Góc khuất người vô tính

27 tuổi, cao và có gương mặt như búp bê, Khánh Linh có sức hút mạnh mẽ với những chàng trai nhưng cô quyết định sống độc thân vì không thích tình dục.

“Mình không có hứng thú và càng không có nhu cầu với tình dục nên quyết định sẽ không trải nghiệm”, Linh cho hay.

Cô gái Sài Gòn không mắc bệnh sinh lý cũng không có bóng ma tâm lý nào trong quá khứ. Khánh Linh là người vô tính (asexual), nhóm chiếm khoảng 1% dân số thế giới.

Theo định nghĩa của giáo sư Anthony Bogaert, Đại học Brock (Canada), người vô tính hoàn toàn không có cảm giác hấp dẫn tình dục. Những người này có thể chia làm hai dạng: Người có ham muốn tình dục ở mức độ nào đó, nhưng không hướng trực tiếp ham muốn này vào người khác (vì thế họ thủ dâm), và những người không hề có ham muốn tình dục.

Từ rất sớm, Khánh Linh nhận ra mình không hứng thú với “chuyện người lớn”. Lúc đó cô chưa biết đến khái niệm asexual, cho đến khi du học gần chục năm trước. “Tôi thở phào vì cuối cùng cũng dán nhãn được cho mình”, cô gái nói.

Mỹ Linh, một người vô tính, từng làm mẫu ảnh ở Sài Gòn 5 năm trước. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giống như Linh, chàng trai có nickname Cát Hạt Tuấn, quê Vĩnh Phúc cũng mất nhiều năm khám phá ra bản thân. Thời còn đi học, cậu rất mông lung khi biết mình có tình cảm với bạn nam nên nghĩ “chắc mình đồng tính”. Song, khác với các bạn đồng trang lứa, Tuấn cảm thấy lạc lõng khi ai đó nói chuyện tình dục.

“Đến năm 2015 biết tới cộng đồng người vô tính, tôi mới biết nhãn phù hợp của mình là vô tính đồng ái, nghĩa là không có hấp dẫn tình dục, nhưng vẫn hấp dẫn tình cảm với nam giới”, Tuấn chia sẻ.

Nếu như cả Linh và Tuấn đều có rung động tình cảm thì Hoàng Tùng (tên nhân vật đã thay đổi), một giáo viên tiếng Anh 23 tuổi ở Sài Gòn xác nhận mình thuộc nhóm vô tính vô ái. Anh chưa từng nghĩ đến chuyện giường chiếu và cũng chưa từng rung động trước ai.

Từ khá sớm Tùng đã nhận diện bản thân. Hầu hết bạn bè đã bắt đầu để ý đến người khác giới từ lớp 7, lớp 8. Các bạn hay tâm sự về những người họ thầm thương trộm nhớ, trong khi Tùng nhận ra bản thân không hứng thú gì với những chuyện này. “Khi đám bạn nói đến chuyện thủ dâm, sex hay bàn luận về tụi con gái, mình chỉ cảm thấy ghê”, chàng trai nói.

Hầu hết người vô tính bị “phủ nhận sự tồn tại”. Trong các group của cộng đồng, những thành viên thường chia sẻ trải nghiệm của mình khi công khai. Họ thường bị dè bỉu là không biết yêu, không thích kết hôn, tu hành, a dua theo LGBT nên tự dán nhãn như thế… Một số người bị cho là lấy cớ để chọn lối sống độc thân, hoặc mẹ đơn thân, số khác còn bị quấy rối tình dục khi công khai.

“Tôi thoải mái chia sẻ điều mình cảm thấy với mọi người, nhưng có người nói là ‘chưa thử thì làm sao biết được”, Khánh Linh kể.

Cát Hạt Tuấn còn bị trêu chọc “yếu sinh lý” hay “bất lực”. Vì thấy quá rắc rối để giải thích, anh đã công khai với bố mẹ mình là “đồng tính”.

Còn Hoàng Tùng từng chịu tổn thương khi công khai. Năm lớp 10, cậu tâm sự với bạn thân nhưng bị phủ nhận: “Trên đời làm gì có người vô tính. Tình dục là một phần của sự sống, là bản năng của con người rồi”.

Phản ứng kịch liệt của bạn khiến Tùng không dám nhắc chuyện này nữa. Nhưng người bạn kể với những người khác trong lớp và từ đó Tùng bị đem ra làm trò đùa. Nam sinh buộc phải vờ tỏ ra “thích” khi đám đông bàn đến cô gái đẹp, cố tỏ ra hứng thú khi nói chuyện tình dục. Cậu cũng lảng tránh mỗi khi ai đó trong gia đình hỏi chuyện người yêu. “Nhưng tôi hoàn toàn không có cách đặt bản thân trong một mối quan hệ nào cả”, cậu bộc bạch.

Năm thứ ba đại học, một người bạn kéo Tùng đi trà đá, tâm sự chuyện buồn vui thời cấp ba. Đến lượt Tùng, cậu không biết phải kể sao. Tối đó về ký túc xá, Tùng như bị dồn nén bao năm, không chịu được nữa nên trốn ra hành lang “khóc như không thể dừng lại”.

Trong nghiên cứu năm 2012 của giáo sư tâm lý học Gordon Hodson, Đại học Brock, Canada, người vô tính bị nhìn nhận tiêu cực hơn người đồng tính.

Nghiên cứu năm 2015 về người vô tính của Dominique A. Canning, Đại học Michigan (Mỹ), người vô tính còn bị chính cộng đồng LGBT hiểu sai và khinh thường. Không giống như độc thân có thể chủ trộng tránh hoạt động tình dục, chuyện “yêu chay” là một phần nội tại của người vô tính.

“Sự thiếu hấp dẫn về giới tính cũng là một phần quan trọng của phổ tình dục, giống như phần còn lại trong xu hướng tính dục và lãng mạn của cộng đồng LGBTQ”, Aaron nói

Tuy không hoặc ít có hấp dẫn tình dục, người vô tính vẫn yêu và nhiều người có nhu cầu kết hôn. Trước khi làm quản lý marketing cho một công ty nội thất ở Australia, Khánh Linh là người mẫu ảnh ở Sài Gòn và thực tập trong một công ty luật. Vẻ ngoài của cô thu hút nhiều “vệ tinh”. Ban đầu cô cũng cảm nhận được tình yêu và sự quan tâm họ dành cho mình nên từng xúc động và nhận lời.

Khi bắt đầu mối quan hệ, bao giờ cô cũng nói rõ mình là người vô tính và không quan hệ tình dục. “Bạn trai cũ đồng ý với điều kiện của tôi nhưng họ không tin lắm. Họ nghĩ tôi nói vậy nhưng sau sẽ khác”, cô chia sẻ.

Chính vì thế trong lúc quen nhau, vẫn có lúc họ gợi ý. Trải qua ba mối quan hệ, cô thấy dù người đàn ông dù có yêu và đồng ý với mong muốn của cô, về lâu dài kết hôn sẽ khó tránh khỏi phải sinh hoạt vợ chồng, sinh con. Sau mối quan hệ cuối cùng, cô quyết định độc thân. Ngoài công việc, Linh tìm niềm vui trong sách truyện, vẽ, nhảy…

Việc khám phá ra mình là người vô tính đã thay đổi cuộc đời Tuấn. Đang là sinh viên năm ba Đại học Bách khoa, cậu chuyển sang theo đuổi ngành Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Hà Nội. Hiện Tuấn đang công tác tại một trung tâm y tế trong thành phố, song song tham gia nhiều hoạt động dành cho cộng đồng người vô tính của tổ chức Asexual in Vietnam.

Riêng Hoàng Tùng đang không biết sẽ nói sao với gia đình, khi tần suất gán ghép và hỏi chuyện yêu đương ngày một dày.

“Nhưng dù vậy, tôi chưa bao giờ tự ti về xu hướng tính dục của mình. Đó là lẽ tự nhiên sinh ra, như tay, như chân, như khuôn mặt này và làm nên con người tôi”, nam giáo viên tiếng Anh nói.

Nguồn: VNEXPRESS