Cây độc: Hương Bài có độc nhưng lại là cây quý giúp nhà nông thoát nghèo

Cây độc Hương Bài không dùng làm thuốc uống được. Súc vật ăn có thể bị chết.

Cây Hương Bài là một loại cây thảo mộc, sống tự nhiên trên các vùng đồi và triền cát. Hương Bài (Dianella Ensifolia DC) còn có tên gọi khác là: Cát Cánh Lan, Lưỡi Đòng, Huệ Rừng – Hương Lâu, Rẻ Quạt, Xương Quạt, Sơn Gian Lan, Bạch Mao Hương. Chúng phân bổ hầu khắp từ Bắc đến Nam Việt Nam.

Cay doc: Huong Bai co doc nhung lai la cay quy giup nha nong thoat ngheo - Anh 1

 Cây Hương Bài. Ảnh: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – GS.TS Đỗ Tất Lợi

Cây Hương Bài sở dĩ có tên như vậy là do rễ cây này được dùng làm hương đốt trong những ngày tết, dáng cây trông giống như cỗ bài.

Hương Bài là một loại cỏ sống dai, có thân rễ nằm ngang, thân cao chừng 40-50cm, có thể tới 1m. Lá mọc so le, ôm lấy thân theo hai bên thân hình nan quạt giấy trông như chiếc quạt hay quân bài, do đó có tên rẻ quạt hay hương bài. Lá hình mác dài 40-70cm, rộng 1,5-3,5cm, không cuống, phía dưới thành bẹ dài ôm lấy thân. Cụm hoa tận cùng, dài 10-20cm (không kể cuống) mọc thành thùy xim ngắn. Hoa màu vàng nhạt hay hơi tím nhạt, khi còn là nụ có hình trứng, 3 lá đài, 3 cánh tràng, 6 nhị, bầu hình cầu, 3 ngăn, quả mọng màu đỏ tía sẫm hay xanh đen, hình cầu đuờng kính 8- 9mm ngăn có 1-3 hạt hình trứng.

Từ xa xưa và lưu truyền cho đến ngày nay, người dân phía Bắc và miền Trung đã sử dụng cây Hương Bài để làm nguyên liệu chế biến nhang (nhang hương bài có mùi thơm rất đặc trưng, thường sử dụng trong những dịp đặc biệt). Hiện giá 1 kg rễ cây Hương Bài khoảng 25.000 đồng. Cứ 1 ha Hương Bài nhà nông có thể thu được trên dưới 4 tấn rễ khô. Như vậy, với giá 25.000 đồng/kg Hương Bài là loại cây mang lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ. Và trên thực tế, cây Hương Bài đã giúp nông dân Thôn Tiên Lý, xã Yên Định, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang thoát nghèo.

Việc nhân giống cây Hương Bài không khó. Có thể nhân bằng hạt, giâm hom, tách gốc… Trồng cây Hương Bài cũng như trồng sả, trồng thuần hoặc trồng xen dưới tán rừng khi cây rừng chưa khép tán. Sau khi trồng khoảng 1 năm hoặc hơn là có thể thu hoạch.

Cay doc: Huong Bai co doc nhung lai la cay quy giup nha nong thoat ngheo - Anh 2

 Cây Hương Bài giúp nông dân thoát nghèo. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam

Công dụng và liều dùng

Chưa thấy nhân dân ta dùng cây Hương Bài làm thuốc. Chỉ mới thấy dùng rẽ phơi khô trộn với nhiều vị thơm khác như hồi, quế chi và bã mía để làm hương thắp.

Tỷ lệ các vị đại để như sau: Rễ Hương Bài phơi khô 1kg, nẩy cây bưởi (vỏ thân cây bưởi tự bong ra) 1kg, bạch đàn và đại hồi mỗi thứ 300g, quế chi 300g, trầm 1kg, mía thái mỏng, giã và vắt bỏ nước đi 5kg. Tất cả sây khô tán nhỏ, cuộn vào giấy bản, trong có lõi que nứa để làm chân hương.

Tại các nước khác, người ta dùng lá giã nát đắp lên các mụn nhọt. Cây có độc không dùng làm thuốc uống được. Súc vật ăn có thể bị chết. Tại Nghệ An và một số tỉnh Hoa Nam Trung Quốc, người ta dùng rễ cây này chỉ vắt lấy nước, dùng nước này tẩm gạo, phơi khô, gạo khô lại tẩm, làm như vậy 3 lần. Rang gạo thơm, chuột ăn sẽ chết.

Cần chú ý ngay rằng tên Hương Bài dùng để chỉ hai cây khác nhau về hình dáng cũng như về họ thực vật. Cây Hương Bài thứ hai còn có tên là Hương Lau (Vetiveria zizanioides Nash) thuộc họ Lúa (Gramineae), rễ dùng nấu nước gội đầu cho thơm và cất tinh dầu hương bài.

Dũng Linh

(Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – GS.TS Đỗ Tất Lợi)

Nguồn : VietQ