Người thành công là người thích tạo rắc rối

Đôi khi bạn cảm thấy lưỡng lự giữa những lựa chọn, bạn nhập nhằng trong việc quyết định, bạn sợ sai chỗ này, sai chỗ kia, mọi thứ gần như “kẹt” lại và trở nên khó khăn hơn với bạn. Tuy nhiên đó là những biểu hiện ban đầu của việc vươn đến thành công.

Một bộ phim hấp dẫn là khi nó được tạo thêm nút thắt vào câu chuyện, nút thắt đó có thể là những rắc rối, biến cố hoặc cảm xúc bất thường của nhân vật. Và hiển nhiên, nhân vật đóng vai trò “tháo” nút cho câu chuyện của mình bằng cách vượt qua những rối rắm ấy và đạt được mục đích hoặc thành công nào đó do bản thân đặt ra.

Phim họa đời sống. Mỗi “nhân vật” ngoài đời trước khi bước đến thành công họ cũng có hàng vạn câu chuyện rắc rối. Những lựa chọn, quyết định đẩy họ vào những tình huống tréo ngoe khác nhau. Và khoảnh khắc đó là cánh cửa khóa trái ngăn họ với thành công. Có thể chọn quay đầu bỏ đi, nhưng có những người thực hiện những điều “điên rồ” nhằm phá bỏ và bước qua cánh cửa ấy. Lẽ đó mà thành công luôn bắt đầu từ nhiều thứ không tưởng như thế.

Vượt khỏi những kỳ vọng

Thử tưởng tượng mỗi ngày nhắm mắt, mở mắt, bạn đều thực hiện những việc quen thuộc đến nhàm chán trong khi cuộc sống mỗi ngày vẫn liên tục “ném” vào bạn hàng tá những vấn đề và cơ hội khác nhau. Nhưng bạn lại lờ đi và chấp nhận bước ở con đường một chiều tắc cứng và trôi theo một nhịp điệu chuẩn mực. Bạn e sợ được và mất, sợ sai lầm lặp đi lặp lại. Một năm có 365 ngày, hơn 50.000 phút, một đời người có hơn 3.600.000 nhịp tim nhưng lại sống như một sự tồn tại: hít thở, ăn và uống.

Những cá nhân thành công họ chối từ một cuộc sống lập trình như thế. Câu chuyện “điên rồ” của họ đều xuất phát từ việc họ muốn làm những thứ mà bản thân chưa bao giờ thử trước đó hoặc chưa từng nghĩ đến. Cơ bản họ làm với tâm niệm “KHÔNG KỲ VỌNG”. Bởi nếu suy nghĩ một cách công thức: làm và kết quả, thành ra lại quá muốn kết quả mà dẫn đến sự thất vọng lớn khi kết quả không xảy đến.

Sam Walton – người sáng lập chuỗi bán lẻ Walmart lớn nhất thế giới đã khởi nghiệp từ việc mở cửa hàng đầu tiên tại thị trấn nhỏ bé và hẻo lánh Bentonville – nơi chưa từng có công ty bán lẻ nào dám làm như vậy.

Hay Harland Sanders từ một cậu bé nghèo làm đủ nghề nuôi mộng thành đầu bếp với món gà chiên tự chế bán ở quầy ăn trạm xăng đến “cha đẻ” của thương hiệu gà rán KFC nổi tiếng.

Khi bắt tay vào những việc không bình thường, thậm chí “ngược dòng” với đại đa số đôi khi bạn sẽ tạo nên những câu chuyện phi thường của riêng mình. Bạn không thể mong chờ sự khác biệt nếu như cứ rập khuôn theo cùng một cách.

Hỗn loạn và trật tự

Không một ai nói rằng bạn phải thật giàu có, không một ai nói rằng bạn sẽ phải thành công cũng không một ai nói rằng bạn sẽ sống hạnh phúc. Không ai nói điều đó cả trừ bạn, và những rắc rối theo đó sẽ cho bạn câu trả lời. Trước một trật tự là một hỗn loạn và trước một hỗn loạn lại là một trật tự khác. Mỗi khi bạn cố gắng đưa mọi thứ về đúng quỹ đạo thì bạn đồng thời phải bước qua quá trình mang tên hỗn loạn. Lưỡng lự là một phần của hỗn loạn, giúp bạn tìm đến một nguồn năng lượng mới, một sự cộng hưởng mới từ đó lập ra một trật tự mới. Và giữa trật tự mới ấy, bạn lại mắc kẹt đôi khi và sẽ lại khao khát một điều gì đó cao hơn, lớn hơn hoặc nhanh hơn. Người thành công không đi trên con đường chỉn chu ngay ngắn mà họ đi giữa những hỗn loạn của bản thân, tự đặt mình vào các tình huống nhất định, để trải nghiệm, để tái tạo ra một trật tự mới và riêng biệt. Lớn lên nghèo khó, thiếu thốn hay luôn khao khát và cần nhiều hơn những thứ mình có là động lực giúp họ chạm vào mơ ước.

Nếu như mọi người nghĩ: Làm thế nào để biết mọi thứ, làm thế nào để đưa tất cả vào trật tự và trong tầm kiểm soát? Thì người thành công sẽ “vui vẻ” đón nhận những hỗn loạn và giải quyết nó, biến nó trở thành thời khắc huy hoàng, thành câu chuyện đáng nhớ trong cuộc đời họ.

Cố gắng lớn đến thất bại lớn

Mỗi câu chuyện thành công đều có những thất bại lớn. Bao nhiêu lần bạn bơi ngược dòng với hiện tại, làm những điều không ai dám làm, hoặc dám hy sinh những trật tự sẵn có để làm một thứ mình không chắc là bấy nhiêu lần bạn đều phải “té” sấp mặt và chật vật trong sự “điên rồ” của bản thân.

Những lần bạn ngã xuống sẽ gieo vào chính bạn sự cảm nhận tuyệt đối với trải nghiệm của bản thân. 

Hãy tưởng tượng hành trình đến thành công như một cuộc đấu nhiều hiệp, bạn chấp nhận bị “đánh” nhưng từ đó mà tìm ra điểm yếu của đối phương và giúp bạn K.O đối phương ở trận cuối. Thành công chỉ là một dạng kết quả, câu chuyện để đến thành công mới là thứ khiến những người thành công trở nên lớn lao và thú vị hơn cả.

Nguồn: ELLE