3 lưu ý để ngăn chặn đồ đạc lật, đổ

Ai cũng muốn nhà là nơi an toàn nhưng các trường hợp bị thương do đồ đạc lật, đổ vẫn thường xuyên xuất hiện.

Mỗi tháng, bác sĩ Warwick Teague ở Bệnh viện Nhi Hoàng gia Melbourne lại tiếp nhận một em bé nhập viện vì lý do trên. Tính từ năm 2000 đến nay, Australia ghi nhận 27 người chết vì đồ đạc đổ, trong đó 20 trường hợp là trẻ dưới bảy tuổi.

Tất cả các nhóm tuổi đều có nguy cơ gặp nguy hiểm khi bị nội thất hoặc tivi đè lên. Tuy nhiên, theo bác sĩ Warwick Teague, trẻ dưới năm tuổi đặc biệt nguy hiểm bởi do tầm vóc nhỏ, chúng dễ bị tổn thương từ đầu đến chân.

Nhiều trẻ em bị thương do nội thất đổ. Ảnh: The Guardian.

Năm nay, trong bối cảnh dịch bệnh khiến con người ở nhà nhiều hơn, mối quan tâm về độ an toàn của nội thất càng tăng lên. Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) xác định ba yếu tố chính có thể ảnh hưởng đến nguy cơ đổ của nội thất bao gồm thiết kế, độ neo giữ, hành vi người tiêu dùng. Theo Delia Rickard, phó chủ tịch ACCC, để đảm bảo an toàn cho các thành viên, mỗi gia đình cần cân nhắc cả ba yếu tố đó theo những lời khuyên dưới đây.

Suy nghĩ về thiết kế sản phẩm

Báo cáo của ACCC cho thấy nội thất sẽ chắc chắn hơn khi được thiết kế thấp, rộng, sâu và nặng ở dưới giống như những món đồ cũ “từ thời ông bà”. “Đồ nội thất hiện đại thường phẳng, nhẹ và chưa chắc có phần đế đủ nặng nên trừ khi gắn chặt, chúng rất có khả năng đổ”, Rickard nói.

Với tivi cũng vậy. Ngày nay, tivi mỏng và to hơn nên nếu không được treo lên tường, phần đế giữ tivi càng cần phải chắc chắn.

Sử dụng dây an toàn nếu có thể

Những bộ dây an toàn giúp nội thất và tivi gắn chặt vào tường hoặc một bề mặt an toàn nào khác, từ đó tăng độ neo giữ và hạn chế nguy cơ rơi, đổ, trượt.

Khi sắm nội thất, gia chủ nên lựa chọn những món đồ có sẵn dây an toàn để đỡ phải mua riêng. Bên cạnh đó, hãy kiểm tra kỹ hộp đựng của món đồ mình mua bởi nhiều gia chủ không biết nội thất mình mua đi kèm dây an toàn và lỡ vứt mất. “Nếu bạn thấy dây an toàn, hãy nhớ dùng”, Christine Erskine, giám đốc điều hành tổ chức bảo vệ an toàn trẻ em Kidsafe NSW khuyến cáo.

Gia chủ có thể tự lắp đặt bộ neo giữ bằng cách xem hướng dẫn trên mạng hoặc thuê thợ chuyên nghiệp.

Có nhiều cách neo giữ nội thất không làm hỏng tường. “Tuy nhiên, rốt cuộc, không bức tường nào quan trọng hơn đứa trẻ”, bác sĩ Teague nói.

Ngoài dụng cụ neo giữ như dây an toàn, ACCC đưa ra một số lưu ý về bố trí đồ đạc như sau:

Không đặt đồ đặc trên thảm dày hoặc thảm không bằng phẳng bởi điều này tăng nguy cơ nội thất lật, đổ.

Không đặt vật nặng như tivi lên những nội thất không được chịu lực tốt.

Để đồ nặng nhất ở ngăn/kệ dưới cùng. Ví dụ như từ điển chắc chắn phải nằm ở ngăn sách dưới cùng.

Sử dụng nội thất đúng mục đích. Tránh dựa vào nội thất hoặc đứng lên bàn, ghế.

Đừng khiến trẻ con tò mò

Nhiều trường hợp trẻ bị thương do trèo lên đồ đạc. “Khi trẻ trèo lên ngăn kéo đang mở hoặc kệ đồ, trọng lượng của nó sẽ khiến trọng tâm di chuyển về phía trước, từ đó làm tăng nguy cơ lật, đổ nội thất”, ACCC lý giải.

Bà Erskine nhận định “kệ đồ trông càng thú vị, trẻ càng thích leo trèo”. Vì thế, người lớn nên tránh bày đồ chơi hoặc những thứ bắt mắt lên các kệ đồ trên cao.

Bác sĩ Teague thì cho biết nhóm tuổi hay bị chấn thương do đồ đạc đổ nhất là trẻ dưới ba tuổi bởi ở tuổi này, trẻ tò mò và hiếu động nhưng lại chưa thể nhận thức những rủi ro.

“Người chăm sóc cần cho trẻ cơ hội khám phá an toàn. Ví dụ, khi mua đồ, bạn hãy đánh giá nguy cơ lật, đổ của nó hoặc xem có cách nào đảm bảo an toàn không. Nếu cần, hãy cân nhắc các lựa chọn khác”, bác sĩ Teague khuyên.

Nguồn: VNEXPRESS