Người Hà Nội ‘đi chill’ cuối tuần

Sau những ngày bị “trói chân” ở nhà vì giãn cách xã hội, người Hà Nội rủ nhau đổ về các điểm giải trí ở ngoại thành chơi dù lượn, đạp xe hay hái nho để xả stress.

Nguyễn Hồng Thu Trang, 30 tuổi, ở quận Ba Đình hét lớn khi chiếc dù bắt đầu bay lên không trung.

Biết đến trò chơi dù lượn từ khá lâu, nhưng cô bắt đầu quan tâm khi xuất hiện trào lưu “Bay trên mùa vàng” tại Mù Căng Chải, Yên Bái từ năm 2013. Khi được thiệu trải nghiệm bay dù lượn ở ngoại thành Hà Nội, Trang đăng ký ngay. Cô gọi đây là chuyến “đi chill” (chơi vui vẻ, dễ chịu) cuối tuần thích hợp nhất cho thời hậu giãn cách.

Tại Hà Nội, các nhóm tổ chức bay dù lượn nổi lên trong khoảng ba năm gần đây. Đặc biệt sau ngày 21/9, trò này nhận được sự quan tâm lớn. “Lượng người đăng ký bay tăng gấp đôi”, anh Đặng Văn Mỹ, 36 tuổi, trú tại Gia Lâm, quản lý một câu lạc bộ bay dù lượn tại Đồi Bù, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, nói.

Thu Trang trải nghiệm du lượn cùng phi công bay tại Đồi Bù hôm 12/10. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau bốn ngày đăng ký, hôm 12/10 Trang có lịch bay với nhóm của anh Mỹ. Do vào giữa tuần, không gian rộng, số lượng khách hạn chế khiến cô an tâm khi đi trải nghiệm trong dịch.

Nắm chắc các quy tắc bay, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, thiết bị quay chụp, cô gái 30 tuổi và phi công bắt đầu cất cánh. Ngoài Trang, nhiều gia đình có con nhỏ tại Hà Nội cũng tìm đến trò chơi mạo hiểm này khi chưa thể đi du lịch xa.

“Khách đặt lịch bay đã kín đến đầu tháng 11. Nhiều người có nhu cầu bay trong tháng 12, nhưng để dự báo chính xác thời tiết, đủ điều kiện được bay, bên mình chỉ dám nhận lịch trước hai tuần”, anh Mỹ nói.

Đội bay của anh Mỹ có bốn người. Để được bay với khách, phi công phải có tối thiểu 200 giờ bay, 200 ngày bay, ít nhất 500 chuyến bay, làm chủ được những kỹ thuật, yêu cầu bắt buộc đối với bay dù đôi, theo tiêu chuẩn của Liên đoàn thể thao hàng không thế giới. Hiện mỗi ngày anh nhận tối đa 10 khách. Mỗi chuyến bay kéo dài 10-20 phút, có giá 1,2 triệu đồng một người. Thêm 300.000 đồng nếu hỗ trợ di chuyển từ trung tâm Hà Nội.

Hai chị em Dương Ngọc Ánh, 22 tuổi và Dương Thị Dương, 18 tuổi đến vườn nho chụp ảnh vào chiều 16/10. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Sợ các trò chơi mạo hiểm hay đến trung tâm thương mại đông người có thể lây dịch bệnh, Thuỳ Chi, 26 tuổi, trú tại Nam Từ Liêm lựa chọn đi dã ngoại tại một vườn nho ở thôn Cổ Ngoã, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng.

Trước khi đi cô phải liên hệ đặt lịch, do nhà vườn giới hạn lượng khách nhằm đảm bảo giãn cách. Mất 45 phút di chuyển từ trung tâm thành phố đến vườn, Chi cùng bạn hái nho và chụp ảnh. “Số nho do khách tự thu hoạch sẽ được cân và bán ngay tại vườn với giá 120.000 đồng một cân”, anh Nguyễn Văn Hiện, 36 tuổi, chủ vườn nho nói.

Kinh doanh được hai năm, 700 gốc nho của gia đình anh Hiện cho sản lượng từ 1 đến 2 tấn, đủ phục vụ cho khách đến hái trực tiếp tại vườn. “Các vụ trước tôi thu vé vào cổng 50.000 đồng, nhưng năm nay vì dịch, gia đình để khách tham quan tự do”, anh Hiện nói.

Đầu tháng 10, nho bắt đầu vào vụ, trùng thời gian hết giãn cách, lượng khách đặt lịch đến tham quan, chụp ảnh kín tuần. Trung bình khoảng vài chục khách ghé vườn mỗi ngày. “Những lúc vườn đông, mình buộc phải từ chối hoặc hẹn sang hôm khác để đảm bảo quy tắc phòng dịch”, chị Nguyễn Thị Xuân, vợ anh Hiện nói.

Sau 30 phút chụp ảnh, Chi xách giỏ nho ra thanh toán. “Nho mua ở chợ cũng được, nhưng vừa đi chơi và được tận tay hái nho sẽ thú vị hơn”, cô cười, hẹn sang tuần thời tiết đẹp hơn sẽ dẫn bạn quay trở lại.

Du lịch vườn nho sau giãn cách cũng là sự lựa chọn của nhiều gia đình có con nhỏ. Chị Quỳnh An, 35 tuổi, trú tại Bắc Từ Liêm cũng chuẩn bị cho con gái 4 tuổi đến vườn nho của anh Hiện. Theo chị, các loại hình trải nghiệm ở ngoại thành được nhiều gia đình ưa chuộng sau khi hết giãn cách. “Được hít thở không khí trong lành, trẻ nhỏ có thể thoả sức chạy nhảy, đời sống tinh thần cũng được cải thiện”, chị nói.

Trong khi đó, vợ chồng chị Đỗ Nga, 43 tuổi, quận Nam Từ Liêm lại đăng ký tham gia tour trải nghiệm đạp xe “Một ngày lạ giữa lòng Hà Nội quen”, do một công ty du lịch tổ chức. “Hơn 30 năm sống tại Hà Nội nhưng có những có những địa điểm lần đầu tiên mình tới”, chị Nga cười vẻ ngại ngùng, “Ai cũng nghĩ Hà Nội chẳng còn gì để khám phá, nhưng đi rồi mới cảm nhận hết những điều thú vị sau những ngày phải ở nhà vì giãn cách”.

8h sáng 9/10, vợ chồng chị cùng bốn khách và hai hướng dẫn viên bắt đầu hành trình đạp xe vượt cầu Long Biên, qua bãi giữa sông Hồng xanh ngút ngàn, ghé thăm và lắng nghe những câu chuyện lịch sử về Kẻ Chèm, Kẻ Vẽ, thưởng thức bữa cơm trong không khí đầm ấm của một gia đình trí thức trong làng Đông Ngạc… Sau một ngày trải nghiệm dài với nhiều cung bậc cảm xúc, hành trình kết thúc lúc 5h chiều cùng ngày.

Vợ chồng chị Nga cùng 4 khách và hướng dẫn viên khám phá ở bãi giữa sông Hồng hôm 9/10. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Nguyễn Thị Quỳnh, đại diện đơn vị tổ chức tour cho biết, chuyến trải nghiệm Hà Nội bằng xe đạp phục vụ đoàn khách đầu tiên hôm 9/10, với mong muốn du khách có những trải nghiệm mới mà không cần ra khỏi thành phố. Khách tham gia thường theo hộ gia đình hoặc nhóm bạn bè. Mỗi tour nhận tối đa từ 5 đến 10 khách để đảm bảo an toàn trong thời điểm dịch bệnh.

“Ban đầu khi tổ chức tour khám phá Hà Nội, bên mình khá lo lắng bởi nơi đây đã quá quen với đại đa số mọi người. Nhưng không ngờ rất nhiều khách hàng hưởng ứng và đăng ký tham gia”, chị Quỳnh nói.

Hiện, nhu cầu đăng ký tham gia trải nghiệm cũng tăng lên, lượng khách đặt đi trải nghiệm đã kín chỗ cho tuần tới.

Chi 1,3 triệu đồng mỗi người cho một ngày tham quan, chị Nga cho rằng “đắt nhưng đáng”, nhất là khi các hoạt động vui chơi giải trí, du lịch ngoại tỉnh chưa mở cửa. Đặc biệt, các trải nghiệm ngay tại Hà Nội sau dịch giúp chị và nhiều gia đình được sống chậm và thay đổi nhiều về tư duy sống.

“Mình khá hài lòng với dịch vụ trải nghiệm này, trong thời gian tới chắc chắn sẽ đăng ký cho các con cùng tham gia”, chị Nga chia sẻ.

Nguồn: VNEXPRESS