Những ngôi nhà Việt ‘lột xác’ trong mùa dịch

Tranh thủ thời gian ở nhà vì giãn cách, các gia chủ biến sân thượng thành vườn xanh, cải tạo ao bùn thành hồ bơi hoặc làm mới không gian sống của mình.

Sân thượng 30 m2 trên căn nhà 5 tầng của gia đình anh Hoàng Long ở Bình Thạnh (TP HCM) ban đầu là chỗ phơi đồ. Do lâu không sử dụng, căn nhà lại xây cách đây gần 20 năm nên sân thượng đã xuống cấp khiến gia chủ nảy ra ý định biến nó thành phòng ngủ.

Quá trình cải tạo sân thượng gồm xây bổ sung vách bao che, lắp cửa sổ ở các ô trống để tạo thành không gian phòng ngủ khép kín, xử lý chống thấm, bố trí toilet. Sau cùng là trang bị nội thất như giường, tủ, bàn ghế, điều hòa, tủ lạnh cho phòng ngủ tiện nghi hơn. “Thời gian cải tạo khoảng một tháng với chi phí 50 triệu đồng”, anh Long tiết lộ.

Chàng trai sinh năm 1993 cho biết thêm trong mùa dịch, anh là người sử dụng căn phòng này. Sau này, anh sẽ cho thuê để tăng nguồn thu cho gia đình.

Với anh Lê Hồng Kiên, mùa dịch là lúc thực hiện kế hoạch cải tạo ao bùn trong ngôi nhà vườn ở Xuân Mai (Hà Nội) thành hồ bơi sinh thái.

Ao rộng 300 m2 nên quá trình cải tạo kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9. Đầu tiên, gia chủ phải tìm được nguồn nước mạch, sau đó kiểm tra nước thấy đạt chuẩn mới làm tiếp.

Tiếp đến là công đoạn hút sạch bùn. “Trước đây, ao này thả súng, bùn nhiều đến cả mét”, anh Kiên kể. Do địa hình, anh Kiên không dùng máy xúc mà sáng chế ra máy hút bùn. Đến lúc ao sạch bùn, gia chủ dùng đá ong xây bờ xung quanh, biến ao thành một bể chứa nước. Cuối cùng, anh đổ cát vàng và sỏi xuống đáy ao, vừa tạo mặt phẳng vừa lọc nước.

Tổng chi phí cải tạo ao khoảng 300 triệu đồng. Trong quá trình làm, để tiết kiệm, anh Kiên gom đá ong cũ mà gia đình khác dỡ nhà vứt đi.

Nhờ bể bơi sinh thái, mùa dịch, anh Kiên vẫn được gần gũi với thiên nhiên. “Nước tự nhiên cũng khác hẳn so với nước bể bơi. Nó trong, mát vào ngày hè và ấm vào ngày đông”, gia chủ chia sẻ.

Tuy vậy, anh Kiên cũng cho biết hồ bơi sinh thái có nhược điểm là dễ trở thành môi trường cho tảo, rêu phát triển nên cần hệ thống lọc. Ngoài ra, gia chủ cũng cần bơm hút tạo sóng, hút nước mặt và thường xuyên vớt lá cây.

Cũng ở Hà Nội, anh Trịnh Tùng biến sân thượng 18 m2 thành khu vườn xanh mướt cho con gái nhỏ bởi trong đợt giãn cách, điều ông bố trẻ lo nhất là em bé thiếu cơ hội khám phá, hoàn thiện kỹ năng.

Với tiêu chí tiết kiệm nhất có thể, anh Tùng tự vẽ tường và đóng đồ gỗ. Nguyên vật liệu tận dụng từ đồ sẵn có hoặc xin thêm, hạn chế mua mới.

Về cây cối, gia chủ lựa chọn những loại có ích như húng chanh chữa ho, tía tô và sả làm gia vị hoặc xông hơi, khoai lang để lấy rau, dọc mùng dùng nấu canh.

Khu vườn hoàn thành với tổng chi phí khoảng hai triệu đồng. Hiện nay, đây không chỉ là chỗ chơi của con gái anh Tùng mà còn trở thành nơi gia đình tụ tập vui đùa, nướng đồ ăn, ngắm trăng sao, thu hoạch rau sạch.

“Đặc biệt, con gái hai tuổi đã biết tưới cây, tự lau rửa đồ chơi và yêu hoa, hòa nhập với thiên nhiên”, anh Tùng nói.

Đôi khi, không cần cải tạo cầu kỳ mà chỉ dọn dẹp cũng đủ làm mới không gian như trường hợp chị Nguyễn Trang ở Hưng Yên.

Có “hai cô công chúa điệu đà”, bản thân cũng thích thời trang, lại chuẩn bị đón thành viên mới, chị Trang từ lâu đã đau đầu vì chỗ để giầy dép. “Tôi chưa bao giờ thống kê số lượng giầy nhưng đoán cả nhà phải sở hữu hơn 200 đôi”, gia chủ nói.

Nhân thời gian rảnh do dịch, chị Trang tìm hiểu phương pháp của Marie Kondo, chuyên gia dọn dẹp người Nhật và quyết định làm theo.

Theo Marie Kondo, mọi đồ đạc đều cần có “nhà” của chúng, tức là những chiếc hộp. Ban đầu, chị Trang tận dụng hộp có sẵn trong nhà nhưng rồi nhận ra hộp đựng giầy cần đủ lớn và đồng bộ nên tự đóng hộp gỗ.

“Việc làm hộp khá dễ, chỉ cần đo đạc chính xác, cắt thẳng và bắn đinh ghép các tấm gỗ vào nhau”, gia chủ kể. Tính trung bình, chi phí mỗi hộp gỗ khoảng 100.000 đồng.

Giờ đây, tủ giầy nhà chị Trang gọn gàng và ít bụi. Mỗi hộp đựng được nhiều giầy, lại dán nhãn riêng nên dễ dàng phân loại và tìm kiếm khi cần. Việc cất giầy trái mùa cũng đơn giản bởi gia chủ chỉ cần di chuyển cả hộp thay vì từng đôi. Giầy ít đi được bọc trong túi thoáng nên không bị bong, mốc. Một số hộp dùng để đựng mũ bảo hiểm, đồ thể thao, đồ thú cưng cùng những thứ lặt vặt khác.

Trào lưu cải tạo nhà mùa dịch không chỉ có ở Việt Nam mà còn xuất hiện ở nước ngoài. “Dân Mỹ tận dụng thời gian được nghỉ làm có lương để sửa sang, sơn phết nhà cửa, làm vườn, cắt cỏ”, chị Trần Nguyễn Anh Phương, nhà thiết kế nội thất định cư ở nam California cho biết.

“Nương theo chiều gió”, gia đình chị Anh Phương bắt tay vào cải tạo một căn phòng bỏ trống trong căn nhà đã ở 15 năm thành phòng ngủ cho khách. “Như vậy, vừa có chỗ sau này cho bạn bè từ xa tới chơi, vừa có thêm nơi để bản thân thư giãn”, gia chủ sinh năm 1984 chia sẻ. Quá trình cải tạo chủ yếu do chị Anh Phương và người bố làm trong lĩnh vực xây dựng thực hiện.

Căn phòng rộng khoảng 15 m2 ban đầu chỉ có bốn vách tường. Muốn không gian thoáng đãng, lãng mạn hơn và gợi nhớ kiến trúc châu Âu, gia chủ mở rộng một phần tường ra bên ngoài làm chỗ ngồi bên cửa sổ. Đây là điều khiến chị Anh Phương ưng ý nhất nhưng cũng là khó khăn lớn nhất bởi mọi công đoạn phải đảm bảo quy chuẩn xây dựng Mỹ.

Sau một tuần thi công, căn phòng trống ngày trước hoàn thiện như một phòng studio, chỉ thiếu bếp. Lối trang trí theo chủ đề động vật, thiên nhiên.

Tổng chi phí cải tạo căn phòng gần 10.000 USD, chủ yếu dành cho đồ decor. Theo gia chủ, nếu không tự làm mà thuê nhân công ngoài, số tiền ít nhất lên tới 20.000 USD.

“Những ngày tháng phong tỏa, bên này cũng buồn thiu. Mình kiếm chuyện làm để tự mua vui mà vẫn thấy có ích. Cầu mong tất cả chúng ta cùng bình an vượt qua cơn đại dịch thế kỷ này”, chị Anh Phương nhắn nhủ.

Nguồn: VNEXPRESS