Làm thế nào để buông xả và tha thứ…

Chúng ta đều cảm thấy rằng những gì chúng ta đang làm chỉ là một giọt nước trong đại dương…
…Nhưng đại dương sẽ ít đi một chút bởi vì thiếu giọt nước ấy…
“We ourselves feel that what we are doing is just a drop in the ocean. But the ocean would be less because of that missing drop.” – Teresa

Trong cuộc sống hàng ngày nhiều áp lực và va đập, chúng ta thường khó tránh khỏi những bất đồng, va chạm trong công việc, sinh hoạt hàng ngày, và các mối quan hệ ở gia đình, nơi làm việc. Khi xảy ra tranh cãi, ta có thể không kiềm chế được và nổi nóng hay nặng lời, ta có thể thắng hay thua cuộc tranh cãi, thường không dễ giữ được hòa khí …

Kết quả là ta có thể làm tổn thương người khác, bị người khác làm tổn thương, hay chính mình cũng bị tổn thương, thấy đau đớn vì những mặc cảm thua cuộc, yếu thế, tự cho là mình kém cỏi, cay đắng vì thất bại. Thậm chí nhiều người trong chúng ta rồi sẽ cảm thấy ân hận trên chiến thắng, vì đàng sau cái gọi là chiến thắng ấy là những xa cách, mất mát và đổ vỡ nếu một trong hai bên đắm say với cái tôi ngã mạn, hay không biết cư xử đẹp.

Tất nhiên, chúng ta đều biết rằng điều hay nhất là chúng ta cố gắng trong ứng xử, giao tiếp và các mối quan hệ sao cho giữ được an bình trong tâm ta và an hòa với người: đối đãi với nhau bằng lòng biết ơn, tính chính trực, sự ôn nhu, nói những lời tử tế, …có nghĩa là tử tế với nhau. Làm được điều này không phải dễ! Vì thế chúng ta phải học cách sống an hòa với mình và với người gần như suốt đời, trong suốt quá trình hiện hữu của ta.

Có một câu nói rất hay của Abraham Joshua Heschel: “Ngày xưa còn trẻ, tôi thường khâm phục những người thông minh; giờ khi tôi lớn khôn hơn, tôi ngưỡng mộ những người tử tế.”

Albert Schweitzer cũng tin rằng: “Cứ luôn tử tế là có thể làm được rất nhiều. Như mặt trời làm băng tan, sự tử tế làm cho những ngộ nhận, bất tín, và thù địch tan biến”

Tuy nhiên tử tế với mọi người vẫn chưa đủ. Nếu chúng ta đôi lúc gặp những người chưa tử tế với mình, ta phải làm sao? Chúng ta cần biết thương mình để có thể thương người. Và một trong những cách thương mình có thể dẫn đến an vui là biết buông xả và tha thứ. Bài viết sau đây của Leo Babauta trong Zenhabits sẽ cho ta một số ý tưởng về cách thực hành buông xả và tha thứ.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ BUÔNG XẢ VÀ THA THỨ

Một lúc nào đó trong đời, chúng ta đều đã từng bị một ai đó gây tổn thương-chúng ta bị đối xử tệ, niềm tin đổ vỡ, lòng ta đau đớn.

Và có khi nỗi đau này tuy không nặng nề lắm, nhưng nỗi đau kia lại hằn sâu và kéo dài quá lâu. Chúng ta lại khơi cho nỗi đau trở lại và rất khó khăn để nó qua đi.

Chính điều này gây ra những vấn đề. Thương tổn ấy không chỉ khiến ta đau khổ mà còn gây căng thẳng và hủy hoại các mối quan hệ, làm ta xao lãng công việc, xa rời gia đình và những điều quan trọng khác, khiến chúng ta miễn cưỡng không chịu mở lòng ra với những điều mới lạ và những người mới gặp. Chúng ta bị mắc kẹt trong chu trình của sân hận, đau khổ, và bỏ qua vẻ đẹp của cuộc sống diệu kỳ. Đối với một số người sẽ là thất vọng chán chường đến buông tay cay đắng.

Chúng ta cần phải học cách buông xả. Chúng ta cần phải tha thứ, để ta có thể tiếp tục bước tiếp và hạnh phúc. Tha thứ không chỉ với người mà còn với mình.

Đây là một điều mà tôi đã học một cách khó khăn- sau nhiều năm nuôi dưỡng sân hận với một người yêu thương phát sinh từ ấu thời và niên thiếu. Sau cùng tôi đã bỏ đi nỗi giận này ( khoảng 8 năm về trước). Tôi đã tha thứ, và điều này không chỉ cải thiện thật tốt mối quan hệ của tôi với người yêu thương ấy, mà còn giúp tôi hạnh phúc hơn.

Sự tha thứ không có nghĩa là bạn bôi xóa quá khứ, hay quên đi những gì đã xảy ra. Cũng không có nghĩa là người kia sẽ thay đổi hành vi, vì bạn không kiểm soát được điều đó. Tất cả chỉ có nghĩa là bạn đang buông xả cơn giận, hay cay đắng và nỗi đau, để chuyển sang một miền tốt đẹp an vui hơn.

Điều đó không dễ. Nhưng bạn có thể học làm điều đó.
Nếu bạn đang bám vào nỗi đau, làm nó sống lại, và không thể buông xả và tha thứ, xin hãy đọc một đôi điều tôi đã học…

1. Quyết tâm buông xả:

Bạn sẽ chẳng làm điều này trong một giây và có lẽ cũng không trong trong một ngày. Có thể cần thời gian để vượt qua một nỗi đau. Thế thì hãy toàn tâm ý với việc thay đổi, vì bạn thừa nhận rằng bạn đang bị tổn thương bởi nỗi đau.

2. Nghĩ về những thuận lợi và khó khăn:

Nỗi đau này gây ra cho bạn các vấn đề gì.?

Nó có ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn với người này không?

Với những người khác?

Nó có ảnh hưởng đến công việc hay gia đình không?

Nó có cản trở bạn theo đuổi những giấc mơ, hay trở nên một người tốt hơn chăng?

Nó có làm cho bạn không hạnh phúc không?

Hãy nghĩ về tất cả những vấn đề này và nhận ra bạn cần thay đổi.

Rồi hãy nghĩ đến những lợi ích của sự tha thứ, tha thứ sẽ làm cho bạn hạnh phúc hơn, giải phóng bạn khỏi quá khứ và nỗi đau, cải thiện mọi điều về mối quan hệ và cuộc đời

3. Nhận thức rằng bạn có thể lựa chọn

Bạn không thể kiểm soát hành động của người khác, và cũng không nên cố gắng. Nhưng bạn có thể kiểm soát không chỉ hành động của bạn, mà còn ý nghĩ của bạn.

Bạn có thể ngừng làm sống lại nỗi đau, và chọn để đi tiếp. Bạn có năng lực này. Bạn chỉ cần học cách thực hiện.

4. Cảm thông

Thử điều này: hãy đặt mình vào địa vị người đó. Cố gắng hiểu tại sao người ấy làm như thế. Bắt đầu từ giả định rằng người đó không phải là người xấu, nhưng chỉ làm một việc sai. Điều gì người này đã từng nghĩ, điều gì đã xảy ra trong quá khứ khiến người ta làm thế. Khi làm thế người đó đã nghĩ gì, và làm gì sau đó? Bây giờ người đó cảm thấy ra sao? Bạn sẽ không nói rằng những gì người ấy làm là đúng, nhưng thay vào đó hãy cố gắng hiểu và cảm thông.

5. Hiểu trách nhiệm của mình

Cố gắng để hiểu vì sao và bằng cách nào bạn phải chịu một phần trách nhiệm cho những gì đã xảy ra. Bạn đã có thể làm gì để ngăn điều đó, và bằng cách nào bạn có thể ngăn nó không xảy ra lần sau? Không phải là bạn chịu hết trách nhiệm, hay nhận trách nhiệm cho người kia, nhưng nhận biết rằng chúng ta không phải nạn nhân mà là những người trong cuộc và chịu trách nhiệm trong cuộc đời.

6. Tập trung vào hiện tại

Vì bạn đã xem xét quá khứ, hãy biết nhận ra rằng quá khứ đã qua. Nó không diễn ra nữa , ngoại trừ trong tâm trí bạn.Và điều đó gây ra vấn đề – đau khổ và căng thẳng.Thay vì vậy, hãy tập trung trở về với giây phút hiện tại. Bạn đang làm gì? Bạn có thể tìm thấy niềm vui nào hiện tại? Hãy tìm ra niềm vui trong cuộc sống hiện tại, khi nó xảy ra, và đừng làm quá khứ sống lại. Tất nhiên bạn sẽ bắt đầu nghĩ về quá khứ, nhưng chỉ biết như thế, và nhẹ nhàng trở về với hiện tại.

7. Để an bình bước vào đời bạn

Vì bạn tập trung vào hiện tại, cố gắng tập trung vào việc thở. Tưởng tượng mỗi hơi thở ra là đớn đau và quá khứ, loại bỏ nó ra khỏi thân xác và tâm hồn bạn. và tưởng tương mỗi hơi thở vào là an bình đi vào và làm tràn đầy trong bạn. Loại bỏ nỗi đau và quá khứ. Để cho sự an bình đi vào đời bạn. Đi lên phía trước, không nghĩ về quá khứ nữa, chỉ nghĩ về an bình và hiện tại.

8. Cảm nhận tâm từ ái

Sau cùng, tha thứ cho người và nhận thức rằng khi tha thứ, bạn cho mình được hưởng hạnh phúc và bước tiếp. Làm điều này không dễ, nhất là khi ta nuôi dưỡng quá nhiều sân hận với một ai đó. Hãy chọn con đường đi đến hạnh phúc Hãy để tình yêu người và yêu đời lớn lên trong tim bạn. Có thể cần thời gian, nhưng nếu bạn kiên định điều này, tiếp tục thực hiện một số điều trên cho đến khi bạn có thể đạt đến lòng thương cảm.

Mong sao chúng ta đều có được niềm hạnh phúc của buông xả và tha thứ ít nhất một lần trong ngày hôm nay và nhiều hơn trong một tuần và một tháng ……

Nguồn: Phật Học