Bốn bài học về tư duy đổi mới từ Charles Darwin

Đam mê khám phá, nghiên cứu, cách xử lý vấn đề phức tạp, nhận ra sai lầm được cho là giúp Charles Darwin tạo nên những nghiên cứu thành công.

Charles Darwin, nhà nghiên cứu sinh học người Anh, là một trong những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất mọi thời đại với thuyết tiến hóa nổi tiếng. Ngoài y học, những giải thuật dựa trên công trình của Darwin cũng được áp dụng trong mọi lĩnh vực, từ hậu cần đến kỹ thuật, và được cho là đóng góp lớn trong nghiên cứu trí tuệ nhân tạo.

Hơn 150 năm sau khi Darwin lần đầu xuất bản cuốn “Nguồn gốc các loài”, thuyết tiến hóa của ông vẫn là một trong những công cụ khoa học cần thiết và phổ biến nhất. Tuy nhiên, giá trị không chỉ nằm ở công trình nghiên cứu, mà quá trình tư duy đổi mới của ông cũng để lại nhiều bài học đáng giá.

Theo Greg Satell, cố vấn sáng tạo và là tác giả những cuốn sách về tư duy, bài học đầu tiên từ Darwin là giá trị của sự khám phá. Ngày nay, khi nghĩ đến đổi mới, hầu hết mọi người thường quan tâm đến khả năng thích ứng và tinh thần khởi nghiệp.

“Những người trẻ tuổi tham vọng thường tham gia một công ty khởi nghiệp và lặp lại quy trình đối với một sản phẩm đã thành công. Mục tiêu là rút ra những bài học từ thất bại nhanh chóng và ít tổn thất đó, rồi bắt tay vào một mô hình kinh doanh thành công trong khi vẫn còn vốn. Nếu không hiệu quả, họ lại tham gia một dự án khởi nghiệp khác và thử lại”, Satell lập luận.

Trong khi đó, Darwin đi theo con đường rất khác. Là một sinh viên bình thường, nhưng với niềm đam mê địa chất và sinh học, Darwin đã đăng ký tham gia hành trình kéo dài 5 năm trên con tàu HMS Beagle để khám phá Nam Mỹ và Thái Bình Dương vào năm 1831, với tư cách nhà tự nhiên học. Chính giai đoạn này đã mang lại cho ông những quan sát dẫn đến công trình đột phá.

Nhà khoa học người Anh Charles Darwin. Ảnh: Bảo tàng Nhiếp ảnh Quốc tế tại New York.

Những khám phá đầu tiên của Darwin liên quan đến địa chất. Ông tìm thấy hàng loạt vỏ sò trên đỉnh núi, giúp chứng minh lý thuyết rằng thế giới không phải lúc nào cũng như hiện tại, mà đã được hình thành qua hàng triệu năm. Vào đầu thế kỷ 19, đây được coi là một ý tưởng cấp tiến.

Tuy nhiên, điều khiến Darwin ấn tượng nhất là tính đa dạng đáng kinh ngạc của sự sống mà ông được tận mắt chứng kiến. Với một người chưa từng rời nước Anh, việc nhìn thấy mỗi vùng đất, hay hòn đảo nhỏ, lại phát triển các loài động thực vật hoàn toàn khác nhau là điều vô cùng mới mẻ. Những trải nghiệm trên hành chính này được cho là nền tảng của thuyết tiến hóa.

Satell đánh giá tư duy đổi mới của Darwin còn đến từ khả năng tổng hợp các ý tưởng sẵn có. Ngoài những khám phá mới, hành trình dài trên tàu HMS Beagle mang lại cho ông thêm nhiều thời gian đọc. Cuốn sách đặc biệt ảnh hưởng đến Darwin là “Nguyên lý địa chất” của Charles Lyell, giúp ông giải thích được những quan sát về vỏ sò trên đỉnh núi.

Sau khi trở về Anh, Darwin đọc được một bài luận của nhà nhân khẩu học Thomas Malthus, trong đó mô tả quá trình dân số phát triển nhanh hơn so với những nguồn lực tài nguyên hỗ trợ họ. Bài luận này được coi là mảnh ghép cuối cùng trong lý thuyết chọn lọc tự nhiên của Darwin.

Nếu thế giới liên tục biến đổi như Lyell đã chỉ ra, và dân số luôn lớn hơn lượng tài nguyên hỗ trợ họ như Malthus lập luận, thì hẳn sẽ có sự cạnh tranh không ngừng để tồn tại. Trong điều kiện như vậy, những đặc điểm thuận lợi đối với một môi trường nhất định sẽ được di truyền, đồng thời những đặc điểm không thuận lợi sẽ mất đi.

Vì vậy, lý thuyết của Darwin được cho là kết hợp giữa ý tưởng của Lyell về địa chất, quan sát từ Malthus về dân số, cùng những khám phá mà chính ông đã ghi chép tỉ mỉ trong suốt hải trình.

Mặc dù thuyết tiến hóa của Darwin đã được chứng minh là một trong những nghiên cứu thành công nhất lịch sử khoa học, nó vẫn không hoàn hảo và Darwin nhận ra điều đó ngay sau khi cuốn “Nguồn gốc các loài” được xuất bản. Một số khía cạnh của lý thuyết ban đầu mắc sai lầm nghiêm trọng, như ý tưởng về di truyền hòa hợp, trong đó cho rằng con cái được thừa hưởng trung bình các đặc điểm của bố mẹ.

Nếu quá trình di truyền diễn ra theo cách đó, những người trong gia đình sẽ trở nên ngày càng giống nhau qua thời gian, thay vì đa dạng hơn. Thêm vào đó, chọn lọc tự nhiên phụ thuộc vào khả năng thay đổi để thích nghi, nên ý tưởng về di truyền hòa hợp phản bác lại chính lý thuyết mà Darwin đang cố gắng hình thành.

Vì vậy, công trình của Darwin vẫn chưa hoàn chỉnh trong khoảng nửa thế kỷ, cho đến khi các nhà khoa học khác nhau tìm ra những quy luật chung về di truyền, vốn đã được nhà khoa học người Áo Gregor Mendel công bố từ năm 1865, ngay sau khi Darwin xuất bản “Nguồn gốc các loài”, nhưng hai người chưa từng biết đến công trình của nhau.

Theo Satell, Darwin còn để lại bài học về khả năng xử lý những vấn đề phức tạp bằng cách tiếp cận từng phần nhỏ. Lý thuyết của ông phức tạp đến mức tưởng như không thể tìm ra được, đặc biệt vào thời đại mà hầu hết mọi người sống cả đời tại nơi mình sinh ra, rất nhiều người không biết đọc và sách quá đắt so với số đông.

Darwin bắt đầu quá trình làm sáng tỏ ý tưởng, rằng hàng triệu loài cạnh tranh tồn tại trong một môi trường luôn biến đổi, bằng việc cần mẫn ghi chép về từng loài sinh vật ông tìm thấy.

Nhà lý luận Sam Arbesman cho biết các vấn đề phức tạp hiện nay cũng nên được tiếp cận như vậy. Việc lập danh mục và ghi chép từng phần nhỏ có thể giúp tìm ra một lý thuyết hoàn chỉnh hơn, như nghiên cứu của Darwin kết hợp với Mendel sẽ tạo ra công trình hoàn thiện.

Nguồn: VNEXPRESS