Bánh xe hạnh phúc và 8 yếu tố cần thiết cho sức khỏe tinh thần của bạn

Sức khỏe là chìa khóa cho cuộc sống hạnh phúc và thành công. Do đó, sức khỏe cần được quan tâm, chăm sóc một cách toàn diện.

Tiến sĩ Mark Hyman là Giám đốc Y khoa tại Trung tâm Y tế Chức năng Cleveland Clinic, đồng thời là người sáng lập Trung tâm Siêu năng lực và là tác giả của nhiều tác phẩm bán chạy nhất của New York Times. Với niềm tin rằng tất cả chúng ta đều xứng đáng có một cuộc sống khỏe mạnh, ông đã nghiên cứu cách giải quyết nguyên nhân gốc rễ của bệnh mãn tính bằng cách khai thác sức mạnh Y học chức năng để chăm sóc sức khỏe.

Mới đây, Tiến sĩ đã đưa ra hình ảnh “bánh xe hạnh phúc”, vạch ra tám lĩnh vực cần thiết cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Sức khỏe là vấn đề liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và công việc của chúng ta. Do đó, nó cần được chăm sóc ở nhiều cấp độ và đa phương diện. Hy vọng những khái niệm được tiến sĩ gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn có cuộc sống hạnh phúc và khỏe mạnh hơn.

sức khỏe tinh thần 3

“Bánh xe hạnh phúc” với yếu tố giúp bạn có đời sống tinh thần khỏe mạnh. (Ảnh: Mark Hyman)

Gắn kết với cộng đồng

Có một sự thật là chúng ta chưa đánh giá đầy đủ tầm quan trọng của yếu tố cộng đồng trong đời sống tinh thần. Tuy nhiên, nếu mất cân bằng ở khía cạnh này, chúng ta có thể gặp nhiều rủi ro về sức khỏe tương đương với tác hại của việc hút thuốc. Ăn uống điều độ, tập thể dục thường xuyên là hai điều kiện cần nhưng chưa đủ để có sức khỏe tốt. Tất cả sẽ trở nên vô nghĩa nếu bạn có cuộc sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Tham gia hoạt động tình nguyện, đăng ký một lớp học ngoại khóa hay ưu tiên thời gian ở bên người thân là những cách giúp bạn tăng cường liên kết xã hội. Hãy tham gia vào hoạt động bạn yêu thích, sau đó, việc kết nối cộng đồng sẽ diễn ra một cách rất tự nhiên.

sức khỏe tinh thần 11

(Ảnh: Unsplash)

Kết nối tinh thần

Ngoài chú ý tạo sự liên kết xã hội, làm sâu sắc thêm mối liên hệ với chính mình là yếu tố quan trọng không kém. Tìm thấy cảm giác yên bình bên trong cho phép chúng ta điều hướng những thăng trầm trong cuộc sống. Chúng ta đều hiểu rằng thái độ tích cực mang nhiều lợi ích như thế nào. Nó không chỉ giúp tăng hiệu quả công việc mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh như đau tim, đột quỵ. Dành thời gian lắng nghe bản thân, cho mình khoảng không gian nghỉ ngơi khi cần thiết. Trong đó, thiền là biện pháp hữu ích để nuôi dưỡng tinh thần của bạn. Nếu thực hành những bước này thường xuyên, bạn sẽ thấy rõ sự khác biệt từ tâm trí đến sức khỏe bên ngoài.

sức khỏe tinh thần 4

(Ảnh: Unsplash)

Chăm sóc sức khỏe cảm xúc

Tiến sĩ Mark cho biết vượt qua rào cản cảm xúc có thể thay đổi cuộc đời bạn. Khi xuất hiện cảm xúc tiêu cực, thay vì tìm cách đối mặt, chúng ta lại có xu hướng lãng tránh nó. Song, chúng ta càng che đậy nỗi buồn, nó sẽ càng lớn dần hơn và từ từ gặm nhấm tâm trí của chúng ta. Chưa hết, thói quen này còn dẫn đến các căn bệnh về thể chất khác như đau dạ dày do căng thẳng quá độ, trầm cảm… Có nhiều cách để bước qua giai đoạn căng thẳng như tập hít thở sâu, hướng bản thân đến suy nghĩ tích cực, chia sẻ với người thân về nỗi lo lắng của bạn. Bạn cần ghi nhớ rằng cảm xúc tiêu cực hiện tại chỉ là vấn đề tạm thời. Nếu bạn đủ tỉnh táo và kiên nhẫn, bạn sẽ nhanh chóng vượt qua thôi.

sức khỏe tinh thần 7

(Ảnh: Unsplash)

Xây dựng các mối quan hệ

Con người không thể sống tách biệt với tập thể. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta đều cần có sự tương tác, gắn kết và thương yêu lẫn nhau. Đó chính là mong muốn bẩm sinh, là bản chất của cuộc sống. Mối quan hệ với chính mình, với bạn bè và gia đình đều có ý nghĩa to lớn đến mọi khía cạnh trong sức khỏe ngắn hạn và dài hạn. Để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, hãy luôn đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu họ hơn. Bên cạnh đó, bạn cần nhận ra đâu là mối quan hệ quan trọng và học cách trân quý những người yêu thương bạn. Trái lại, những người chỉ đem lại cảm xúc tiêu cực không nên nằm trong vùng quan tâm của bạn nữa.

sức khỏe tinh thần 8

(Ảnh: Unsplash)

Chế độ dinh dưỡng

Tiến sĩ Mark Hyman được biết đến với câu nói: “Your fork, the powerful tool to transform your health and change the world”,tạm dịch: Chiếc nĩa là công cụ quan trọng trong việc cải biến sức khỏe và thay đổi thế giới. Nói một cách dễ hiểu, tiến sĩ Mark khẳng định những gì chúng ta đưa vào cơ thể có ảnh hưởng nhất định đến tâm trạng và sức khỏe thể chất của chúng ta. Bằng cách chú ý hơn trong khâu lựa chọn, chế biến thực phẩm, chúng ta có thể tạo ra sự cân bằng cả về mặt cảm xúc lẫn sức khỏe.

Tiến sĩ đưa ra quy tắc dinh dưỡng yêu thích là ăn nhiều loại thực vật có nhiều màu sắc nhằm cung cấp các chất phytochemical, chất chống oxy hóa có lợi. Trong chế độ ăn hàng ngày, bạn cần bổ sung rau củ, trái cây hữu cơ, một số loại thịt được nuôi bằng cỏ, chất béo lành mạnh như dừa và bơ, các loại hạt, thảo mộc. Thực phẩm ở dạng đơn giản nhất có thể phát huy tối đa giá trị dinh dưỡng. Do đó, khi chế biến, thay vì chiên, xào với nhiều dầu mỡ, bạn chỉ cần luộc hoặc hấp với một ít muối và tiêu. Dầu động vật nên được thay thế bằng dầu đậu nành, dầu olive, dầu dừa để có những bữa ăn đảm bảo cho sức khỏe.

sức khỏe tinh thần 1

(Ảnh: Unsplash)

Vận động

Bên cạnh ăn uống lành mạnh, vận động là một phần không thể thiếu để có sức khỏe tốt, cơ thể dẻo dai. Ngày nay, có nhiều xu hướng luyện tập từ các động tác thể dục dụng cụ sôi động, bài tập cardio đốt cháy năng lượng đến hình thức tập luyện chậm như yoga, thiền. Dù chọn phương pháp nào, tất cả đều mang lại cho bạn rất nhiều lợi ích như giảm huyết áp, giảm lượng cholesterol trong máu, hạn chế các bệnh về xương khớp… Khoa học cũng cho thấy vận động có thể hỗ trợ sức khỏe trí não thông qua việc giải tỏa căng thẳng, áp lực. Mark luôn khuyến khích bệnh nhân giữ thói quen luyện tập hoạt động họ yêu thích để tâm trí cởi mở và đón nhận những điều mới mẻ.

Bạn có thể bắt đầu bằng một bài tập đơn giản như đi bộ quãng đường ngắn trước nhà, trong công viên… Nếu chưa tìm được động lực, hãy rủ người thân hay bạn bè cùng nhau luyện tập. Một bài tập ngắn nhưng thường xuyên có tác dụng không khác gì so với việc bỏ hàng giờ trong phòng tập. Vậy nên, “bận rộn” không còn là lý do để bạn tiếp tục trì hoãn kế hoạch tập thể dục của mình nữa.

sức khỏe tinh thần 2

(Ảnh: Unsplash)

Xác định mục đích sống

Mục đích sống như kim chỉ nam cho mọi hoạt động của bạn. Mục đích sống càng rõ ràng, bạn sẽ càng dễ có được cuộc sống hạnh phúc và tươi vui hơn. Bạn có thể tự vấn một số câu hỏi như điều gì khiến bạn cảm thấy hài lòng nhất hoặc ngược lại, bạn không thích điều gì nhất, bạn muốn làm gì trong vài năm tới… Trả lời những thắc mắc này, bạn sẽ phần nào xác định được bạn nên và không nên làm gì để đạt được mục tiêu đã đề ra. Ví dụ, nếu bạn muốn có một sự nghiệp ổn định trong 5 năm tới, bạn sẽ không phải mất thời gian cho những thói quen tiêu cực hay suy nghĩ vô bổ, thay vào đó sẽ tập trung phát triển kỹ năng, kiến thức cần thiết để hiện thực hóa mong muốn đó.

sức khỏe tinh thần 6

(Ảnh: Unsplash)

Thực hành tư duy

Tất cả 7 điều trên đây sẽ không thể xảy ra nếu bạn không có tư duy thay đổi. Bạn có muốn từ bỏ thói quen ăn uống không điều độ không, bạn có muốn cải thiện tinh thần làm việc tốt hơn không… Tất cả đều tùy thuộc vào suy nghĩ của bạn. Suy nghĩ là tập hợp thái độ và cách bạn phản ứng với những thách thức trong cuộc sống. Tiến sĩ Mark một lần nữa nhắc lại lợi ích của việc ngồi thiền trong sự phát triển của não bộ, giúp tư duy tốt hơn, cải thiện trí nhớ, đặc biệt giảm các bệnh về lo âu và tim mạch. Điều quan trọng nhất là bạn phải luyện tập quá trình này thường xuyên vì bộ não dễ quay lại con đường cũ nếu bạn không duy trì mỗi ngày.

sức khỏe tinh thần 5

(Ảnh: Yogajournal)

 Nguồn: Thechalkboardmag