Bí kíp giữ thực phẩm tươi ngon trong tủ lạnh

Tủ lạnh giúp chúng ta bảo quản thực phẩm tốt hơn và mang lại nhiều tiện ích trong cuộc sống. Tuy nhiên, do một số thói quen sử dụng tủ lạnh không đúng cách nên đã biến nơi bảo quản thức ăn trở thành “ổ vi khuẩn” khiến chúng ta bị nhiễm bệnh khi sử dụng thực phẩm mất ATVSTP.    

Để giữ thực phẩm luôn tươi ngon, đảm bảo ATVSTP, chúng ta cần lưu ý những điều sau:

1. Không nên nhồi nhét quá nhiều thức ăn vào tủ lạnh:

Khá nhiều người nội trợ thường có thói quen mua và lưu trữ số lượng lớn thực phẩm trong tủ lạnh để luôn có đầy đủ nguyên liệu nấu ăn mà không phải đi mua nhiều lần. Tuy nhiên, khi có quá nhiều thức ăn bị nhồi nhét trong tủ lạnh, khí lạnh không thể tỏa đều đến mọi ngóc ngách. Do đó, một số gói thực phẩm sẽ không đủ lạnh khiến vi khuẩn dễ phát triển và gây ngộ độc khi ăn.

bi kip giu thuc pham tuoi ngon trong tu lanh

Khá nhiều người nội trợ thường có thói quen mua và lưu trữ số lượng lớn thực phẩm trong tủ lạnh để luôn có đầy đủ nguyên liệu nấu ăn mà không phải đi mua nhiều lần

2. Thường xuyên làm sạch tủ lạnh:

Khi cất thức ăn vào tủ lạnh, việc thức ăn bị rơi rớt, đổ tràn là điều khó tránh khỏi. Những mảng thức ăn này khi rơi trong ngăn bảo quản có thể phát sinh vi khuẩn gây bệnh sau vài ngày. Nếu để chúng tiếp xúc với các thức ăn khác sẽ làm lây nhiễm mầm bệnh. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, chúng ta cần phải lau sạch các vị trí thực phẩm, nước uống rơi rớt trong tủ lạnh. Hãy làm vệ sinh tủ lạnh ít nhất 2 lần/tuần bằng các dung dịch tẩy rửa thích hợp và nước sạch.

3. Không nên bảo quản thực phẩm thừa quá lâu trong tủ lạnh:

Chúng ta thường cất thức ăn còn thừa lại sau bữa ăn vào tủ lạnh. Với những hộp thức ăn thừa này, tốt nhất, bạn hãy ăn ngay vào bữa sau. Nếu không thể ăn kịp thì hãy đóng gói cẩn thận, đặt vào ngăn đá và sử dụng sớm nhất có thể. Thức ăn thừa để quá lâu trong tủ lạnh, ngay cả trong ngăn đá cũng vẫn khiến chúng mất đi hương vị và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, các thức ăn thừa có thể bảo quản khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, bạn nên sử dụng chúng trong vòng từ 2 – 4 ngày với nhiệt độ tủ lạnh từ 1,7 độ C – 2,2 độ C. Nếu không đảm bảo được nhiệt độ như vậy, đồ ăn rất dễ bị hỏng.

4. Không nên mở cửa tủ lạnh quá lâu:

Nhiều người có thói quen mở cửa tủ lạnh khá lâu để tìm kiếm đồ ăn trong đó. Hành động này khiến các thực phẩm đang bảo quản bên trong tiếp xúc với nhiệt độ nóng bên ngoài thời gian khá lâu dẫn đến ảnh hưởng chất lượng. Các chuyên gia thực phẩm khuyến cáo, chúng ta không nên mở cửa tủ lạnh lâu quá 2 phút.

5. Bí quyết giữ các loại rau, củ, quả trong tủ lạnh:

Khá nhiều người nội trợ có thói quen rửa sạch rau, củ, quả trước khi cất vào tủ lạnh. Về nguyên tắc, trong đa số các trường hợp, việc rửa rau củ quả sẽ loại bỏ các lớp bảo vệ bên ngoài, làm rau và trái cây chín nhanh hơn, kích thích sự hư hỏng và làm tăng nhanh quá trình hình thành nấm mốc. Do đó, chúng ta chỉ nên rửa rau và trái cây trước khi ăn mà không nên rửa rau củ trước khi bảo quản. Chúng ta nên tách riêng trái cây và rau, bảo quản ở các ngăn khác nhau của tủ lạnh và không nên đóng gói quá chặt. Loại bỏ các loại dây buộc hoặc dây thun rồi gói rau củ nhẹ nhàng bằng túi giấy, túi vải hoặc đồ đựng bằng thủy tinh. Với một số loại củ như cà rốt, củ cải, hành tây… hãy dùng màng bọc mỏng plastic cuốn bên ngoài để giữ ẩm trước khi cất vào tủ lạnh. Để bảo quản các loại rau, hãy chỉnh độ ẩm của ngăn này cao hơn vì độ ẩm sẽ giữ lại chất dinh dưỡng.

bi kip giu thuc pham tuoi ngon trong tu lanh

Về nguyên tắc, trong đa số các trường hợp, việc rửa rau củ quả sẽ loại bỏ các lớp bảo vệ bên ngoài, làm rau và trái cây chín nhanh hơn, kích thích sự hư hỏng và làm tăng nhanh quá trình hình thành nấm mốc

6. Cách bảo quản các loại thịt trong tủ lạnh:

Bạn có thể bảo quản thịt tối đa lên đến 1 tuần trong tủ lạnh. Sau mốc thời gian này, chúng có thể bắt đầu nhiễm khuẩn. Những loại thịt như xúc xích, salami… thì có thể để được đến 7 ngày vì loại thực phẩm này đã có sẵn chất bảo quản. Với thịt gà, bạn hãy cho vào một túi đông và bọc một lớp duy nhất để gà nhanh đóng đá. Nếu bảo quản theo cách này, thịt gà có thể để tới 6 tháng, nhưng càng để lâu thì mùi vị chất lượng loại thực phẩm này sẽ giảm xuống.

7. Cách bảo quản hải sản tươi lâu trong tủ lạnh:

Hải sản sau khi mua về phải sơ chế ngay trước khi cất vào tủ lạnh. Khi bảo quản cá ở tủ lạnh, cần loại bỏ phần ruột vì đây chính là tác nhân gây nhanh hỏng.  Để mực tươi lâu hơn phải loại bỏ phần ruột và lớp da bên ngoài, bọc vào túi ni lông rồi cho vào ngăn lạnh bảo quản. Tôm cần được cắt bỏ râu, rửa sạch, bảo quản ở ngăn đông nếu chưa muốn sử dụng ngay trong ngày. Các loại hàu, điệp, sò, ngao… cần rửa sạch chất bẩn trước khi cất vào tủ lạnh. Nên đóng loại thực phẩm này vào các hộp riêng rồi bảo quản xa những thực phẩm khác. Với cua, ghẹ chỉ cần rửa sạch rồi cho vào hộp, bảo quản ở tủ đông hoặc tủ mát tùy theo thời gian bạn sẽ mang đi chế biến. Lưu ý, khi lấy hải sản từ tủ đông ra nên rã đông trước ở ngăn mát để đảm bảo độ tươi ngon.

Nguồn : phapluatxahoi