Khi thương hiệu thời trang xa xỉ gia nhập “cuộc chơi” bền vững

Không chỉ là những thương hiệu trẻ tuổi, các nhà mốt lớn đã bắt đầu cuộc cách mạng thời trang bền vững một cách thiết thực với thông điệp cụ thể trong BST Xuân – Hè 2020.

2019 chứng kiến những động thái và bước tiến đáng kể của ngành công nghiệp thời trang hướng đến mục tiêu bền vững. Hàng loạt thương hiệu cao cấp cam kết không sử dụng lông thú; Fashion Impact do Francois- Henri Pinault, Chủ tịch tập đoàn Kering dẫn dắt có sự tham gia của hơn 100 công ty, thương hiệu thời trang khắp thế giới với mục tiêu giảm thiểu, khắc phục những tổn hại có hệ thống đã và đang hủy hoại hệ sinh thái.

Những cam kết này được thể hiện một cách rõ rệt ở nhiều BST của mùa thời trang Xuân – Hè 2020. Đáng kể nhất là xu hướng tái chế. Việc tái sử dụng chất liệu hay trang phục cũ trước đây được thực hiện theo quy mô cá nhân với cái tên quen thuộc là DIY (Do It Yourself). Tuy vậy, vẫn có những thương hiệu lớn áp dụng cách thức này như Jean Paul Gaultier và Ronald Van Der Kemp cho các BST haute couture. Gần đây, bộ đôi Viktor&Rolf cũng thực hiện các thiết kế haute couture mang đậm tinh thần “zerowaste” khi sử dụng kỹ thuật chắp vá để tạo nên trang phục ấn tượng hay sử dụng chất liệu nỉ thân thiện với môi trường.

thương hiệu thời trang bền vững trên sàn diễn xuân hè 2020
bst bảo vệ môi trường của thương hiệu thời trang alexander mcqueen

Trong địa hạt thời trang “Ready to wear”, những cái tên tầm cỡ khác cũng tạo ấn tượng và bước tiến quan trọng. Đầu tiên phải kể đến Alexander McQueen với sự chỉn chu của Sarah Burton. BST lần này không chỉ tưởng nhớ đến người sáng lập tài hoa mà còn mang ý nghĩa khác. Những mẫu thiết kế cũ được cách tân, chất liệu sử dụng là tulle, organza và ren tái chế từ những BST trước đây. Bên cạnh đó, linen, lụa hay nỉ đều được cung cấp bởi những xưởng lâu đời của Anh quốc, vừa nhấn mạnh thông điệp “Made in England”, vừa tiết kiệm hành trình vận chuyển chất liệu vốn tiêu hao nhiên liệu và thải ra lượng khí thải cao.

Với NTK trẻ Marine Serre, một ngôi sao sáng từng thắng giải LVMH Prize, việc tái chế còn là nghệ thuật trong thiết kế. Thương hiệu có hẳn một nhân viên chuyên “săn lùng” chất liệu. Nguồn chất liệu có thể đến từ những kho vải tồn trong khu vực châu Âu hay chợ online, quan trọng là tính minh bạch về nguồn gốc. Đặc biệt, trang sức đều được làm từ nguyên liệu thu thập từ những người quen biết, hay được thiết kế từ những món trang sức khác mang đến sự thích thú và hứng khởi cho Marine. Quy trình này cũng hạn chế nhu cầu khai thác nguyên liệu chế tác trang sức vốn gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

chất liệu tái chế trong bộ sưu tập Xuân Hè của các thương hiệu thời trang

Cùng thông điệp về nữ quyền một lần nữa, Maria Grazia Chiuri mang vào BST Xuân – Hè 2020 của Dior một thông điệp khác về thiên nhiên: “Tôn trọng sự đa dạng và thiên nhiên sẽ giải phóng chúng ta”. Ngoài sàn diễn được bao phủ cây thật (cây sau đó được đem trồng ở nhiều địa điểm ở Paris), chất liệu cói thân thiện với môi trường xuất hiện từ thiết kế mũ rộng vành hợp xu hướng đến cả những bộ trang phục cầu kỳ bằng kỹ thuật đan móc thủ công. Tại London, NTK Simone Rocha cũng sử dụng chất liệu cói và kỹ thuật thủ công để thiết kế trang phục, phụ kiện không kém phần nổi bật.

Chiến binh xanh” của thời trang xa xỉ Stella McCartney đã trình diễn BST đầu tiên kể từ khi thương hiệu vận hành dưới “mái nhà” LVMH. BST này được ghi nhận là bền vững nhất trong lịch sử thương hiệu với hơn 75% chất liệu thân thiện với môi trường như cotton, polyester tái chế, vải sợi econyl tái chế từ lưới đánh cá và sợi gai dầu.

thời trang truyền tải thông điệp ý nghĩa của thương hiệu thời trang stella mccartney

Được mệnh danh là Hermès của New York, Gabriela Hearst mang đến tuần lễ thời trang New York show diễn có lượng carbon thải ra được kiểm soát. Cộng tác với đơn vị tổ chức show diễn Bureau Betak và tổ chức môi trường EcoAct, mọi yếu tố của một buổi trình diễn từ sản xuất, thiết kế, dàn dựng cho đến di chuyển, năng lượng và rác thải đều được tính toán sao cho khí thải sinh ra tối thiểu nhất. Không dừng lại ở đó, khâu thiết kế của Gabriela cũng tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu tồn kho cũng như không sử dụng chất liệu chứa sợi nylon, chỉ sử dụng vải có nguồn gốc và sử dụng linen thay vì cotton (quy trình sản xuất linen tốn ít nước hơn cotton và hạt cây lanh có thể dùng làm thực phẩm).

Có thể nhận thấy xu hướng thân thiện với môi trường sẽ chỉ trở nên mạnh mẽ hơn, thực tế hơn trong năm nay và thời gian tới khi ngành thời trang, bất kể thương hiệu bình dân hay xa xỉ đều coi trọng trách nhiệm đối với môi trường. Muộn vẫn tốt hơn không bao giờ. Hành động của ngày hôm nay chính là nền móng cho những thay đổi lớn của ngành thời trang trong tương lai, mà đầu tiên là giảm thiểu tác hại lên môi trường sống của chúng ta triệt để nhất có thể.

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE