‘Cấp cứu oxy’ cho F0 tại nhà

Gần 23h ngày 11/1, anh Đỗ Chí (Phó Bí thư Đoàn phường Lĩnh Nam), nhận được cuộc gọi cần oxy gấp cho một F0 đang điều trị tại nhà bị khó thở.

Anh Chí tức tốc mặc đồ bảo hộ, mang theo bình sát khuẩn, van, ống thở rồi ôm bình oxy, cùng một đồng nghiệp đi xe máy đến nhà F0. Khoảng 5-7 phút sau, anh có mặt tại nhà người bệnh. F0 là nam, 28 tuổi, sốt 39,5 độ, ho, khó thở, giọng khò khè, khàn đặc. Nhà còn có bố mẹ và em trai cũng nhiễm bệnh nhưng nhẹ hơn.

Sau khi lắp đặt oxy cho bệnh nhân thở, anh hỏi nhanh về tình trạng bệnh rồi dặn dò và hướng dẫn thêm cho người nhà. Toàn bộ quá trình diễn ra không quá 5 phút, mục tiêu giúp người bệnh nhanh chóng thở lại bình thường. May mắn, F0 trẻ, không có bệnh nền nên đáp ứng tốt. Chỉ số Sp02 (nồng độ oxy trong máu) sau đó tăng lên 92-95%, anh Chí yên tâm trở về trạm.

Chí cho biết đây là một trong hàng chục người được hỗ trợ oxy tại nhà (khi có biểu hiện khó thở) trong hơn 10 ngày qua. Phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, là đơn vị đầu tiên tại Hà Nội thực hiện dự án “ATM Oxy” để giúp đỡ F0 điều trị tại nhà. Các tình nguyện viên còn tham gia tư vấn dinh dưỡng, thuốc, cách chăm sóc người bệnh. Tất cả đều được tham gia lớp tập huấn, đào tạo trước khi nhận nhiệm vụ.

Những ngày qua, số ca nhiễm mới tại Hà Nội tiếp tục tăng. Riêng phường Lĩnh Nam có hơn 200 F0 đang được cách ly, điều trị tại nhà, và con số này vẫn đang tăng lên. Đại diện lãnh đạo phường cho biết, đơn vị đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm áp lực công việc, huy động cả đoàn viên thanh niên tham gia hỗ trợ. Nhóm này đang phối hợp nhân viên y tế theo dõi, hỗ trợ, động viên tinh thần người bệnh và là lực lượng nòng cốt trong chiến dịch “ATM Oxy” của phường.

Chí và các bạn tình nguyện đều từng tham gia chống dịch ở quận phường như trực chốt, tư vấn, hỗ trợ tiêm chủng, lấy mẫu… Sau khi cơ sở triển khai chương trình ATM Oxy, anh và mọi người tích cực tham gia. Nhóm hiện có 12 người, chia làm ba ca làm việc. Nhiệm vụ mỗi ngày là trực đường dây nóng, tư vấn và đưa bình oxy cho F0 cần. Trong đó, nhiệm vụ chính là cung cấp bình oxy, nên “trong người lúc nào có sẵn ống thở”.

Thông thường, mọi người phải hỏi tình trạng của bệnh nhân, lưu vào hồ sơ trước khi quyết định xem sẽ mang bình oxy đến hay gọi cấp cứu hỗ trợ. “Tùy thuộc tình hình từng F0 để chăm sóc phù hợp”, Chí nói. Ví dụ bệnh nhân tức ngực, khó thở nhẹ chỉ cần bình dung tích nhỏ kèm hướng dẫn cách thở, nằm sấp, dinh dưỡng tại nhà… Trường hợp nguy kịch, SpO2 giảm sâu, phải gọi 115 đến đưa đến bệnh viện.

Hoàng Mai là địa bàn rộng, đông dân cư, F0 nhiều nhưng đa số là nhẹ hoặc không triệu chứng. Tuy nhiên, vào buổi đêm, nguy cơ ca trở nặng nhiều hơn. Trong quá trình hỗ trợ, anh Chí luôn nhắc nhở mọi người chủ động, bởi “bình oxy là phao cứu sinh duy nhất nên không được để bệnh nhân chờ lâu”. Có hôm trong giờ nghỉ trưa, anh nhận được cuộc gọi từ F0. Không kịp gọi đồng đội quay về hỗ trợ, anh đặt bình oxy lên xe máy, kẹp ở giữa hai chân rồi lao đi, “mong trong lúc đó không có F0 nào trở nặng”, Chí kể lại.

Ban đầu, anh cũng lo lắng vấn đề bảo hộ phòng lây nhiễm khi trực tiếp tiếp xúc với F0. “Càng sợ càng phải cẩn thận”, Chí nói. Anh và mọi người dặn nhau thao tác nhanh nhưng chắc chắn, gọn gàng và chủ động hơn. Anh động viên và thuyết phục bố mẹ để được ủng hộ khi thực hiện nhiệm vụ này.

Mỗi ngày, trạm ATM Oxy nhận 20-40 cuộc gọi, trong đó có trường hợp đổi bình và tư vấn y tế. Hiện số cuộc gọi đã giảm so với thời gian đầu, đa số là F0 nhẹ và không triệu chứng, chỉ khoảng 10-15% F0 nặng.

Cũng nhiều bỡ ngỡ khi lần đầu tham gia, tình nguyện viên Nguyễn Quốc Triệu, 21 tuổi, nói anh bị ám ảnh không những cuộc gọi tư vấn ập đến dồn dập mà là khi nghe tin F0 nặng, cần hỗ trợ y tế khẩn cấp. Do đó, mọi người luôn cố gắng hết sức, hoàn thành nhiệm vụ để cứu được nhiều bệnh nhân nhất có thể.

Khó khăn khác là tìm địa chỉ nhà và đến nhanh nhất có thể. Nhiều gia đình ở sâu trong ngõ, mọi người mất nhiều thời gian để mò mẫm, di chuyển. May mắn chưa có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra do chậm trễ oxy từ khi triển khai chương trình.

“Chút sức lực này tuy bé nhỏ, không thể so sánh với lực lượng y tế tuyến đầu nhưng lại là ranh giới sinh tử với F0 tại thời điểm đó”, Triệu cho hay. “Chỉ khi người bệnh thở lại được, coi như đã qua được ải khó khăn nhất rồi”.

Các bạn tình nguyện viên túc trực theo dõi, hỗ trợ và sẵn sàng mang bình oxy đến tận nhà khi F0 cần. Tất cả thông tin của người bệnh được quản lý bằng phần mềm để giảm thiểu khối lượng công việc. Ảnh: Thuỳ An

Nửa tháng qua, Hà Nội liên tiếp dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới trong ngày. Đến ngày 9/1, hơn 36.000 F0 điều trị tại nhà, tăng cao so với gần một tuần trước (22.000 F0 điều trị tại nhà ngày 3/1). Thành phố tăng cường tiêm vaccine, cung cấp thuốc kịp thời và quản lý chặt F0 tại nhà, giảm tải cho y tế tuyến trên để các bệnh viện tập trung cứu chữa người có triệu chứng trung bình nặng và nguy kịch.

Ngày 5/1, Hà Nội khởi động trạm oxy ATM và điều phối oxy hỗ trợ điều trị F0 tại nhà. 1.000 bình oxy dung tích 8 lít, 200 bình 40 lít, 800 đồng hồ đo, 30 máy oxy loại 7 lít, 20 máy oxy loại 10 lít, 500 bộ chia oxy được phân bổ đến các quận huyện và Trạm y tế lưu động cấp xã, phường… để hỗ trợ F0. Ngoài ra, thành phố có nhiều trung tâm, tổ chức hỗ trợ oxy tại nhà. Các chuyên gia y tế đánh giá, đây là một cách làm hiệu quả trong bối cảnh hiện tại, nhằm góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm oxy, giảm áp lực y tế tại bệnh viện và giúp người bệnh sớm hồi phục.

Tuy nhiên, F0 cần tìm hiểu và sử dụng theo chỉ dẫn. Với F0 trẻ, khỏe, tiêm đủ mũi, không nên tích trữ oxy tại nhà, TS. BS Hoàng Thanh Tuấn (Bệnh viện 103) khuyên. Còn gia đình có F0 cao tuổi, vì lý do bất khả kháng cần điều trị tại nhà, phòng khi khó thở giữa đêm, cấp cứu chưa tới kịp,… có thể chủ động tìm kiếm để thở tại nhà, vượt qua nguy kịch như cách TP HCM đã từng làm trước đây.

Chí (lái xe) cùng Triệu đi đến nhà hỗ trợ F0 đang khó thở. Người tiếp xúc với F0 cần mặc đồ bảo hộ và sát khuẩn trước khi đến và khi rời khỏi nhà để đảm bảo an toàn. Ảnh: Thùy An

Nguồn: VNEXPRESS