F0 tăng, Hà Nội lập nhiều phương án ứng phó

Các bệnh viện điều trị Covid-19 bổ sung giường, máy thở, chủ động hệ thống oxy; nhiều quận huyện lập trạm y tế lưu động song chưa hoạt động, cách ly F1 tại nhà…

Hà Nội phát hiện 17 ổ dịch và hơn 1.500 ca nhiễm mới, sau hơn một tháng “bình thường mới”. Riêng ngày 15/11 ghi nhận 289 ca, cao nhất tính theo ngày. Giới chức y tế thành phố nhận định dịch đang diễn biến phức tạp, xu hướng tăng ca nhiễm, nhiều ca trở nặng, nhiều xã, phường đổi màu nâng cấp độ dịch.

Trả lời VnExpress ngày 17/11, ông Vũ Cao Cương, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết thành phố đang xây dựng kịch bản chống dịch cụ thể, chi tiết phù hợp với tình hình thực tế hiện tại.

Sở Y tế dự kiến lập 508 trạm y tế lưu động, 20 trạm y tế xã lưu động, đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất, huy động các trung tâm y tế tham chiến. 30 quận, huyện, thị xã đã chuẩn bị phương án lập trạm, phân công nhân sự phụ trách. Đây là lần đầu Hà Nội áp dụng mô hình này. Nhiệm vụ là quản lý, theo dõi F0 tại nhà và tại cộng đồng; xét nghiệm; tiêm chủng vaccine; truyền thông về Covid-19; khám, điều trị, cấp thuốc cho người mắc các bệnh khác…

Mô hình này được Bộ Y tế áp dụng ở các tỉnh phía Nam từ giữa tháng 8, đặc biệt là TP HCM và Bình Dương – hai vùng dịch lớn nhất vừa qua, nhằm chăm sóc, điều trị F0 tại nhà. Riêng TP HCM đã lập hơn 400 trạm y tế lưu động, chăm sóc và điều trị hiệu quả F0 tại nhà, góp phần kiểm soát dịch trên địa bàn.

Phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm (nơi duy nhất ở Hà Nội dịch ở cấp độ 4) đã thiết lập một trạm y tế lưu động để dự phòng điều trị F0 tại nhà. Trong trường hợp dịch lan rộng, địa phương sẽ bổ sung thêm một trạm y tế lưu động.

Tại Hà Đông, ông Trương Kỳ Phong, Giám đốc Trung tâm Y tế quận cho biết đã xây dựng phương án lập 17 trạm y tế lưu động trên 17 phường, “chờ có chỉ đạo thì sẽ bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân”. Trung tâm Y tế quận đã khảo sát nhà văn hóa, trường học, công sở đang xây dựng, trường mầm non… để chọn nơi đặt trạm y tế lưu động. Hiện, trung tâm tìm được địa điểm là trường mầm non cơ sở 2 Phú Lương, dự kiến tiếp nhận từ 160 đến 200 F0.

“Các phương án được chuẩn bị để khi thành phố yêu cầu là có thể kích hoạt hoạt động, kết hợp khoanh vùng truy vết nhanh, gọn, gấp ngăn dịch lan rộng”, ông Phong nói.

Hà Nội đã lập 5 cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ ở 5 quận, huyện, tổng cộng 1.150 giường, hoạt động theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Năm cơ sở này được xem là thí điểm mô hình thu dung, điều trị F0 không triệu chứng hoặc nhẹ, tại quận huyện.

Trong đó, Trung tâm Văn hóa, thể thao phường Thạch Bàn, quận Long Biên, 150 giường; Trường THCS Tiền Yên, huyện Hoài Đức, 300 giường (trường mới xây dựng, chưa bàn giao đón học sinh); Phòng khám đa khoa Minh Phú, huyện Sóc Sơn, 200 giường; Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên huyện Thanh Trì, 300 giường; trường Mầm non Lê Thanh A, xã Lê Thanh huyện Mỹ Đức, 200 giường.

Nhân viên y tế làm việc tại phường Phú Đô, ổ dịch phức tạp nhất Hà Nội hiện nay. Ảnh: Anh Hùng

Đối với điều trị F0 ở bệnh viện, PGS TS Hoàng Bùi Hải (Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, kiêm Phó giám đốc Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19 – nơi điều trị F0 nặng lớn nhất phía Bắc) cho biết bệnh viện đã tiếp nhận thêm nhóm bệnh nhân nhẹ để giảm tải áp lực cho bệnh viện thành phố. Tổng F0 đang điều trị là 104, trong đó 70-80% triệu chứng nhẹ.

Theo bác sĩ Hải, Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19 có 500 giường, chia thành 19 đơn nguyên, mỗi đơn nguyên độc lập đều có giường Hồi sức tích cực, giường cho bệnh nhân nặng và phòng áp lực âm cho các trường hợp đặc biệt. Bệnh viện cũng áp dụng hệ thống điều hòa không khí riêng cho từng phòng bệnh để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo. Hiện, bệnh viện tăng cường bổ sung thêm giường, oxy, máy thở… đảm bảo đáp ứng điều trị cho khoảng 700 người.

Bệnh viện huy động khoảng 1.000 nhân viên y tế, ở tất cả chuyên ngành như Hồi sức cấp cứu, khoa Xét nghiệm, khoa Bệnh Nhiệt đới và Can thiệp giảm hại, làm việc tại bệnh viện. Họ đã được tập huấn đánh giá mức độ nặng của bệnh nhân Covid-19, hướng dẫn liệu pháp thở oxy cho người bệnh, thở oxy dòng cao, thở máy không xâm nhập, cách cài đặt máy thở ban đầu, lọc máu, liệu pháp chống đông ở người nhiễm nCoV.

“Trường hợp cần bổ sung nhân lực sẽ huy động từ Bệnh viện Đại học Y và trường Đại học Y hỗ trợ, đảm bảo chăm sóc bệnh nhân khi số ca tăng”, bác sĩ nói.

Bệnh viện đa khoa Đức Giang cũng là tuyến đầu điều trị Covid-19 thành phố từ khi dịch bùng phát năm 2020. TS BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc, cho biết bệnh viện hiện điều trị 150 bệnh nhân, hệ thống oxy trung tâm là 20 m3 oxy khí lỏng, tương đương 17.000 m3 khối khí, đảm bảo cung cấp oxy cho người bệnh. “Hiện bệnh viện có thể đáp ứng điều trị thở máy 250-300 người và 200 bệnh nhân thở oxy”, bác sĩ nói.

Ngoài ra, bệnh viện siết chặt lại tất cả quy trình, sử dụng lực lượng nhân viên y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 đã được tập huấn và có kinh nghiệm chống dịch. Một số bệnh viện khác như Hà Đông, Thanh Nhàn… bổ sung trang thiết bị vật tư, sẵn sàng nhân lực và vật lực khi dịch lan rộng.

Các bệnh viện không điều trị Covid-19 chủ động phân luồng bệnh nhân ngay từ cổng, bố trí phòng khám sàng lọc, kiểm soát chặt chẽ người ra vào, thực hiện khai báo y tế… Các khoa trọng điểm như hồi sức tích cực, cấp cứu, truyền nhiễm, bệnh nhiệt đới và người bệnh có chỉ định chăm sóc cấp I tại các khoa lâm sàng khác, được xem là khu vực dễ bị nCoV tấn công.

Đối với F1, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng ngày 16/11 yêu cầu các địa phương ở Hà Nội triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà. Hiện, quận Nam Từ Liêm và Hà Đông đã cho F1 đủ điều kiện cách ly tại nhà.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Y tế quận Nam Từ Liêm, cho biết cả 10 phường trong quận có hơn 100 F1 đủ điều kiện cách ly tại nhà. F1 thuộc 4 nhóm: người già, bệnh nền, phụ nữ mang thai, trẻ em mà gia đình có đủ điều kiện: có phòng riêng, nhà vệ sinh riêng, có người chăm sóc, thu gom rác thải…

Tại quận Hà Đông, ông Phong cho biết từ đầu tháng 11, người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ có thai và người dưới 18 tuổi (trẻ em) là F1 đủ điều kiện như trên, cũng được cách ly tại nhà. Trên địa bàn quận hiện có khoảng 70 F1 cách ly tại nhà, trải rộng gần như ở tất cả các phường. Ngoài ra, khu vực này sử dụng khu ký túc xá Đại học Đại Nam, phường Phú Lãm, làm nơi cách ly tập trung F1 với quy mô tối đa 320 người.

Nguồn: VNEXPRESS