Những sai lầm với đồ nội thất da

Đồ nội thất da phổ biến trong mọi gia đình nhưng đôi khi bạn có thể làm hỏng chúng mà không hề hay biết. Nên lưu ý tránh những sai lầm cơ bản sau.

Đặt đồ da dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp hay gần nguồn nhiệt

Việc sắp xếp một món đồ nội thất trong phòng khách thường dựa trên sự thuận tiện và hấp dẫn thị giác. Tuy nhiên, nếu bạn đặt đồ nội thất da gần lò sưởi hoặc ngay chỗ cửa sổ – nơi nắng chiếu vào gay gắt nhất, chúng sẽ rất dễ bị hỏng.

Nhiệt độ cao khiến bề mặt da bị khô, nứt nếu tiếp xúc với nguồn nhiệt lâu dài. Ngoài ra, việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có thể làm phai màu hoặc gây những đốm màu đậm/nhạt hơn phần da còn lại của món đồ nội thất. Trường hợp xấu nhất, mảng da bị khô, nứt bắt đầu trở nên loang rộng ra theo thời gian.

Đặt tạp chí, sách báo in ấn… lên bề mặt da

Khi bạn đặt các loại giấy in (báo giấy chẳng hạn) lên đồ da, mực in có thể ngấm lên bề mặt món đồ nếu bạn để thời gian dài, đặc biệt tờ báo bị ẩm. Khi mực in đã in lên bề mặt da, rất khó để làm sạch, thậm chí gây lem nhem, làm mất thẩm mỹ sản phẩm. Tốt nhất là sau khi đọc sách, báo, bạn đừng vứt trên ghế da, hãy cất đi.

Không lau bụi

Đồ nội thất da cũng cần được làm sạch hàng tuần. Các khe kẽ của bề mặt da có thể là nơi đọng bụi, khiến bề mặt sản phẩm dần giảm độ bóng, sáng, trở nên xỉn mờ, két bẩn. Để bảo quản đồ nội thất da, bạn nên lau sạch sản phẩm tuần một lần bằng khăn vải sợi nhỏ, máy hút bụi cầm tay để tiếp cận các khe, kẽ… Lưu ý không nên dùng hóa chất lau da, vì chúng có thể làm hại bề mặt da của sản phẩm.

Sử dụng chất tẩy rửa sai cách

Các chuyên gia nội thất khuyên bạn nên tránh dùng xà phòng và chất tẩy rửa, thuốc xịt, dầu và chất đánh bóng có thể làm hỏng đồ nội thất bằng da. Nên tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất khi làm vệ sinh bề mặt sản phẩm. Cách tốt nhất vẫn luôn là dùng nước ấm, vải khô sợi nhỏ để lau bề mặt món đồ.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý bạn không nên dùng quá nhiều nước đổ lên bề mặt da để làm sạch nó, bởi lượng nước lớn có thể làm hỏng, mất màu da.

Để thú cưng “nghịch” các món đồ da

Chó mèo rất thích cào móng, cắn đồ da. Do đó, để món đồ nội thất được bền đẹp, bạn tuyệt đối không nên để chó, mèo lại gần.

Ngoài ra, với gia đình có người hút thuốc, nên tránh để tàn thuốc rơi vào bề mặt da hay khói thuốc ám vào lớp da, có thể khiến bề mặt da, đặc biệt nếu là da màu sáng dễ bị xỉn, ố.

Xử lý các vấn đề trên đồ nội thất da thế nào cho đúng cách?

Với vết dầu mỡ

Bạn có thể rắc một chút bột lên khu vực lem dầu mỡ, để vài tiếng đồng hồ cho bột hút sạch dầu mỡ đó, sau đó dùng máy hút bụi cầm tay hút lớp bột. Nên lặp lại quy trình này cho đến khi vết bẩn biến mất hoàn toàn.

Mực

Bạn dùng khăn khô thấm hết lượng mực dư thừa. Sau đó, dùng vải sợi nhỏ, thấm ẩm bằng nước xà phòng rồi xoa nhẹ theo vòng tròn lên bề mặt da bị bẩn. Tuyệt đối không nên dùng các loại thuốc tẩy vì nó sẽ làm hỏng bề mặt da.

Da bị khô

Nếu đồ nội thất bằng da của bạn bị mất độ bóng và có cảm giác cứng và khô, hãy sử dụng một số sản phẩm làm mềm da bán trên thị trường để khôi phục độ mềm mại vốn có. Tuy nhiên, cần làm theo hướng dẫn thay vì đổ lượng không thích hợp, khiến da trở nên hút bụi bẩn và rơi vào tình trạng tệ hơn.

Theo các chuyên gia, bạn có thể sử dụng chất dưỡng cho đồ nội thất da tốt ít nhất sáu tháng một lần để bảo vệ bề mặt không bị nứt.

Da bị mốc

Nếu đồ nội thất da của bạn được đặt trong khu vực có độ ẩm cao, nấm mốc có thể bắt đầu phát triển, gây nên hiện tượng mốc bề mặt da. Vì thế, bạn nên thường xuyên lau chùi để loại bỏ mảng mốc do ẩm ướt hay cặn thức ăn bám lại, giúp ngăn ngừa sự phát triển mạnh của nấm mốc.

Da bị rách

Thật đáng tiếc khi sofa da của bạn bị rách một mảng nhỏ do tai nạn nào đó (vật nhọn chọc vào, thú cưng cắn), khi sofa còn mới. Trong trường hợp này, bạn có thể liên hệ với một số đơn vị hỗ trợ, giúp vá lại chỗ rách, thủng một cách khéo léo bằng một miếng da với màu sắc tương tự và keo dán phù hợp.

Nguồn: VNEXPRESS