Lời bộc bạch của người trưởng thành: Tôi sợ nhất là làm phiền người khác…

Có người nói: cách để ít làm phiền người khác đó là tự mình giải quyết hết những phiền phức của mình. Và nó cũng đang dần trở thành một trong những nguyên tắc của người trẻ…

Bạn trước giờ không phiền tới người khác, cũng luôn “độc thân” một mình

Chúng ta từ nhỏ đã được giáo dục rằng: chuyện của mình phải tự mình làm, chuyện mình có thể làm thì nhất định không được phiền tới người khác.

Điều này dẫn tới một điều đó là càng lớn lên, lòng tự tôn của chúng ta càng lớn:

Rõ ràng trong công việc, hỏi người khác một hai câu là có thể giải quyết được vấn đề, nhưng cứ nhất định phải tự mình mày mò hết cả buổi chiều;

Rõ ràng có thể nhờ người khác xách cho chiếc hành lý, nhưng cứ nhất định phải tự mình xách lên tầng mới được;

Rõ ràng có thể “nũng nịu”, “khom mình” một chút là có thể qua chuyện, nhưng cứ nhất quyết phải chạy đông chạy tây để giải quyết…

Đôi khi cũng ngưỡng mộ những người tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác mà không có gánh nặng tâm lý, họ có thể rõ ràng rành mạch nói ra những yêu cầu của mình, thậm chí không cần mất sức mà vẫn có được thứ mà mình luôn mong muốn.

Còn bạn? Có phải mỗi lần trước khi mở miệng tìm người khác giúp đỡ đều tự hỏi mình: làm vậy có phiền người khác quá không? Có khi nào gây rắc rối cho họ không? Có khi nào cảm thấy quan hệ giữa mình và họ chưa tới mức để nhờ đối phương giúp đỡ mình?

“Tính tôi không thích nhờ người khác giúp đỡ. Dù chúng tôi là bạn tốt nhưng tôi không thích làm phiền họ. Có lẽ là vì lòng tự tôn của tôi cao nên không thích nhờ vả người khác.”

“Tôi cảm thấy đây là một kiểu biên giới, nó khống chế bản thân không đi làm phiền người khác, bình thường ai cũng bận rộn, việc gì có thể tự mình giải quyết thì cố gắng tự đi làm thay vì nhờ cậy tới người khác.”

“Không muốn dựa quá nhiều vào tình cảm. Mượn tiền có thể mượn bao nhiêu trả bấy nhiêu nhưng tình cảm lại không vậy, chỉ cần sơ suất một chút thôi là đã có thể từ mặt nhau ngay được.”

Chúng ta luôn khống chế bản thân, giữa bạn bè với nhau cũng tồn tại một ranh giới vô hình, nhưng cảm giác gò bó và xa lánh này khiến chúng ta cảm thấy thật xa lạ.

Chúng ta cho rằng không làm phiền người khác sẽ trở thành con người tự lập mà chúng ta luôn tưởng tượng, nhưng đến cuối cùng lại phát hiện ra mình cô đơn đến lạ…

Lời bộc bạch của người trưởng thành: Tôi sợ nhất là làm phiền người khác… - Ảnh 1.
Khi bạn không còn làm phiền tới người khác, có lẽ giữa bạn và họ đã nảy sinh khoảng cách

Vài ngày trước, tôi có nhận được thư của độc giả, trong thư có một đoạn như sau:

“Tôi cảm thấy khả năng giao tiếp của mình không có vấn đề gì, hơn nữa từ cấp 2 tới giờ tôi luôn có rất nhiều bạn, bình thường khi có liên hoan tụ tập tôi luôn là người tạo bầu không khí. Lúc đại học cũng rất tích cực tham gia các câu lạc bộ đoàn thể, quan hệ xã hội có thể nói là rất tốt, nhưng giờ khi bước ra xã hội lại cảm thấy mình dường như rất cô đơn.

Tôi xem lại một lượt danh sách bạn bè, nhìn từ trên xuống dưới, phát hiện ra mình không có người để làm phiền, hoặc có thể nói là người mà hiện tại tôi có thể nhờ vả lại chỉ có một vài người.

Trước đây hở ra một tý là có thể tụ tập bạn bè nói chuyện trên trời dưới đất, gặp phải chuyện gì khó có thể tìm họ tham mưu, nhưng hiện tại, tôi đều kìm nén lại.

Bỗng nhiên cảm giác “bạn bè” trước đây đều đã trở nên xa lạ…”

Điều tôi muốn nói đó là đây chính là điểm khác biệt giữa người trưởng thành và trẻ con, không còn đi làm phiền người khác, không còn chỉ vì tý chuyện cũng tìm tới người ta.

Nói thực lòng, tôi rất thương xót kiểu quan hệ này, bởi lẽ một khi bạn bắt đầu sự “kiềm chế” này là khi đó mối quan hệ giữa các bạn đang dần trở nên xa cách.

Lời bộc bạch của người trưởng thành: Tôi sợ nhất là làm phiền người khác… - Ảnh 2.
Mọi mối quan hệ tốt đều là làm phiền mà ra

H. mười mấy tuổi đầu lên thành phố học tập, mẹ cậu không yên tâm, lúc tiễn cậu ra bến xe đã nói với cậu rằng: “Con phải đi tới một thế giới lớn hơn rồi, mẹ không thể lúc nào cũng ở bên giúp đỡ con được nữa, tự mình đi xông pha đi con, tặng con 5 chữ – học cách nhờ giúp đỡ.”

Cho tới nhiều năm sau, H. khi nhớ lại những từ đó mới hiểu ra được đạo lý ẩn sâu bên trong, mới hiểu được nỗi lòng của mẹ.

Mỗi người đều hi vọng khi cần sự giúp đỡ, chỉ cần là sự làm phiền hợp lý thì người khác sẽ rất vui vẻ giúp đỡ, bởi lẽ được người khác cần cũng là niềm vui.

Có một giai thoại nổi tiếng về Benjamin Franklin như sau:

Có một lần, ông cần hợp tác với một một thành viên của Tòa án bang Pennsylvania, nhưng lại không có lý do để tiếp cận với đối phương. Ông biết được rằng nghị viên đó có một cuốn sách hiếm hoi đã ngừng xuất bản vì vậy liền “làm phiền” nghị viên đó, hỏi ông có thể cho mình mượn quyển sách đó 2 hôm. Nghị viên cảm thấy mình được tôn trọng, trong lòng rất vui vẻ, hai người kể từ đó dần dần trở nên thân thiết hơn, cuối cùng trở thành những người bạn tốt của nhau.

Chính vì cảm giác được tôn trọng, được cần tới, bằng lòng bị làm phiền mà đã khiến đối phương vui vẻ coi bạn là bạn tốt.

Đôi khi chúng ta vì những “làm phiền” nhỏ nhặt của đối phương, những khi tâm trạng không tốt có thể sẽ nóng nảy, tức giận, nhưng sau đó, khi bình tĩnh nghĩ lại, bạn sẽ phát hiện ra, đôi khi, có thể giúp đỡ người khác cũng là một sự vui vẻ, cảm giác được người khác cần tới cũng là một niềm vui.

Thật ra, con người ta trong cuộc sống, trong lúc làm phiền và được làm phiền đó, tình cảm sẽ trở nên bền chặt hơn. Vì vậy, hãy trân trọn những người thích làm phiền bạn và biết ơn những người mà bạn đã và đang làm phiền.

Milian

Theo Trí Thức Trẻ