21 ngày đến ‘những vùng đất hạnh phúc’ của du khách Việt

Mai Hoàng Đạt (TP HCM) chia sẻ lịch trình, kinh nghiệm về chuyến thăm 4 nước Bắc Âu gồm Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Iceland.

Các quốc gia Bắc Âu luôn nằm ở vị trí cao trong bảng xếp hạng những nơi hạnh phúc nhất thế giới, theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới hàng năm. Đây cũng là nguồn cảm hứng cho hành trình 21 ngày đêm đến những vùng đất này của Mai Hoàng Đạt (TP HCM). Người sáng lập blogger du lịch Kiri Travel đến 4 nước Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Iceland trước khi đại dịch xuất hiện.

Bức ảnh này được chụp trong chuyến đi của Đạt tại Iceland. Ảnh: NVCC

Lịch trình chi tiết:

Đan Mạch

Di chuyển: Đạt bay từ TP HCM đến Paris, Pháp. Sau khi ở lại tham quan hai ngày, anh đến thủ đô Copenhagen. Tại sân bay, anh ra quầy vé tự động mua vé tàu vào trung tâm với giá 40 DKK (gần 140.000 đồng). Đạt mua vé City Pass để có thể đi lại thoải mái trong trung tâm thành phố bằng phương tiện công cộng và ra cả sân bay với giá 80 DKK một ngày (gần 280.000 đồng). Nếu mua lẻ, bạn có thể mua vé trực tiếp trên xe bus với giá 24 DKK (gần 84.000 đồng).

Địa điểm tham quan: Khu tự trị Freetown Christiania; bến cảng mới Nyhavn (từng xuất hiện trong phim Danish Girl – Cô gái Đan Mạch), Tháp tròn Rundetårn với giá vé vào cửa 25 DKK (gần 88.000 đồng), Lâu đài Rosenborg; vườn bách thảo; dãy nhà gạch màu vàng ở Nyboder và tượng Nàng tiên cá bé nhỏ (Den lille Havfrue)

Ăn uống: Smørrebrød là món ăn truyền thống phổ biến ở Đan Mạch. Đây là loại bánh sandwich gồm một lát bánh mì rye, cá hoặc thịt, rau và nước sốt rưới lên trên cùng. Bạn có thể tìm thấy món này ở hầu hết nhà hàng trong thành phố. Nơi chuyên bán Smørrebrød là Hallernes Smørrebrød. Giá cho một phần Smørrebrød từ 95 DKK (333.000 đồng).

Thụy Điển

Di chuyển: Từ Copenhagen, Đạt bắt xe bus Flixbus đến thủ đô Stockholm. Nếu bạn đáp xuống sân bay thì có ba cách để vào thành phố: bắt tàu Arlanda Express (giá vé 16 euro, tương đương 416.000 đồng) và di chuyển hết 20 phút. Đây là cách nhanh nhất. Bạn có thể đi tàu thường với giá gần 14 euro (320.000 đồng), đi mất 40 phút hoặc xe bus sân bay, hết 40 phút với giá khoảng 11 euro.

Trong trung tâm thành phố, Đạt mua vé Stockholm pass đi được hop on – hop off, vào cửa miễn phí mọi điểm tham quan ở thành phố với giá hơn 60 euro một ngày (1.500.000 đồng). Ngoài ra, bạn có thể mua Stockholm travel, loại vé đi được mọi phương tiện công cộng trong thành phố với giá 13 euro (330.000 đồng) một ngày.

Địa điểm tham quan: Bảo tàng tàu chiến Vasa (giá vé khoảng13 euro, miễn phí cho trẻ dưới 18 tuổi); phố cổ Gamla Stan (ngắm cung điện hoàng gia, xem màn trình diễn diễu binh, đổi gác), Stockholm City Hall, Monteliusvägen, bảo tàng ngoài trời Skansen.

Ăn uống: Uống cà phê ở quán Chokladkoppen trong khu phố Gamla Stan và tìm hiểu văn hóa uống cà phê Fika của người địa phương (mọi người đi chung một nhóm để trò chuyện thay vì đi một mình). Nếu đã đi Fika thì không thể thiếu bánh ngọt hay fikabröd (bánh mì ăn với Fika).

Khung cảnh tuyệt đẹp ở Bắc Âu khiến chàng trai trẻ mê mẩn. Ảnh: NVCC

Na Uy

Di chuyển: Đạt bắt chuyến bay của SAS Airlines đến Bergen, Na Uy. Tại sân bay Bergen, anh ra quầy vé tự động mua vé tàu vào trung tâm với giá 38 NOK (gần 95.000 đồng). Trung tâm thành phố khả nhỏ, nên Đạt chỉ bắt xe bus đến đây rồi đi bộ, dạo vòng quanh.

Địa điểm tham quan: Đi Flåm Railway (chuyến xe lửa đẹp nhất thế giới) với tổng chiều dài 20 km, gồm 20 đường hầm xuyên núi với 18 đường hầm được đào bằng tay. Đây cũng là điểm du lịch đông khách thứ ba ở Na Uy với hành trình dài gần 1 tiếng. Sau đó, Đạt đi dạo để mua sắm và lên du thuyền đi Sognefjord, một trong những vịnh hẹp nổi tiếng nhất đất nước. Vé du thuyền hơn 900 NOK một chiều (hơn 2,3 triệu đồng).

Sau đó, Đạt trekking để đến mỏm đá lưỡi quỷ nổi tiếng thế giới Trolltunga. Đây là hành trình dài và gian nan nhất trong chuyến đi ở Na Uy, đòi hỏi du khách phải có sức khỏe, ý chí, lòng kiên nhẫn và sự bền bỉ. Từ Bergen, anh bắt xe bus 930 đến Odda, rồi bắt Shuttle Odda (khứ hồi) để đến Trolltunga. Ngoài ra, bạn có thể bắt taxi.

Những thứ Đạt mang theo cho chuyến trekking gồm: nước uống, thức ăn dự trữ, giày leo núi có độ bám cao, găng tay (vì anh đi vào mùa lạnh), quần áo để thay, áo khoác nhẹ, đồ giữ nhiệt, áo mưa, khăn quàng cổ, gậy leo núi, túi ngủ, bộ lều trại.

Ăn uống: cá hồi Na Uy. Đạt mua ở siêu thị rồi đem về khách sạn tự chế biến.

Iceland

Di chuyển: Từ Bergen, Đạt đáp chuyến bay của hãng Icelandair đến thành phố Reykjavik. Các phương tiện giao thông đi lại chính ở Băng Đảo gồm: xe bus, taxi, thuê xe ôtô.

Vì Iceland có địa hình khó lái, nên phương tiện ở đây hạn chế. Mọi người chủ yếu di chuyển bằng xe bus. Tuy nhiên, các chuyến bus trong ngày không nhiều, thời gian cách nhau khá lâu. Do đó, nếu muốn khám phá những địa điểm đẹp-độc-lạ, đây không phải lựa chọn tốt nhất.

Đạt thuê xe ôtô và thuê tài xế riêng lái xuyên suốt hành trình đến Iceland. Anh cho biết cách này có thể khám phá hầu hết mọi ngóc ngách của đất nước, rất tiện và tự do, thoải mái.

Điểm đến tham quan: Hồ Blue, thủ đô Reykjavik, mạch nước ngầm Geysir, thác vàng Gullfoss, hồ miệng núi lửa Kerið, các sông băng…

Ăn uống: Các món nên thử là cá mập thối (Hákarl), thịt cừu. Nhà hàng khá đắt đỏ, và chỉ trung tâm mới có nhiều quán. Do đó, Đạt thường mua đồ siêu thị về nơi lưu trú chế biến.

Thời điểm nên đi Bắc Âu

Nên đi từ tháng 6 đến cuối tháng 8, vì lúc đó ngày dài đêm ngắn. Bạn có niều thời gian khám phá, tham gia các hoạt động ngoài trời và thời tiết không quá lạnh (13-20 độ C). Nếu muốn săn cực quang, thời gian đến là tháng 11 đến tháng 2 năm sau.

Đật chia sẻ khi đi xe bus,tàu, hay máy bay tại các quốc gia này, bạn nên có mặt sớm. Ga tàu, sân bay rất rộng, terminal cách nhau khá xa, phải đến sớm để không bị trễ chuyến. Ảnh: NVCC

Chuẩn bị trước khi đi:

Để lên lịch trình đi du lịch châu Âu, cách đơn giản nhất là tạo danh sách liệt kê tất cả điểm đến, thời gian, và ghi chú kèm chi phí để dễ quản lý tài chính. Đạt đặt trước khách sạn ở các nơi lưu trú trên booking, airbnb. Vì cả 5 nước đều nằm trong khối Schengen, Đạt xin visa Pháp, vì tỷ lệ đậu cao hơn những nước Bắc Âu.

Giấy tờ xin visa:

– 2 hình thẻ 3,5×4.5 cm, nền trắng (mặt chiếm 70% ảnh)

– Hộ chiếu còn hạn ít nhất 6 tháng, nộp kèm bản photocopy có công chứng

– Sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn (nếu có) bản photocopy, dịch công chứng

– Sổ tiết kiệm tối thiểu 200 triệu đồng (Giấy xác nhận số dư và bản gốc sổ tiết kiệm)

– Giấy tờ đứng tên nhà đất, sổ đỏ (nếu có)

– Các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu của bất kì tài sản (nếu có)

– Hợp đồng lao động (bản sao có dấu mộc treo của công ty hoặc bản photo công chứng)

– Sao kê ngân hàng tài khoản nhận lương (3-6 tháng gần nhất)

– Bảng lương 3-6 tháng gần nhất (có mộc treo của công ty)

– Giấy xin nghỉ phép với lý do đi du lịch, ghi rõ thời gian nghỉ trong giấy và có chữ ký đóng dấu của công ty. Nếu là chủ doanh nghiệp thì cung cấp giấy phép kinh doanh, giấy tờ đóng thuế nhà nước và sao kê tài khoản ngân hàng đang giao dịch 3 tháng gần nhất.

Giấy tờ, đồ dùng cá nhân cần chuẩn bị

– In tất cả các giấy tờ: bảo hiểm du lịch, booking, vé máy bay, vé tàu, vé tham quan trước ở nhà. Đổi trước tiền các nước dự định ghé thăm. Chuẩn bị một túi bao tử nhỏ để tiền passport mang trong người, chỉ để một ít tiền ở ngoài để dùng đề phòng trộm cắp, móc túi…

– In danh sách địa chỉ của Đại Sứ Quán Việt Nam ở các nước bạn đến, phòng trường hợp mất giấy tờ.

– Mang theo pin sạc dự phòng, ổ cắm chuyển đổi đa năng (nhiều nước châu Âu có ổ cắm khác chân với giắc cắm tại Việt Nam).

– Đánh dấu ngôi sao lên các điểm đến trên Google map.

– Mua sim 4G (Đạt mua sim Three UK 12GB dùng trong 30 ngày).

– Thuốc đau bụng, panadol, hạ sốt…

– Chuẩn bị một đôi giày thể thao êm chân vì đi bộ rất nhiều và cả dép.

– Chuẩn bị dung cụ hỗ trợ chụp hình như gậy selfie, tripod…

Làm checklist để kiểm tra lại tất cả trước khi bắt đầu chuyến đi.

Nguồn: VNEXPRESS