Khi áo thun trở thành “tiếng nói” về nữ quyền

Nhà thiết kế Versace từng nói rằng, các cô gái nữ quyền không chỉ nắm bắt những vấn đề đang tồn tại trong xã hội, mà còn bản lĩnh đứng lên thay đổi chúng.

8-3 là ngày Quốc tế Phụ nữ. Đó không chỉ là ngày để một nửa của thế giới nhận được sự quan tâm, ưu ái từ cánh đàn ông, mà còn là dịp để chúng ta nhìn lại khởi điểm và hành trình đấu tranh vì quyền lợi cho phụ nữ. Phong trào nữ quyền (Feminism) xuất phát từ việc đấu tranh bảo vệ phụ nữ khỏi sự đàn áp của chế độ phụ hệ, tiến đến bình đẳng giới (Gender Equality) và những nhà hoạt động đấu tranh cho nữ quyền được gọi chung là “feminist”.

Kira Cochrane – tác giả của cuốn All the Rebel Women: The Rise of the Fourth Wave of Feminism nhận định rằng, giai đoạn nữ quyền đang trỗi dậy mạnh mẽ nhất thông qua sự kết nối với công nghệ thông tin. Đó là yếu tố chính dẫn đến thành công ngoài sức tưởng tượng của những chiếc áo thun in thông điệp nữ quyền xuất hiện trên khắp các sàn diễn thời trang thế giới. Nếu như trước đây, ngành công nghiệp thời trang bị chỉ trích là đứng ngoài thời cuộc, thờ ơ trước các vấn đề xã hội; thì nay, sự tham gia mạnh mẽ của các nhà mốt lớn đang góp phần xoay chuyển cuộc đối thoại về nữ quyền. Những chiếc áo thun mang thông điệp kêu gọi bình đẳng giới và quyền lợi con người nhanh chóng trở thành chủ đề được bàn tán nóng nhất trên mạng xã hội.

TIẾNG NÓI MẠNH MẼ CỦA THỜI TRANG

Tháng 1 – 2017, nữ ca sỹ Rihanna từng đăng tải hình ảnh cô mặc chiếc áo “This p***y grabs back”, ngầm phản bác phát ngôn gây tranh cãi của tổng thống Donald Trump về phụ nữ. Hay chiến dịch mặc chiếc áo “This is what a feminist looks like” (Đây là chân dung của một feminist) của nhiều ngôi sao Hollywood, trong đó có số đông nam giới tham gia như: Benedict Cumberbatch, Joseph Gordon-Levitt, Eddie Redmayne… góp phần đập tan định kiến về tên gọi “feminist” chỉ dành cho phụ nữ.

Nhà thiết kế Jonathan Simkhai bước ra cúi chào khán giả tại show diễn Thu Đông 2017 với chiếc áo in dòng chữ “Feminist AF”

Nhà thiết kế Jonathan Simkhai bước ra cúi chào khán giả tại show diễn Thu Đông 2017 với chiếc áo in dòng chữ “Feminist AF”

Không dừng lại ở đó, tại sàn diễn Prabal Gurung Thu Đông 2017, giới mộ điệu thời trang lại bất ngờ trước những chiếc áo thun đen và trắng, in slogan đầy mạnh mẽ: “My boyfriend/ girlfriend is a feminist” (Bạn trai/ bạn gái tôi là một feminist), “The future is female” (Tương lai là của phụ nữ), hay “Girls just want to have fundamental rights” (Quyền lợi phụ nữ muốn là quyền cơ bản). Show diễn đầy tính nhân văn của Prabal Gurung đã gây tiếng vang lớn, đặc biệt khi chính nhà thiết kế cũng xuất hiện chào sân trong chiếc áo “This is what a feminist looks like”. Điều thú vị phải kể đến là chiếc áo “Yes, we should all be feminist” (Phải, tất cả chúng ta đều nên là feminist) có một lời chú thích nhỏ bên dưới “Cảm ơn Chimamanda và Maria”. Prabal Gurung đang nhắc đến nữ văn sỹ Chimamanda Ngozi Adichie và nhà thiết kế Maria Grazia Chiuri của nhà mốt Dior. Bởi mùa Xuân Hè 2017 trước đó, Maria Chiuri đã cho ra mắt chiếc áo thun in dòng chữ “We should all be feminists” (Tất cả chúng ta nên là feminist). Đây là câu nói nổi tiếng của nhà hoạt động xã hội/văn sỹ người Nigeria – Chimamanda Ngozi Adichie, tái định nghĩa khái niệm feminism ở thế kỷ 21. Khoảnh khắc đó đã trở thành cơn sốt trên Instagram và nhanh chóng nhận được hàng triệu lượt quan tâm.

2018319 nuquyen hinh06

Bên cạnh sự ủng hộ của mạng xã hội, các ngôi sao hạng A cũng đóng một vai trò tích cực đưa những chiếc áo thun mang thông điệp nữ quyền vào tâm điểm chú ý. Chiếc áo “We should all be feminists” được Natalie Portman mặc khi bước lên bục phát biểu tại buổi tuần hành Women’s March ở Los Angeles vàotháng1–2017. Mộtbuổi Women’s March khác vào tháng 1 – 2018 cũng tại Los Angeles, Scarlett Johansson đã có một bài phát biểu đầy cảm động về nạn quấy rối tình dục nơi làm việc trong chiếc áo thun đen in dòng chữ “Time’s Up”.

CÂU CHUYỆN NỮ QUYỀN TỪ CHIẾC ÁO THUN

Ở những giai đoạn trước, phong trào nữ quyền và thời trang thường đứng ở hai bên chiến tuyến. Nguyên do chính là ngành công nghiệp thời trang thường bị các feminist chỉ trích về vấn nạn sử dụng nhân công rẻ mạt tại các nước kém phát triển, mà phần đông là lao động nữ. Sự kiện nổi bật nhất là khi chiếc áo thun “This is what a feminist looks like” do Whistles làm ra vào năm 2014 vướng vào nghi vấn được sản xuất tại một nhà máy có điều kiện lao động tồi tệ, với số lượng nhân công nữ đông đảo. Mặc dù công ty này sau đó đã bác bỏ tin đồn trên, mối quan hệ giữa feminist và thời trang chưa bao giờ thôi căng thẳng.

Nhà thiết kế Prabal Gurung cùng dàn người mẫu (ảnh trên) và các cô gái trong show diễn của Dior mặc áo thun in chữ (ảnh dưới) kêu gọi bình đẳng giới

Nhà thiết kế Prabal Gurung cùng dàn người mẫu (ảnh trên) và các cô gái trong show diễn của Dior mặc áo thun in chữ (ảnh dưới) kêu gọi bình đẳng giới

2018319 nuquyen hinh02

“Đó là một cuộc chiến không bao giờ kết thúc,” nhà thiết kế Prabal Gurung nhận định. Không phải là xu hướng đến rồi đi trong thoáng chốc, những chiếc áo thun in slogan đang từng bước xóa nhòa rào
cản giữa phong trào nữ quyền và ngành công nghiệp này. Minh chứng rõ nhất chính là những đóng góp tích cực của thời trang vào các tổ chức đấu tranh vì quyền lợi cho phái nữ như Planned Parenthood (Tổ chức kế hoạch hóa gia đình) và ACLU (American Civil Liberties Union – Hiệp hội quyền tự do công dân Hoa Kỳ). Liệu những chiếc áo thun này có được người dùng ưa chuộng không? Câu trả lời là rất nhiều! Những chiếc áo in kêu gọi nữ quyền của các nhà mốt được bán hết nhanh chóng chỉ vài ngày sau khi lên kệ.

Ken Downing, giám đốc thời trang tại Neiman Marcus giải thích về hiện tượng này: “Lý do là bởi con người vốn yêu thích những thông điệp mang tính chất tích cực, khơi dậy hy vọng và sự kết nối cộng đồng.” Nhiều chuyên gia xã hội học thậm chí còn cho rằng, nhờ những chiếc áo thun in slogan nữ quyền, khái niệm feminism mới được truyền tải một cách hiệu quả hơn đến đối tượng khán giá vốn khó tiếp cận. Nếu như giai đoạn đầu tiên của feminism bị đánh giá là cực đoan, với những phương thức biểu tình có phần nặng nề, thì nay câu chuyện đã khác. Sự tự do được đặt lên hàng đầu, dù bạn thuộc tầng lớp người nào trong xã hội, bạn cũng có thể là một feminist, không kể giới tính, sắc tộc, lối sống.

2018319 nuquyen hinh01

2018319 nuquyen hinh04

Theo : herworldvietnam