Đồng hồ hiệu giả – cuộc chiến toàn cầu

Bạn đang tìm mua một chiếc đồng hồ với giá hời trên mạng? Hãy cân nhắc kỹ trước khi mua!

Gần đây, thị trường rộ lên những mặt hàng được gọi là “superfake,” được sản xuất chủ yếu ở Trung Quốc. “Hai mươi năm trước, hàng nhái rất dễ nhận biết!”, Michael Benavente, giám đốc quản lý của Gucci & Jewelry khu vực Bắc Mỹ nói. “Nhìn qua là thấy ngay nó là đồ bỏ đi.”

Nhưng giờ thì không! Công nghệ “nhái” ngày càng tinh vi hơn trước! Không chỉ làm giả một chín một mười mẫu mã bên ngoài như vỏ, mặt số, dây đeo…, bộ máy cơ khí của hàng superfake đã được hoàn thiện hơn rất nhiều. Michel Arnoux, người đứng đầu đơn vị chống hàng giả của Liên đoàn Công nghiệp Đồng Hồ Thụy Sỹ (FH) cho biết, mọi chi tiết từ dây đeo cao su của chiếc Hublot Big Bang tourbillon giả đều giống hệt hàng chính hãng. Chỉ khi xem xét kỹ hơn, ông mới phát hiện một miếng nhựa đã thay thế chất liệu carbon và chi tiết thủy tinh thiếu đi tính năng chống lóa. Tuy nhiên, điều làm ông bất ngờ nhất chính là bộ máy bên trong với cơ chế chính xác cao. Hàng superfake hiện nay đã làm chủ được những chuyển động cực kỳ phức tạp!

1111_DAVO_DFBX

Đồng hồ hiệu bị làm nhái hàng loạt.

Jon Omer, chủ tịch Hiệp Hội Đồng Hồ Hoa Kỳ (AWA) chia sẻ, ngay cả các thương hiệu đồng hồ Thụy Sỹ siêu sang (với giá cả từ 50,000 – 100,000 USD trở lên) đều phải đối mặt với hàng superfake. Một số nhà sưu tập đồng hồ lớn sẽ cảm thấy không thỏa mãn khi chưa thể sở hữu một phiên bản giới hạn nào đó! “Thường thì những người này vẫn hay mua từ những cửa hiệu đại lý ủy quyền, nhưng chỉ vì một chiếc đồng hồ quý nào đó, họ sẵn sàng bỏ ra gần 500 triệu để mua lại từ nguồn trái phép trên mạng,” Beatrice de Quervain, một chuyên gia người Hoa Kỳ, nguyên là người đứng đầu thương hiệu Hublot tại Bắc Mỹ tiết lộ.

Hiệp hội AWA ra khuyến cáo, mua hàng chính hãng từ các đại lý được ủy quyền là cách duy nhất nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời AWA cũng lên tiếng phản đối việc nhập khẩu và mua bán hàng xách tay trên thị trường do không thể kiểm soát được chất lượng cũng như xuất xứ các mặt hàng này. Hiện Hiệp Hội Đồng Hồ Hoa Kỳ đang xúc tiến việc thông qua bộ luật Rogue Websites nhằm đóng cửa các trang web bán đồng hồ nhái. Trận chiến đang diễn ra vì vấp phải sự phản đối gay gắt từ ngành công nghiệp Internet.

Ngành công nghiệp đồng hồ vẫn âm thầm nỗ lực chống hàng giả nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, sự bùng nổ của hàng superfakes đã gây tác động mạnh và tiêu cực hơn với các thương hiệu và cả người tiêu dùng. Các thương hiệu đồng hồ hoạt động độc lập để tự bảo vệ thương hiệu và sản phẩm của họ. Một số còn bỏ ra chi phí khổng lồ để phối hợp cùng chính quyền và các cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương, thậm chí lập cả nguồn điều tra riêng trong trận chiến chống xâm phạm sở hữu trí tuệ.

(Theo watchtime.com)