Chùa Ngọc Hoàng hơn 100 năm tuổi linh thiêng giữa phố thị

Trên con đường Mai Thị Lựu, dẫn chúng tôi đến số 73, nơi tọa lạc là ngôi chùa Ngọc Hoàng, nằm ở quận Nhất, Tp.Hồ Chí Minh. Đây vốn là ngôi chùa nhỏ nhưng hằng ngày lại thu hút nhiều khách đến thăm, và cũng là điểm hấp dẫn cho khách du lịch nước ngòai khi mua các sản phẩm du lịch.

Ngọc Hoàng Điện – nơi lễ thờ thần Ngọc Hoàng

Chùa Ngọc Hoàng hay còn gọi là Ngọc Hoàng Điện, rộng khoảng 2.300m2. Cái tên này do một người tên Lưu Minh đặt ra, có nghĩa là nơi thờ thần Hoàng, ngôi chùa vốn được xây dựng từ năm 1892.

Phước Hải Tự – Miếu thờ thần Hộ Pháp.

Lối kiến trúc hoàn toàn theo lối của người Hoa, với nhiều hoa văn họa tiết được xây dựng bằng gạch xưa, mái lợp ngói âm dương với nhiều màu sặc sỡ. Được xây dựng từ năm 1892 và  trải qua 16 năm sau mới được khánh thành là Ngọc Hoàng Điện.

Phước Hải Tự – Khoảng sân rộng, du khách có thể nhìn tòan cảnh.

Theo sử sách ghi lại thì kiến trúc ban đầu được ông Lưu Minh (người Quảng Đông) xây dựng để thờ cúng cho việc làm ăn thuận lợi sau này đến năm 1982 chùa được hòa thượng Thích Vĩnh Khương tiếp quản.

Hồ nước giữa sân chùa – nơi du khách ngắm nhìn cá, rùa.

Kể từ đó ngôi chùa đã thuộc về Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, trong tâm thức của người Việt thì ngôi chùa này mang sự linh thiêng cùng nhiều ấn tượng với tên gọi là Phước Hải Tự nhưng người dân quen gọi là chùa Ngọc Hoàng hơn.

Chùa Phước Hải – nghi ngút khói tỏa trong sân.

Nói về kiến trúc các chùa chiền, thì ở Sài Thành ngày nay có rất nhiều ngôi chùa mang điểm chung là thờ phật như những ngôi chùa lớn như Vĩnh Nghiêm, Việt Nam Quốc Tự, Xá Lợi,… đây là những chùa được xem là quy mô lớn tại thành phố, với những kiến trúc phật pháp chẳng mấy khác nhau. Thì với Chùa Phước Hải có kết hợp giữa kiến trúc Hoa – Việt trong những năm 1800 và là nơi duy nhất có thờ thần Ngọc Hoàng.

Phước Hải Tự – thu hút khá nhiều khách đến thăm.

Với dân gian Ngọc Hoàng nghĩa là vị thánh tối cao và cũng là vua trên trời cao, ông rất đỗi nhân từ, một bậc thiên tôn vĩ đại. Chùa Ngọc Hoàng ngày nay đã trở thành một di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia với tên gọi là “Điện Ngọc Hoàng”.

Mái chùa đặc sắc với hình lưỡng long tranh nhau.

Với người Việt, đây là ngôi chùa rất linh thiêng, được nhiều du khách chọn làm nơi nghé thăm. Ẩn sau đó là từng nhân vật thần thánh siêu nhiên đã từng được nhắc. Đến để cầu tài lộc, cầu bình an hay đơn giản chỉ là trải lòng mình nơi cửa Phật.

Chùa Ngọc Hoàng – Những khỏang không ánh sáng độc đáo

Du khách khi bước vào ngôi chùa này, sẽ thấy thích thú với hồ nước, hoa sen, nơi giữa sân, trong khói hương bay tỏa khắp sân trên ngôi chùa hàng trăm năm tuổi. Chúng tôi nghỉ chân ở phía trước khoảng sân tựa ngắm dòng người lễ phật.

Thần Ngọc Hòang – cùng các chư vị quan thánh

Phía bên tay phải là nơi có hồ nuôi rùa, phần lớn rất nhiều rùa tập trung ở đây. Đây là một kiến trúc theo quan niệm Á Đông “trước có nước, sau có núi”. Dưới bóng cây đa hàng trăm tuổi đã có từ thời mới thành lập như một minh chứng lịch sử của thời gian, chúng tôi cảm thấy sự an bình như tìm về tĩnh lặng.

 Phước Hải Tự – Phật Chuẩn Đề (còn gọi Quan Âm)

Lối kiến trúc bố trí theo nhiều bố cục khác nhau như bên ngoài là cổng tam quan nối dài vào đến nơi bái đường. Cổng tam quan khá nổi bật với hình sóng nước của hai con rồng theo tư thế tranh nhau trên trời cao. Bên cạnh nét  trang trí đồ vật và hình nhân, phần trang trí cho kiến trúc bên ngoài cũng sử dụng nhiều hoa lá làm tươi mát mái chùa.

Phước Hải Tự  – Bến tay phải Ngọc Hoàng là Trấn Võ tay cầm kiếm – và các thiên tướng.

Chung quanh có hàng lang bao bọc tạo nên sự kính đáo và cách ly với sự ồn ào của thế giớ bên ngoài, những chiếc lồng đèn sắc đỏ Trung Hoa được treo trên cổng dẫn lối chúng tôi đến nơi chiêm bái đầu tiên.

Chùa Ngọc Hoàng có tổng cộng trên 300 tượng thờ, được phân bố trong ba gian thờ, mỗi gian nhà thờ là một tác phẩm kiến trúc mỹ thuật mang nét đặt sắc giữa thiên – địa. Gian lớn nhất là tiền điện nằm ở giữa, sau đó là trung điện và chánh điện. Gian ở giữa nối liền với cổng vào, đây là gian thờ các bậc thiên tướng và Ngọc Hoàng, theo thứ tự từ ngoài vào trong gồm có: Thổ địa bên trái cửa vào, Môn Quan bên phải cửa vào và Phật Dược Sư đặt ở giữa chánh điện.

Gian thờ Kim Hoa Thánh Mẫu và mười hai bà mụ.

Cung thờ Ngọc Hoàng ở giữa, du khách có thể thấy được vẻ uy nguy, khuôn mặt chữ điền bình thản, hai má cao và rộng, hai tay cầm cầm tịnh liễn, đầu đội mũ bình thiên, có các văn võ đứng hầu, đây là pho tượng lớn nhất trong chùa.

Gian địa phủ – Thần Hoàng (diêm vương) – Lỗ Ban.

Bên trái là cung thờ Chuẩn Đề Quan Âm với chiếc áo vàng nhiều cánh tay còn bên phải là cung thờ Thái Ất Chân Nhân cưỡi chim hạc ở trên cao và tứ đại kim quang, hòa thượng Đạo Minh, Bắc Phương Trấn Võ (vị vua trấn giữ phương Bắc, mô tả ông trong tư thế ngồi, chân tựa lên hai con vật: chân phải là rùa, chân trái là rắn – tượng trưng cho tà ma, yêu quái). Ngoài ra còn có các tượng thờ khác như: Nam Tào, Bắc Đẩu, Hoa đà tiên sư,… Các tượng thờ ở đây đều bằng gỗ, một số ít làm bằng giấy bồi, có lẽ nơi đây là nơi duy nhất còn lại các bức tượng này.

Đi qua gian tiền điện, du khách bước vào gian trung điện, hai gian này ngăn cách nhau bởi hành lang nhỏ chỉ đủ qua lại. Gian bên trái từ ngoài vào, từ trước ra sau có những hương án với các tượng thờ sau: Gian đầu tiên thờ Kim Hoa thánh mẫu, mười hai bà mụ và các nhũ mẫu chạm trổ tinh tế, họa tiết ấn tượng trong các tư thế nuôi dạy cho trẻ nhỏ, là gian cầu tự cho những người hiếm muộn.

Gian tiếp theo là Thập Điện Diêm Vương, gồm có thờ các Nhị Vị song án, Mã tướng quân, Thành Hoàng Lỗ Ban và Thái Tuế, trước đó là mười bức chạm gỗ cảnh mười cửa ngục phân bổ đều trên các bức tường. Nối liền 2 gian có các tượng thờ: Quan Âm, Kim Đồng, Ngọc Nữ, Địa Tạng Vương bồ tát,… Ngọc Hoàng Điện luôn mở, khách có thể bước chân vào bên trong chụp ảnh. Những mảng gỗ sậm từ tường cột đến từng bức tượng tạo cho không gian một vẻ tĩnh mặc.

Những bức trạm gỗ mô tả mười hai cảnh ở cửa ngục

Cảm giác nhẹ nhàng khi bước chân vào Điện Ngọc Hoàng chính là khoảng sân của chùa nơi đó khách có thể nghĩ ngơi, chụp ảnh, ngắm chim trời và rùa. Dưới bóng mát của cây đa hàng thế kỷ, bóng cây tỏa mát để chụp hình, và từng góc tường, từng ngọn cong vút của mái chùa hay những bức tượng đều dành cho du khách tham quan. Lúc chúng tôi đến là những ngày xuân, toàn không gian đã thấy khói hương nghi ngút như sương mù, từng người tấp nập chen nhau đốt từng nén nhang với bao thành ý trong năm.

Hay một chút may mắn để cầu may nơi vị Thần tài.

Một năm mới với nhiều điều may mắn: An khang – Hạnh phúc – May mắn cho gia đình, bản thân và cả cho xã hội, chúng tôi cũng đang mong như thế với bao điều tốt đẹp, đến chùa để cầu mong trước những linh tượng thần thánh đó cũng là một niềm tin mang đến cho con người một sức mạnh dù ở bất cứ nơi đâu và làm gì cũng phải cố gắng. Và đâu đó trong dòng người tất bật hôm ấy, tôi và mọi người sẽ có chung những ước mong cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Lễ hội lớn nhất của chùa là lễ Vía Ngọc Hoàng diễn ra vào mồng 9 tháng Giêng hoặc mồng 9 tháng 11 âm lịch thu hút khá nhiều khách đến chùa.

Hội Ngộ Du Lịch – Theo YuMe