Bé gái ngã vào bồn nước nấu rượu bỏng toàn thân

Bé gái 9 tuổi nhập viện với vết thương bỏng lớn, diện tích tổn thương 90% vì ngã vào bồn nước sôi nấu rượu, thoát nguy kịch sau một tháng tưởng chừng không thể cứu.

Gia đình làm nghề nấu rượu lâu năm. Một tháng trước bé gái không may trượt chân ngã xuống bồn nước sôi dùng để nấu rượu, ngập toàn bộ từ phần ngực trở xuống. Người nhà sơ cứu bằng cách cởi quần áo con, dội nước mát rồi đưa đi bệnh viện. Bé được chuyển từ viện tỉnh Thái Nguyên lên Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Hà Nội) cấp cứu hôm 24/9. Các bác sĩ xác định bệnh nhân bỏng 90% diện tích cơ thể, sốc nhược, phải thở máy hỗ trợ, toàn thân phù nề to, tiên lượng tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Minh, Khoa hồi sức, cho biết bệnh nhân bỏng gần như toàn bộ cơ thể, trong đó 30% bỏng sâu. Tình trạng diễn biến xấu nhanh chóng, song vết thương quá lớn, tổn thương rộng nên bé chưa thể phẫu thuật ngay. Các bác sĩ chỉ xử trí ban đầu rồi đắp gạc thuốc băng kín, tiếp tục theo dõi.

Sau hai tuần chăm sóc, dùng giảm đau an thần, ngày 11/10 bé đủ điều kiện sức khỏe để phẫu thuật cấy ghép da. Bác sĩ cắt hoại tử và ghép da tự thân, lấy vùng da đầu và da lưng để ghép vào tổn thương trên cơ thể. Trẻ gặp nhiều biến chứng trong quá trình điều trị như suy mòn, nhiễm nấm, nhiễm khuẩn vết thương. “Quá trình điều trị tích cực lâu dài, da ghép lâu liền”, bác sĩ nói.

Một tuần sau, bệnh nhân được ghép da lần hai. Phần tổn thương được che phủ gần như toàn bộ, tình trạng nhiễm khuẩn cải thiện, tinh thần bé ổn định hơn. Bé tiếp tục theo dõi sát, bổ sung dinh dưỡng để tăng đề kháng và tập phục hồi chức năng khi vết thương lành.

Theo bác sĩ Minh, bé là một trong trường hợp bỏng rất nặng được cứu sống. Tuy nhiên, quá trình hồi phục của bé còn rất dài do chấn thương và các biến chứng sau bỏng.

“Tuy nhiên giai đoạn khó khăn nhất đã qua”, bác sĩ Minh nói.

Bác sĩ Ngọc Minh kiểm tra, thăm khám cho bệnh nhi tại buồng bệnh ngày 28/10. Bé có thể nói câu ngắn, sức khỏe dần hồi phục. Ảnh: Thùy An

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bỏng chiếm vị trí hàng đầu trong những tai nạn xảy ra tại nhà ở trẻ em và là nguyên nhân đứng thứ hai gây tử vong cho trẻ.

Tại Việt Nam, Bệnh viện Bỏng Quốc gia tiếp nhận bệnh nhân bỏng nhiều nhất cả nước. Mỗi năm, các bác sĩ điều trị hàng nghìn ca, trong đó khoảng 500 ca bỏng nặng, nhiều trường hợp nặng là trẻ nhỏ. Tác nhân gây bỏng ở trẻ chủ yếu là nước sôi, lửa, hóa chất, điện và sử dụng đồ dùng không đúng cách.

Do ảnh hưởng Covid-19, bệnh nhân bỏng nhập viện do tai nạn lao động giảm song tai nạn sinh hoạt tăng cao. Có những trẻ bị bỏng nặng do ngã vào nồi canh hay tiếp xúc với bàn ủi còn nóng/bàn ủi đang cắm điện, có cháu bị bỏng nước khi cùng mẹ pha nước tắm, có bé bị bỏng dầu mỡ sôi do tiếp xúc với bếp…

Tai nạn bỏng không chỉ gây đau đớn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý của trẻ mà còn có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

Bác sĩ khuyến cáo, khi bị bỏng, cần đưa vết bỏng vào dưới vòi nước hoặc vào chậu nước mát và sạch để giảm nhiệt độ bỏng, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương, hạn chế tổn thương lan rộng.

Tuyệt đối không dùng nước đá lạnh để làm mát. Không áp dụng các biện pháp truyền miệng như phun rượu, bôi kem đánh răng, lòng trắng trứng lên vết bỏng để tránh làm gia tăng tổn thương. Sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế.

Nguồn: VNEXPRESS