những sự tàn bạo mới, với công nghệ Internet; và tất cả thứ hỗn loạn người trẻ đang tiếp nhận. Bộ phim không quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng. Tất cả những gì xảy ra trên phim, chỉ là những cảnh quay rất thật với những người trẻ tuổi tự thể hiện câu chữ và lời thoại của chính mình.

L’Atelier là bộ phim rất thật, không chỉ bởi những yếu tố diễn xuất ấy; mà còn vì đó là sự phản ánh chính xác về thế hệ trẻ của thời đại chúng ta. “Rất nhiều người trong số chúng cảm thấy bị ruồng bỏ; bị để lại với thiết bị công nghệ; bị cô lập trong cộng đồng của chính chúng. Và tôi muốn lắng nghe chúng, để mang đến cho chúng một không gian được bày tỏ chính mình. Tôi nghĩ rằng sự hiện diện của chúng ta ở đó là vô cùng cấp bách; để mang đến cho chúng một cơ hội được chứng minh bản thân.” Laurent Cantet nói trong một cuộc phỏng vấn.

L’Atelier là bộ phim đen tối; nhưng không phải theo cách mà các bộ phim kinh dị hay bạo lực thể hiện. Điều đáng sợ nhất trong phim chính là nhân vật Antoine. Cậu bé ấy không chỉ có một căn tính bạo lực; mà cậu cũng đồng thời là cậu bé rất ngoan. Những gì sắp xảy ra với cậu thật sự khiến người ta suy nghĩ. Nhưng đến phút cuối cùng, âm hưởng lạc quan mà bộ phim mang lại đã chứng minh một sự thật bất hủ: lời nói đôi khi có sức mạnh còn lớn lao hơn nhiều so với bất cứ loại vũ khí nào.

Three Billboards Outside Ebbing, Missouri

Với Three Billboards Outside Ebbing, Missouri, nữ diễn viên Frances McDormand đã hơn một lần làm người xem rơi nước mắt, khi lột trần cảm giác của nỗi đau tột cùng. Những khung cảnh ấy, được khắc hoạ quanh các cuộc chạm trán giữa cô – một người mẹ gai góc và khắc khổ có con gái bị hãm hiếp và giết hại dã man; cùng Willoughby, tay cảnh sát vốn chất chứa nhiều bi kịch cuộc sống.

Như Nam Cao từng thể hiện, “khi người ta quá khổ rồi, người ta sẽ không thấy cái khổ của người khác”. Ở đây, nhân vật Mildred cũng vậy. Bà cho thuê ba tấm bảng lớn để tấn công vào sai lầm của cảnh sát trong việc xử lý vụ án con gái mình. Bà dùng nó vuốt ve và đóng kín trái tim. Kín đáo đến nỗi không thể thấy được nỗi đau của một người nào khác. Chỉ đến khi nhận ra Willoughby cũng nắm giữ trong mình không hề ít bi kịch; bà mới loạng choạng đau đớn để nhìn anh như thể lần đầu tiên gặp mặt. Bà bị sốc, và người xem cũng vậy.

Nỗi đau đớn của những người khác nhau luôn ám ảnh Three Billboards; ít nhất là bất cứ khi nào tác giả – đạo diễn Martin McDonagh cho phép. Vốn được biết đến như là một nghệ sĩ của nỗi đau; chuyên khắc hoạ lại những bạo lực vô lý; những nụ cười tàn nhẫn và những cú sốc đớn đau; ông đã làm lại điều tương tự trong bộ phim gần đây, Seven Psychopaths; về một nhà biên kịch đã cạn kiệt sáng tạo. Bộ phim không có gì nhiều hơn ngoài một con thỏ; những chú chó bị đánh cắp; những gã trai cầm súng; cùng các câu chuyện phiếm tốt đẹp có, mà độc địa cũng có.

Nhưng Three Billboards lại tham vọng hơn thế. Cũng giống như Seven Psychopaths hay các bộ phim trước của McDonagh; nó có đầy những lời nói thô tục; súng; và những gã đàn ông sống như thể súc vật. Nó là sự chuyển hoá không ngừng nghỉ và cũng không khiên cưỡng các yếu tố hài kịch – bi kịch (nét đặc sắc trong phim McDonagh) để hoà lẫn chút yếu tố châm biếm vào các cuộc xung đột. Điểm đặc biệt ở Three Billboards, là thay vì để các nhân vật lột tả đến tận cùng thái độ sống của mình, đạo diễn đã khéo léo sắp đặt sự xoay chuyển tình huống để câu chuyện trở thành một ẩn dụ bao quát.

Loving Vincent

Trong cuộc sống, đôi lúc ta sẽ bị cuốn vào những cuộc hành trình bất định để tìm lại chính mình. Cách dẫn dắt mang đậm chất Patrick Modiano ấy, giờ đây đã được khắc hoạ tròn trịa với Loving Vincent. Theo lời thỉnh cầu từ cha Roulin; anh chàng Armand đã lần lượt tìm về những nơi chốn từng in dấu Vincent; để đưa lại lá thư cuối cùng mà ông viết cho em trai của ông.

Và cuộc hành trình ấy kéo dài hơn mọi điều Armand đã hình dung; để đến lúc nào đó, nó đột nhiên trở thành cuộc hành trình của anh; để lật lại sự thật về cái chết của Vincent. Ông đã tự sát hay bị sát hại bởi gã trai René? Câu hỏi ấy, đến cuối phim, vẫn chưa giải đáp được. Duy chỉ còn nỗi trăn trở của Armand về cuộc sống và thân phận kiếp người vẫn tồn tại ở đó. Đau đớn, dằn vặt và ám ảnh.

Không chỉ là câu chuyện tĩnh lặng về triết lý nhân sinh; bộ phim còn là một kiệt tác nghệ thuật khi từng thước ảnh đều là một bức tranh đẹp đẽ. Được phối hợp thực hiện bởi 115 hoạ sĩ; 65.000 cảnh phim đều là tranh sơn dầu thực hiện trên canvas; sử dụng kỹ thuật tương tự tranh Van Gogh. Ở đó, những kiệt tác lớn nhất trong cuộc đời Van Gogh cũng được tái hiện lại, chân thực, đầy xúc cảm.

Theo : bazaarvietnam.vn