Cua đá – đặc sản khó cưỡng biển Quỳnh

Cua đá biển (người dân địa phương còn gọi là cập cập hay con cụng) từ lâu đã trở thành món ăn đặc sản vùng biển xứ Quỳnh, được du khách tìm mua và thưởng thức khi có dịp ghé thăm nơi này.

Cũng là cua biển nhưng cua đá không sống hoàn toàn dưới nước mà ở trong các hang, khe đá ven bờ biển. Ở Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, cua đá có nhiều ở các bãi đá Quỳnh Lập, Quỳnh Phương, Quỳnh Liên…

Cua đá có mai và các chi màu tím sẫm, dưới bụng hơi ngả màu vàng nhạt. Loại cua này rất khỏe, chạy nhanh nên để săn được nó, người dân thường soi đèn vào buổi tối hoặc sáng sớm, hoặc có thể đánh bằng lưới giăng dọc các bãi đá.

Cua đá biển có giá dao động từ 140.000 – 160.000 đồng/kg. Ảnh: Thanh Thủy

Anh Nguyễn Văn Tiến, một ngư dân săn cua đá ở bãi biển Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai) cho biết: “Loài cua này thường đi ăn vào đêm và rất tinh khôn, bắt cua đá thường phụ thuộc vào con nước ròng. Mùa này, nước ròng vào buổi chiều muộn, còn mùa hè nước ròng vào buổi sáng sớm. Ngoài cách bắt thủ công bằng tay, có thể dùng mồi như cá, tép thả vào lưới để nhử cua chui ra khỏi hang. Nếu may mắn, mỗi ngày có thể bắt được 5 -7kg cua đá.

Cua đá biển thường to gần bằng nắm tay, nặng trung bình 100 – 200g/con, cua cái chắc thịt hơn cua đực. Thịt cua đá rất thơm ngon và gạch của chúng  béo ngậy, đặc biệt là hai càng cua to dầy thịt bọc trong lớp vỏ rất cứng. Khác với cua biển và ghẹ, cua đá mang trong mình gạch rất nhiều và thường 100% cua cái đều có gạch.

Cua đá thường sống ở khe đá ven biển. Ảnh: Thanh Thủy

Trước đây, cua đá có rất nhiều, muốn cải thiện bữa ăn, người dân chỉ cần đi vài tiếng đã bắt được túi đầy. Khi ngành du lịch biển phát triển, cua đá trở thành món ăn đặc sản, có cầu ắt có cung, vì thế, đội săn cua chuyên nghiệp cũng hình thành từ đó.

Theo bí quyết của người dân nơi này, nếu hấp khi cua còn sống, gặp nước nóng cua sẽ rụng chân nên trước khi hấp, dội qua nước đá hoặc dùng tăm nhọn cắm vào tim cua rồi mới xếp vào nồi.

Cua đá rửa sạch, để nguyên con hấp bia là cách chế biến nhanh nhất mà vẫn giữ được hương vị thơm ngon khi thưởng thức. Ngoài hấp bia, người dân xứ Quỳnh còn “biến tấu” cua đá thành nhiều món khác cũng không kém phần hấp dẫn, được thực khách ưa chuộng như cua đá rang muối, cua đá rang me, cua đá hấp sả, bún riêu cua đá…

Cua đá hấp sả là món ăn được nhiều du khách ưa thích. Ảnh: Thanh Thủy

Hiện cua đá biển giá bán dao động từ 140.000 – 160.000 đồng/kg. So với ghẹ và cua biển, thịt cua đá dai và đậm đà hơn, mùi vị thơm đặc trưng nên khách du lịch đều muốn thưởng thức. Bởi vậy, các nhà hàng hải sản đều săn lùng và đưa vào thực đơn.

Chị Yến – chủ cơ sở thu mua hải sản ở phường Quỳnh Phương cho biết: Khách du lịch về biển Quỳnh Phương thường lựa chọn món cua đá và mua về làm quà. Mỗi ngày, cơ sở bán được khoảng 50 kg, mùa hè với số lượng bán gấp đôi, có hôm cháy hàng không đủ giao cho khách.

1436818420-ywxvcua_da_4_hfzr

Cua đá tuy không phải là sản vật mang lại giá trị kinh tế cao như các loại hải sản khác, nhưng nó cũng góp phần tăng thêm thu nhập cho ngư dân chuyên khai thác cua đá cung cấp cho khách du lịch.

Thị xã Hoàng Mai hiện có hàng chục cơ sở thu mua cua đá biển ở bãi biển Quỳnh Lập, Quỳnh Phương, Quỳnh Liên… Sau khi thu mua, cua đá sẽ được nuôi trong bể sục khí để giữ tươi sống.

Theo Thanh Thủy (baonghean )