Hồ Ba Bể – nét đẹp hoang sơ giữa núi rừng

Nằm trong vườn quốc gia Ba Bể, hồ Ba Bể là một trong 100 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới và được công nhận là khu du lịch quốc gia Việt Nam. Theo các nhà địa chất học, cách đây khoảng 200 triệu năm, hồ được tạo nên sau cuộc kiến tạo lục địa Đông Nam Á vào cuối kỷ Camri. Khi ấy, một khối nước với diện tích bề mặt lên tới gần 5 triệu m2, dày hơn 30 m đã được đưa lên lưng chừng của vùng núi đá vôi và tạo ra hồ Ba Bể ngày nay. Hồ được hình thành từ 3 nhánh hồ Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng thông nhau.

ba_be_4

Cao hơn mực nước biển khoảng 145m, Hồ Ba Bể có diện tích bề mặt hơn 650ha, dài gần 8km và có một nút thắt ở giữa. Xung quanh hồ là những dãy núi đá vôi có nhiều hang động và suối ngầm bên trong. Mực nước ở đây lúc cao lên tới 20-25m, khi cạn nước cũng còn 5-10m.

ba_be_1

Nguồn nước chính của Hồ Ba Bể được cung cấp từ 3 con sông. Vận tốc di chuyển trung bình của nước khoảng 0.5m/s. Khi vào mùa mưa lũ, có khi vận tốc nước lên tới 2,5 – 3m/s. Giữa hồ có hai đảo nhỏ nhô lên gọi là đảo An Mã và đảo Bà Góa. Cứ đến mùng 5 tháng giêng hàng năm, trên đảo An Mã lại tổ chức lễ hội “Lồng tồng” (có nghĩa là lễ xuống đồng) của người dân trong vùng. Nơi đây có sự cư ngụ của khoảng 3000 cư dân từ các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Kinh. Trong đó, người Tày sống ở đây lâu nhất và cũng là dân tộc chiếm đa số ở Ba Bể.

ba_be_3

Hồ Ba Bể được người dân Việt Nam biết đến nhiều thông qua truyền thuyết Hồ Ba Bể. Theo đó, truyện kể rằng hôm đó là ngày lễ hội cúng Phật của dân làng Nam Mẫu. Hôm ấy, một bà lão bệnh cùi đến làng xin ăn. Nhìn bà lão rách rưới, bốc mùi hôi hám nên mọi người đều tránh xa, trừ người đàn bà góa chồng đang ở cùng với con trai. Họ mời bà cụ vào nhà, cho bà ăn và chỗ ngủ. Đến sáng ngày hôm sau, bà cụ hóa thành con Giao long lớn vô cùng. Bà nói rằng sắp có trận đại hồng thủy, rồi đưa cho mẹ con họ một gói tro để rải quanh nhà và 2 vỏ trấu. Rồi bà lão biến mất. Ngày hôm sau, nước dâng ngập làng, trừ nhà của hai mẹ con tốt bụng. Nước cứ dâng đến đâu, đất nhà bà lại cao tới đó. Thế rồi, mẹ con họ thả hai vỏ trấu xuống, vỏ trấu liền biến thành thuyền, giúp họ đi cứu người mặc mưa to gió lớn. Sau khi mưa tạnh, ngôi làng biến mất để lại hồ nước xanh như ngọc, rộng bao la. Về sau, người dân gọi là Hồ Ba Bể vì nó hợp thành từ ba hồ nước, lưu thông nhau. Nhà của mẹ con tốt bụng nọ được gọi là đảo Bà Góa để tưởng nhớ về lòng tốt của họ.

ba_be_5

Hồ Ba Bể có thảm động vật, thực vật vô cùng phong phú. Nếu cóp dịp đến đây, bạn có thể thấy từng đàn bướm lượn dập dìu bay quanh hồ vô cùng đẹp mắt. Được chèo thuyền trên hồ, tận hưởng không khí trong lành cùng làn gió mát mẻ sẽ khiến tâm hồn thư thái, thoải mái hơn.

Nguồn: Công ty cổ phần thương mại Cat Linh / vnbooking.com