5 quốc gia đáng sống nhất nếu bạn là phụ nữ

Nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay đang hướng đến bình đẳng giới, nhưng phụ nữ ở 5 quốc gia sau đây được các chị em “ghen tị” nhiều hơn bất cứ nơi nào khác.

1. Thụy Điển

Thụy Điển là quốc gia ‘vô địch’ về việc đề cao quyền của phụ nữ và điều này được thể hiện trong rất nhiều chính sách của quốc gia này: Phụ nữ được miễn phí hoặc nhận phụ cấp cho chăm sóc trước khi sinh, cả bố và mẹ có số ngày nghỉ chăm số con lên đến 480 ngày.

Về giáo dục, Thụy Điển cũng đã giáo dục về bình đẳng giới từ rất sớm, và là một trong số ít các nước có tỷ lệ phụ nữ học lên các bậc học cao nhiều hơn nam giới, với 2/3 các bằng cấp Đại học trở lên đều thuộc về nữ giới.

Thụy Điển cũng là nước ủng hộ việc nữ giới nắm quyền lãnh đạo – một nửa số Bộ trưởng là phụ nữ, và vào năm 2014, phụ nữ chiếm đến 43,6% trong giới nghị sĩ.

Điều đó cho thấy Thụy Điển là một quốc gia tuyệt vời để phụ nữ theo đuổi những tham vọng các nhân trong sự nghiệp mà vẫn có thể cân bằng với hạnh phúc gia đình.

2. Đan Mạch

Đan Mạch là quốc gia xếp thứ 19 trong 144 nước về mức độ cân bằng giữa nam và nữ cả về giáo dục, y tế, kinh tế và chính trị.

Không những thế, Đan Mạch cũng là một trong những nước có chính sách nghỉ thai sản linh hoạt nhất.

3. Na Uy

Tại Na Uy, phụ nữ có thể nhận nguyên lương 35 tuần hoặc 80% lương trong 45 tuần khi nghỉ thai sản, và đứng thứ 3 thế giới về sự cân bằng quyền lợi giữa nam và nữ.

4. Hà Lan

Phụ nữ Hà Lan tìm thấy niềm vui khi cân bằng giữa công việc và đời sống riêng tư

Những bà mẹ trẻ ở Hà Lan được hưởng quyền lợi đặc biệt, đó là mỗi người lại có một y tá chăm sóc trong kỳ thai sản riêng, chi phí được hỗ trợ hoặc chi trả ít nhất một phần bởi bảo hiểm.

Một điểm khác biệt trong xu hướng đấu tranh vì nữ quyền ở Hà Lan, đó là các quyền lợi như số giờ lao động hay sự chênh lệch trong mức lương cơ bản dường như ít nằm trong mối bận tâm của họ.

Sở dĩ có điều này bởi đa số phụ nữ Hà Lan kiếm tiền thông qua các công việc bán thời gian, vậy nên họ quan tâm đến quyền lợi với các công việc bán thời gian nhiều hơn.

Sự hạnh phúc hay hài lòng của các phụ nữ Hà Lan không gắn với việc họ hơn thua với nam giới ở nơi công sở, dấy lên những tranh luận xem liệu phong trào nữ quyền nên hướng đến sự so sánh với nam giới, hay sự cân bằng giữa công việc và đời sống của phụ nữ.

5. Phần Lan

Vào năm 1906, Phần Lan đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới mà phụ nữ có quyền bầu cử và tham gia tranh cử.

Đến năm 2017, Bộ Văn hóa và Giáo dục Phần Lan đã gửi tặng tất cả các học sinh lớp 9 cuốn sách “Tất cả chúng ta đều nên là những nhà hoạt động nữ quyền” của tác giả Chimamanda Ngozi Adichie, cho thấy thông điệp mạnh mẽ của quốc gia này về hoạt động nữ quyền.

Phong trào nữ quyền đang ngày càng mạnh mẽ trên khắp các quốc gia

Bên cạnh các quốc gia vốn nổi tiếng về mức sống cao, Phillipines cũng đã có những thành tựu nhất định về bình đẳng giới.

Theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2016, Phillipines đã xếp thứ 7 về mức độ bình đẳng giữa nam và nữ trong giáo dục và lao động.

Hiện nay, phong trào bình đẳng giới ở Việt Nam cũng đang ngày càng mạnh mẽ, điển hình là chương trình HeForShe – Vì những người phụ nữ quanh ta đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo, các đại sứ, các nghệ sĩ nổi tiếng và hơn 750.000 người dân tại Việt Nam.

Nguồn: Báo Mới