Helen Rose: người dệt nên cổ tích xứ Hollywoo

Sở hữu hai giải Oscar cho trang phục xuất sắc nhất, kiến tạo váy cưới huyền thoại của Elizabeth Taylor và Grace Kelly. Helen Rose đích thực là “bà tiên” dệt nên chiếc váy “bước ra” từ những câu chuyện cổ tích.

Chân dung NTK Helen Rose, sinh năm 1904 tại Chicago, Mỹ. (Ảnh: MGM)

Không đến từ các thương hiệu thời trang cao cấp, chiếc váy cưới nổi tiếng của Thân vương phi Grace Kelly được “sinh ra” từ giấy, ngòi bút và đôi tay của Helen Rose – nhà thiết kế trang phục làm việc tại hãng phim Metro-Goldwyn-Mayer. Với hơn 30 nhân công, 300 thước ren, 150 thước voan, lụa và tafta, Helen thành công đưa ý niệm váy cưới với thiết kế tay dài và chất liệu ren đến công chúng. Di sản từ óc sáng tạo của bà là nguồn cảm hứng bất tận, góp phần “định hình” nên trang phục cho ngày trọng đại của nhiều cô dâu nổi tiếng như: Công nương Kate Middleton, Naomi Biden, Miranda Kerr,… “Helen luôn khám phá ra thứ gì đó vượt ra ngoài trí tưởng tượng và kỳ vọng của tôi.” Grace Kelly chia sẻ về tài năng của nhà thiết kế người Mỹ đã hợp tác với cô suốt 4 bộ phim.

Đặt trọn niềm tin vào sự thuần thục của Helen Rose, Elizabeth Taylor lựa chọn thiết kế váy satin chiết eo với phần cổ voan xuyên thấu, trong đám cưới cùng “triệu phú” Conrad Hilton vào năm 1950. Chi tiết đính kết bằng ngọc trai tạo nên “sức sống” rất riêng, cùng hiệu ứng thị giác tuyệt vời cho mẫu đầm cưới của bà. Khoảnh khắc nữ minh tinh bước xuống lễ đường cùng phong thái đầy sang trọng và cuốn hút nhanh chóng hoá chiếc váy cô dâu thành thiết kế “khó quên” của thời đại. Phải chăng chính nguồn cảm hứng lãng mạn, tài năng khai phá chất thơ và nhạy cảm trong mọi giác quan sáng tạo là “chìa khoá” dẫn đến sự thành công của chủ nhân hai giải Oscar?

Bản phác thảo váy chiffon trong Silk Stockings. (Ảnh: Helen Rose)

Trong vai trò là trưởng đội ngũ thiết kế trang phục từ năm 1949 đến 1966, bà tạo ra một “cơ ngơi” đồ sộ bằng những chiếc váy chiffon được “xây đắp” từ nhiều thước vải với thiết kế cổ xẻ sâu, o bế từng đường cong lãng mạn của người phụ nữ trong phim Silk Stockings (1957), Cat on a Hot Tin Roof (1958). Bà cũng là một trong những người tiên phong phá vỡ quy tắc mặc nội y khi mang slip dress lên màn ảnh BUtterfield 8 (1960). “Trái ngọt” đến với Helen Rose, bà nhận về hai giải thưởng “Trang phục xuất sắc nhất” cho bộ phim tiểu sử hư cấu The Bad and The Beautiful (1953) và phim chính kịch I’ll Cry Tomorrow (1956). Nếu The Bad and The Beautiful là đường băng của những chiếc váy dạ hội xa hoa, thì I’ll Cry Tomorrow mang lại rung cảm tối giản với nhiều chi tiết đắt giá như coat dress chỉn chu, vô cùng “bắt mắt” với viền tay áo bằng lông hay chất liệu sequin lấp lánh…

“ĐỐI VỚI TÔI, PHỤ NỮ LÀ TRANG SỨC QUÝ BÁU VÀ QUẦN ÁO CHỈ LÀ NỀN ĐỂ LÀM NỔI BẬT HỌ.” – HELEN ROSE

Với tiêu chí lấy vẻ đẹp của phụ nữ làm trung tâm, giới mộ điệu luôn tìm thấy những bản ngã đa dạng của Helen Rose trong thời trang. Có lẽ vì vậy mà sự nghiệp của NTK xứ cờ hoa luôn “kề cận” nhiều tên tuổi đình đám lúc bấy giờ, những vẻ đẹp kinh điển của Hollywood cũng vì thế mà “ăn sâu” vào tâm trí đại chúng.

Nguồn: ELLE