Khi con người chinh phục thế giới

Không phải lúc nào sự hiện diện của con người đến những vùng đất mới cũng đem lại những kết cục tốt đẹp.

Ở thế kỷ thứ 10, nếu có cơ hội đi thuyền trên các hòn đảo trải dài từ Nauy tới Newfoundland của bờ biển Bắc Đại Tây Dương, người ta sẽ được ngắm phong cảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên hùng vĩ. Những vách đá sừng sững phủ đầy màu xanh của cây cỏ, sóng biển tung trắng xóa trên những hòn đảo nhỏ do thiên nhiên tạo dựng và vài phiến đá granite màu hồng nhạt được phủ kín bởi những chú chim ăng-ca đứng chen chúc. Đó chính là thời kỳ hoàng kim của giống chim ăng-ca khi nơi đây được xem là thiên đường của chúng.

Giống chim này có ở khắp mặt đất, chúng không thể bay lên trời với những đôi cảnh nhỏ. Chim ăng-ca di chuyển lẹ làng dưới nước nhưng lại khá chậm chạp trên đất liền, chúng vô hại, hiền lành và ngỡ như sẽ có thể mãi mãi sống chan hòa với thiên nhiên cho đến khi có sự xuất hiện của loài người.

Khi con người chinh phục thế giới - 1

Chim ăng-ca tuyệt chủng từ năm 1852. Đây là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho hành động tận diệt của loài người để phục vụ nhu cầu cá nhân.

Những đoàn thám hiểm đặt chân lên hòn đảo và đã lôi một đám chim ăng-ca lên tàu để sử dụng như một loại thực phẩm ngon, bổ dưỡng. Người ta còn bỏ hai chú chim vào một chiếc ấm nhỏ rồi đốt lửa phía dưới, cơ thể ngập mỡ của những chú chim đáng thương không lâu sau đó sẽ làm ngọn lửa bùng lên. Cứ thế, con người sử dụng chim ăng-ca cho bất cứ mục đích nào có thể, từ làm mồi câu cá cho đến lấy lông chim để nhồi nệm. Giữa thế kỷ thứ 19, lợi dụng bản năng thiêng liêng muốn bảo vệ con cái, con người đã mai phục và giết chết cặp ăng-ca bố mẹ cuối cùng để bán cho những nhà sưu tầm, đẩy loài chim này vào nạn diệt vong.

Đó là một trong những câu chuyện buồn về hành trình khám phá thế giới của nhân loại, không phải lúc nào sự hiện diện của con người đến những vùng đất mới cũng đem lại những kết cục tốt đẹp. Đôi khi lòng tham và cái tôi quá lớn đã khiến người ta đảo lộn mọi trật tự cân bằng của tự nhiên và gây ra sự hủy hoại tàn khốc.

Trên một hành trình khám phá khác của loài người, năm 1492, thủy thủ đoàn của Columbus lần đầu tiên đặt chân lên Châu Mỹ và gặp gỡ những người thổ dân sống ở đây mà họ cứ gọi là “Indian” vì ngỡ đây là người Ấn Độ. Đó là một bước ngoặt quan trọng đánh dấu thành tựu mới của loài người trong việc mở rộng bản đồ thế giới đến những vùng đất vẫn còn ẩn sau lớp sương mù sự hiểu biết của nhân loại. Nhưng có lẽ cả Columbus lẫn những người da đỏ vô tội ấy cũng sẽ không thể nào dự đoán được một kịch bản tàn khốc cho giai đoạn tiếp sau đó, khi có khoảng 100 triệu người bỏ mạng vì xung đột giữa thổ dân và người Châu Âu trên lục địa Châu Mỹ.

Tinh thần khám phá những vùng đất mới chưa bao giờ là đủ đối với loài người, nhưng ngay khi vừa vén được một bức màn che phủ để nhìn rõ hơn thế giới này thì họ lập tức rơi vào bẫy tham vọng được giăng ra bởi chính cái tôi của bản thân. Sẽ rất khó để người ta có đủ ý chí và bản lĩnh đạt được những thành tựu lớn lao nhưng vẫn giữ cho hai chân đứng vững trên mặt đất để hiểu được rằng, mỗi con người chúng ta vẫn chỉ là một hạt cát nhỏ bé trong tổng thể vĩ đại của tạo hóa.

Tôi lại muốn kể cho bạn nghe một hành trình khám phá khác, đó không phải là việc tìm kiếm những vùng đất mới trên quả địa cầu này mà là ước mơ được chạm vào những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời cao xa thăm thẳm.

Khi con người chinh phục thế giới - 2

Neil Armstrong và bức ảnh tự chụp khi ông rời khỏi tàu mẹ và ngồi trong tàu đổ bộ để đáp xuống bề mặt Mặt Trăng. 

Ngày 20/7/1969, Neil Armstrong, một trong những phi công xuất sắc nhất của NASA, đã đặt bước chân đầu tiên và cắm lá cờ Mỹ lên Mặt Trăng. Trong phút giây hạnh phúc đó, ông cũng “ghi vào sử sách” câu nói nổi tiếng: “một bước đi ngắn của một người, một bước nhảy vọt của nhân loại”. Sứ mệnh lớn lao ấy biến Armstrong thành người hùng trong bối cảnh cuộc đua vào vũ trụ giữa Mỹ và Liên Xô đang lên đến đỉnh điểm.

Đặt chân xuống mặt đất sau khi kết thúc hành trình vĩ đại của mình, Armstrong lại chọn cho mình một vị trí thầm lặng xa rời ánh hào quang của người nổi tiếng. Trong một đôi lần hiếm hoi trả lời phỏng vấn, Neil Armstrong luôn khiêm tốn cho rằng thành tựu chinh phục Mặt Trăng đó thuộc về rất nhiều người chứ không riêng gì ông, trong đó có cả những người đã hi sinh khi chưa kịp đặt chân đến hành tinh này.

Khoảnh khắc đứng trên một hành tinh xa lạ và được nhìn ngắm Trái Đất mọc lên từ bề mặt Mặt Trăng đã đem lại cho Armstrong những cảm xúc tuyệt vời: “Cảnh tượng thật kỳ vĩ, vượt hơn mọi trải nghiệm thị giác mà tôi từng có”… Có lẽ khi chạm tay vào một trong những ngôi sao trên bầu trời bao la, Armstrong đã nhận ra được thân phận bé nhỏ của con người trong vũ trụ rộng lớn không có hồi kết này. Tinh thần khám phá khiêm tốn của Armstrong đã là một điểm khởi đầu tốt đẹp cho hành trình thám hiểm bầu trời của nhân loại.

Khi con người chinh phục thế giới - 3

Bức ảnh ‘huyền thoại’ chụp lại cảnh Trái Đất đang mọc lên từ chân trời của Mặt Trăng 

Năm mươi năm đã trôi qua, nhân loại vẫn tiếp tục có những bước tiến mới trong việc chinh phục vũ trụ. Từ đưa tàu lên thám hiểm Sao Hỏa, con người hi vọng có thể đặt chân đến hành tinh này trong tương lai không xa và gần đây nhất là việc phóng vệ tinh lên Mặt Trời.

Một kịch bản dễ dàng đoán được đó là trong tương lai con người có thể sẽ đổ bộ lên các hành tinh để chiêm ngưỡng, thám hiểm hoặc có thể là để sống, để khai thác nguồn tài nguyên ở đó. Để làm được điều này, nhân loại sẽ phải mất khá nhiều thời gian nếu không muốn nói rằng đó là một chặng đường rất dài. Có thể khi khoa học đạt được đến thành tựu ấy thì tất cả những người hiện đang sống trên Trái Đất này cũng sẽ không còn nữa. Tuy nhiên, liệu tinh thần khám phá trong khiêm tốn có còn được lưu giữ hay không? Điều đó lại tùy thuộc vào chúng ta, những người ngày hôm nay vẫn đang có mặt trên thế giới. Chúng ta rất cần giữ gìn và lưu truyền tinh thần ấy cho con cháu các thế hệ.

Nhân kỷ niệm năm mươi năm con người lần đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng, hãy cùng cầu mong cho nhân loại sẽ có thể thực hiện hành trình khám phá của mình trong tinh thần khiêm tốn, để những thành tựu vượt bậc trong tương lai sẽ không để lại những dấu lặng tổn thương cho thế giới.

Theo : khampha