20 thanh niên Trung Quốc xếp hàng để được hẹn hò một cô gái

Hình ảnh 20 chàng trai xếp hàng để lấy thông tin của một cô gái trong buổi mai mối ở Giang Tây khiến dư luận Trung Quốc xôn xao.

Trong buổi mai mối giấu mặt được tổ chức ở tỉnh Giang Tây vào đầu tháng 1, số nam giới độc thân tham gia áp đảo lượng “ứng viên” nữ. Trong sự kiện này, các ứng viên tự giới thiệu về chiều cao, giới tính, cân nặng, sở thích, học vấn và gia đình, được thể hiện bằng mã QR trong những tờ giấy được dán lên tường hội trường.

Video đang lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy hơn 20 chàng trai xếp hàng chờ quét mã QR WeChat trên tờ giấy giới thiệu của một cô gái, với hy vọng có thể thu xếp được một cuộc hẹn hò với cô.

“Tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng. Tôi thà sống độc thân cả đời còn hơn”, người đàn ông quay video nói.

Video đang được chia sẻ mạnh mẽ trên mạng xã hội Trung Quốc, với khoảng 48 triệu lượt xem trên nền tảng Weibo cùng hàng chục nghìn lượt bình luận. Một số người dùng Weibo viết rằng họ “không thốt nên lời” khi nhận thấy tình trạng chênh lệch nam nữ quá nghiêm trọng như vậy.

Nam giới độc thân xếp hàng lấy thông tin hẹn hò trong sự kiện mai mối giấu mặt ở tỉnh Giang Tây vào tháng 1. Ảnh: Weibo.

Nhiều người dùng mạng xã hội cho rằng cảnh tượng ở Giang Tây là hệ quả từ “chính sách một con” được áp dụng trong thời gian dài ở Trung Quốc. Chính sách này cộng với tâm lý trọng nam khinh nữ được cho là đã khiến dân số Trung Quốc mất cân bằng giới tính nghiêm trọng.

“Cảnh tượng này khác xa những khu vực thành thị, nơi có nhiều phụ nữ lỡ thì. Các điểm mai mối trong công viên chỉ toàn tờ giới thiệu của nữ giới”, một người dùng mạng xã hội bình luận.

Nhiều người Trung Quốc cho rằng phụ nữ “lỡ thì” là những cô gái chưa kết hôn khi quá 25 tuổi ở nông thôn hoặc 30 tuổi ở thành thị.

Lớp học hẹn hò dành cho nam giới Trung Quốc ở tỉnh Sơn Đông vào năm 2018. Ảnh: CGTN.

Trung Quốc hiện có khoảng 722 triệu nam giới và 690 triệu nữ giới, với mức chênh lệch 32 triệu người. Phần lớn nam giới độc thân Trung Quốc thuộc thế hệ được sinh ra trong giai đoạn nước này thực thi chính sách một con, kéo dài từ năm 1980 đến năm 2015.

Tình trạng nam giới không tìm được cơ hội kết hôn diễn ra nghiêm trọng nhất ở vùng nôn thông, nơi tâm lý chuộng con trai đã ăn sâu vào văn hóa người dân từ nhiều đời.

Tình trạng mất cân bằng trong tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái hàng chục năm, cộng với xu hướng phụ nữ trưởng thành đến thành thị kiếm việc làm, khiến cho nam giới độc thân ở các vùng nông thôn Trung Quốc ngày một nhiều.

Theo SCMP